Nếu ngay từ lúc bắt đầu tìm kiếm sự đúng sai trong chuyện đối đầu trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc, các chuyên gia hàng hải độc lập sẽ nói hoàn toàn không có câu trả lời dễ dàng. Nó phản ánh một phần các quyền tự do truyền thống - mà một số người nói là hỗn loạn - ở vùng biển mở này.
Mỹ tuyên bố tàu Impeccable bị tàu Trung Quốc "khiêu khích". (Ảnh: Reuters)
Việc thực hiện và làm sáng tỏ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) vẫn là công việc đang được tiến hành.
Các luật sư thường nói rằng, có thể đưa cả một siêu tàu chở dầu đi qua những ngôn ngữ mập mờ và các khái niệm khó hiểu. Thực tế là, việc Mỹ đã ký vào bản công ước hoàn tất năm 1982 hầu như không giúp được gì trong nỗ lực giải quyết căng thẳng hai bên.
UNCLOS quy định về các đại dương, không chỉ quy định về các đặc khu kinh tế mà còn cho phép các nước không có biển được quyền sử dụng biển, được quyền thực hiện các nghiên cứu đại dương, có quyền tham gia kiểm soát các nguồn tài nguyên dưới lòng biển và có tòa án quốc tế để giải quyết tranh chấp.
Song khác với Trung Quốc, Mỹ dù đã ký vào UNCLOS, nhưng chưa phê chuẩn.
Điều này có nghĩa là Mỹ đã hứa sẽ không có bất cứ hành động nào có thể làm hại tới mục tiêu của Công ước, nhưng không đồng ý bị ràng buộc về pháp lý theo các điều khoản của Công ước.
Luật biển quy định rằng, mỗi quốc gia có vùng lãnh hải 12 hải lý và các đặc khu kinh tế - là các khu vực biển mở rộng 200 hải lý (370km) từ bờ biển của một quốc gia - để cho họ đặc quyền khai thác và sử dụng tài nguyên biển. Đặc khu kinh tế cho phép một nước quyền khai thác dầu khí, cá và các tài nguyên khác cùng quyền kiểm soát nghiên cứu hàng hải.
Trung Quốc trong nỗ lực phản đối các hành động của tàu Impeccable (Mỹ) đã cho rằng, đặc khu kinh tế của họ ước tính gồm 120km phía nam-tây nam đảo Hải Nam.
Theo các chuyên gia hàng hải, nếu tàu USNS Impeccable đúng là ở bên trong đặc khu kinh tế của TQ, họ hoàn toàn có quyền có mặt tại đó một cách hợp pháp. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào hoạt động mà con tàu đang thực hiện lúc đó.
Giới luật sư và các nhà phân tích cho rằng, cả hai bên đều có thế mạnh riêng trong trường hợp này. Trung Quốc có thể chỉ ra quy định trong Công ước là, những quốc gia khác hoạt động trong một đặc khu kinh tế của một nước, thì nước đó có quyền được thông tin về việc nghiên cứu hàng hải.
Mỹ có thể lại đưa ra khẳng định rằng, hành động của họ chỉ là hoạt động hải quân bình thường.
Những hoài nghi như thế sẽ chỉ tiếp tục nhân lên trong nhiều năm tháng tới. Mỹ và nhiều nước khác giám sát khá chặt chẽ việc Trung Quốc xây dựng căn cứ tàu ngầm hạt nhân tại Du Lâm trên đảo Hải Nam đã cho thấy tầm quan trọng của những tuyến đường biển trên Biển Đông.
Tàu Impeccable cùng các tàu phụ trợ không chỉ "nghe ngóng" hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc, mà còn thu thập các dữ liệu quan trọng để triển khai tàu ngầm của Mỹ như nhiệt độ nước, sinh thái biển và những thông tin khác.
Theo Tiến sĩ Sam Bateman, một chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Học viện nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Singapore, công việc này rất quan trọng ở vùng biển Đông Á. "Nó ẩn chứa rất lớn khả năng gây ra căng thẳng và hiểu lầm trong tương lai, trừ phi có sự cải thiện về thông tin giữa các cường quốc quân sự", Bateman nói.
Việc Mỹ gia tăng hoạt động trong khu vực Biển Đông cũng nhắc Trung Quốc về vấn đề tiềm năng phía trước với Bắc Kinh khi nỗ lực hạn chế cái gọi là "hành động quá mức" của Washington. Với hạm đội tàu ngầm riêng, Trung Quốc có thể hy vọng tiến vào đặc khu kinh tế của các nước khác và triển khai những tàu tương tự như Impeccable để tự thu thập dữ liệu.
Tàu ngầm là vũ khí chủ lực trong việc thu thập tình báo, có khả năng xâm nhập vào mạng lưới cáp ngầm dưới biển và triển khai thợ lặn tới bờ biển cũng như các cơ sở của đối thủ.
Cũng giống như trước đây Liên Xô thường tiến gần bờ biển Mỹ, Trung Quốc một ngày nào đó sẽ có lý do để làm việc tương tự - sử dụng các quyền tự do mà nước này hiện cáo buộc Mỹ đang lợi dụng.
Theo giới phân tích, cuộc đối đầu trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Mỹ thậm chí có thể dẫn tới xung đột trong khu vực nếu không có sự kiểm soát thận trọng.
Sự việc này gợi lại những bất đồng kéo dài về quyền của quốc gia ven biển trong những đặc khu kinh tế mở rộng 200 hải lý từ bờ biển của một nước và quy định cho phép tàu cũng như máy bay quân sự nước ngoài sử dụng hải phận và không phận của đặc khu.
Mỹ tuyên bố, các tàu Trung Quốc đã tiến tới quá gần tàu thăm dò đại dương không trang bị vũ khí Impeccable khi tàu này cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 120km về phía nam khiến tàu này buộc phải rời khỏi khu vực. Lầu Năm Góc cho biết, một tàu thăm dò khác của Mỹ trước đó cũng đã bị gây hấn ở Hoàng Hải cách bờ biển Trung Quốc 125 hải lý.
Dù Mỹ không phê chuẩn UNCLOS, nhưng Mỹ khẳng định các tàu và máy bay quân sự của họ có quyền qua lại trong những hải phận "quốc tế" kể cả đặc khu kinh tế của nước khác.
Trung Quốc, nước đã ký Công ước khăng khăng cho rằng, các hoạt động quân sự, đo đạc thủy văn, thu thập tình báo của tàu hoặc máy bay nước ngoài thực hiện trong một đặc khu kinh tế chỉ được thực hiện khi được sự cho phép của quốc gia ven biển.
Sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng. Đặc biệt, nước này đã tuyên bố ngân sách quốc phòng sẽ tăng gần 15% trong năm nay bất chấp bối cảnh kinh tế sụt giảm. Tham vọng trở thành một cường quốc hải quân của Trung Quốc cũng được thể hiện bằng việc triển khai các tàu chiến tham gia hoạt động chống hải tặc tại Somalia mới đây cùng tuyên bố, Hải quân Trung Quốc có kế hoạch xây dựng và hoạt động các tàu sân bay.
Tháng 3/2001, một tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc đã đối đầu với tàu thăm dò Hải quân của Mỹ, Bowitch, tại Hoàng Hải. Tháng sau đó, một chiến đấu cơ của Trung Quốc đâm phải một máy bay do thám của Mỹ trên vùng đảo Hải Nam, gây căng thẳng trong quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Trung Quốc trong một thời gian.
-
Kỳ Thư (Tổng hợp từ Canberra Times, South China Morning Post, BBC)