221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1180280
Không thể hồi phục nhanh nền kinh tế Mỹ
1
Article
null
Không thể hồi phục nhanh nền kinh tế Mỹ
,

Tổng thống Obama, hôm 25/3, nói rằng "không có cách nào nhanh chóng sửa chữa" để kéo nền kinh tế Mỹ khỏi suy thoái song ông tin tưởng đất nước này sẽ phục hồi.

Tổng thống Obama. (Ảnh: Getty Image)

Tổng thống Obama đã mở đầu cuộc họp báo bằng cách cập nhật thông tin cho công chúng Mỹ về tình trạng kinh tế và các kế hoạch đang được tiến hành để giúp nền kinh tế tăng trưởng trở lại.

Đáng chú ý là trong tuyên bố mở đầu, ông không nói chính quyền của ông "thừa hưởng" cuộc khủng hoảng tài chính từ chính quyền Bush - một cụm từ mà ông và các cố vấn, trong đó có cố vấn tài chính hàng đầu Lawrence Summers, đã nhiều lần sử dụng. Thay vào đó, Obama nói rằng, cuộc khủng hoảng "mất nhiều năm và chịu nhiều thất bại" trước khi bùng nổ.

Trấn an và kêu gọi trách nhiệm

Trong cuộc họp báo giờ vàng này, Obama đã kêu gọi người Mỹ nhìn về tương lai với "niềm tin" rằng một ngày tươi sáng hơn sẽ tới.

"Chúng ta sẽ thoát khỏi cuộc suy thoái này. Tuy nhiên, sẽ mất thời gian và cần bình tĩnh. Chúng ta cần hiểu rằng, khi tất cả hợp tác với nhau, khi mỗi người nhìn xa hơn quyền lợi ngắn hạn, hướng tới một loạt nghĩa vụ lớn hơn, đó là khi chúng ta thành công".

Tìm kiếm sự ủng hộ cho kế hoạch kinh tế, Tổng thống Obama nói với nước Mỹ rằng, chính quyền của ông đã thực thi "một chiến lược toàn diện nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này trên mọi mặt trận. Đó là một chiến lược tạo việc làm, giúp những người sở hữu nhà ở có trách nhiệm hơn, tái khởi động hoạt động cho vay tiền và làm cho kinh tế Mỹ tăng trưởng trong dài hạn. Và chúng ta đang bắt đầu nhìn thấy những dấu hiệu tiến triển".

Ông khẳng định, trên thị trường tín dụng thứ cấp tuần qua đã có nhiều khoản vay hơn so với 4 tháng trước đây.

Giảm thâm hụt ngân sách 50%

Tổng thống cũng sử dụng cuộc họp báo này để tuyên truyền về ngân sách tham vọng của ông. Kế hoạch ngân sách này đã bị đảng Cộng hòa và những người bảo thủ trong đảng Dân chủ của ông chỉ trích vì mức thâm hụt quá lớn.

"Ngân sách tôi đã trình lên Quốc hội sẽ góp phần phục hồi kinh tế trên một nền tảng vững chắc hơn, để chúng ta không phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tương tự trong vòng 10-20 năm tới", ông nói.

Bất chấp sự chỉ trích của phe Cộng hòa, những người gọi kế hoạch ngân sách của ông là vô trách nhiệm do có thể làm tăng thâm hụt trong thập kỷ tới, Tổng thống cam kết chính quyền sẽ cắt giảm 50% thâm hụt ngân sách trong 5 năm tới.

"Tôi nghi ngờ một số nghị sĩ Cộng hòa có trí nhớ tồi. Như tôi nhớ lại, tôi đang thừa hưởng thâm hụt ngân sách 1,3 nghìn tỷ USD hàng năm từ họ". Obama cũng nói rằng, ngân sách của ông "không thể tách rời" khỏi chiến lược phục hồi kinh tế tổng thể.

"Cách tốt nhất để giảm thâm hụt ngân sách trong dài hạn không phải là đưa ra một kế hoạch chi tiêu tiếp tục những chính sách từng dẫn chúng ta tới một giai đoạn thịnh vượng ngắn ngủi và nợ nần chồng chất. Đó phải là một ngân sách đưa tới sự tăng trưởng kinh tế lớn, bằng cách chuyển từ một kỷ nguyên vay tiền và chi tiêu, sang giai đoạn tiết kiệm và đầu tư".

"Tôi vẫn chưa thấy các quy định ở đó.  Điểm cốt yếu là, tôi muốn thấy chăm sóc y tế, năng lượng, giáo dục và các nỗ lực nghiêm túc giảm thâm hụt ngân sách. Sẽ có những chi tiết cần được soạn thảo".

Obama đã bác bỏ những suy đoán cho rằng, các nghị sĩ Dân chủ ôn hòa có thể ngầm phá hoại đề xuất ngân sách 3,6 nghìn tỷ USD của ông, bằng cách loại bỏ kế hoạch cắt giảm 800USD tiền thuế cho hầu hết các gia đình trung lưu.

Obama nói rằng, mặc dù các điểm cụ thể trong kế hoạch ngân sách này có thể bị thay đổi song các mục tiêu then chốt của ông về việc thúc đẩy cải cách y tế, khởi động một chính sách năng lượng mới và đầu tư vào giáo dục sẽ vẫn được giữ nguyên.

Obama giải thích, sự cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu này được trả trong hai năm tới bằng gói kích thích kích tế mà Quốc hội Mỹ vừa thông qua. Trong những năm tiếp theo, "chúng tôi đã xác định được cách bù đắp cho nó. Nếu Quốc hội có một cách bù đắp tốt hơn, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe".

Từ 2012-2019, ngân sách của Obama dự kiến dành 526/646 tỷ USD thu được từ chương trình thu giữ và buôn bán khí thải nhà kính để bù đắp cho cắt giảm thuế đối với tầng lớp trung lưu.

Obama nói rằng, chương trình này "phải tính tới những khác biệt của từng vùng" - một tuyên bố có thể tái đảm bảo cho các nghị sĩ Dân chủ ở miền Trung Tây, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc suy thoái hiện nay, song lại gây lo ngại cho những nhà bảo vệ môi trường.

Vụ AIG

Trả lời câu hỏi tại sao Tổng thống phải đợi tới ba ngày mới công khai lên tiếng chỉ trích AIG về việc trả các khoản tiền thưởng lớn cho nhân viên, Obama đáp "bởi tôi muốn nghĩ về điều tôi sẽ nói".

Ông Obama cũng giảm nhẹ ngôn từ về các khoản tiền thưởng mà AIG trả cho các giám đốc, nói rằng ông cũng tức giận như tất cả mọi người về vấn đề này.

Tuy nhiên, ông nói thêm, "chúng ta không thể coi mọi nhà đầu tư và thương nhân, những người tìm cách kiếm lợi nhuận là quỷ", bởi khuynh hướng bẩm sinh đó là thứ đã tiếp sinh lực cho sự thịnh vượng trong quá khứ của chúng ta và sẽ giúp nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng

Obama nói rằng, ông ủng hộ đề xuất của Bộ trưởng Tài chính Geithner về việc trao thêm quyền hạn cho Bộ Tài chính để kiểm soát những tổ chức mà sự thất bại của chúng sẽ gây nguy hiểm nghiêm trọng cho hệ thống tài chính Mỹ.

"Nên nhớ chính vì thiếu quyền hạn này mà tình hình của AIG trở nên tồi tệ hơn", Obama quả quyết rằng, chính phủ cần những quyền lực mới để quản lý các tổ chức tài chính phi ngân hàng như AIG theo cách mà FDIC được hưởng.

Ông Obama cùng Geithner và Bernanke đang yêu cầu trao cho chính phủ quyền hạn để nhận dạng và xì hơi các bong bóng trước khi chúng tan vỡ. Chẳng hạn, nếu chính phủ xác định giá tài sản sẽ tăng và nhiều tín dụng đang được tuôn ra, chính phủ sẽ yêu cầu các ngân hàng tăng vốn để giảm thiểu rủi ro.

Ý tưởng này đã được thực hiện và từng gặt hái được một số thành công ở các quốc gia Nam Mỹ, song vấp phải sự cản trở ở Mỹ. Mỹ có thể thúc đẩy ý tưởng này tại Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới tại London vào ngày 2/4.

Sắc tộc

Trả lời câu hỏi của phóng viên Ann Compton của ABC News Radio về việc vấn đề sắc tộc có làm ảnh hưởng tới việc xử lý sự vụ hàng ngày của Tổng thống hay không, Obama đáp: "Tôi nghĩ rằng 64 ngày qua đã bị chi phối bởi việc cố gắng tìm ra cách chúng ta sẽ sữa chữa nền kinh tế Mỹ như thế nào và điều đó ảnh hưởng cả tới người da màu lẫn da trắng".

Tổng thống nói rằng, ông đã suy ngẫm về lịch sử phân biệt chủng tộc đầy đau xót ở Mỹ sau khi đắc cử và ý nghĩ đó kéo dài khoảng một ngày trước khi ông bắt tay vào tìm cách cứu nền kinh tế. Ông tin tưởng, "ngay bây giờ người Mỹ đang phán xét tôi đúng như cách tôi nên bị phán xét", nhưng là việc ông làm tổng thống tốt tới mức độ nào, chứ không phải dựa vào sắc tộc của ông.

Trước khi kết thúc cuộc họp báo, ông Obama gửi một thông điệp tới chính phủ cánh hữu mới của Israel: "Tình hình hiện nay không bền vững". Binyamin Netanyahu, Thủ tướng sắp tới của Israel đã nghi ngờ sâu sắc về ý tưởng thành lập một Nhà nước Palestine độc lập.

Tuy nhiên, ông Obama chỉ ra rằng, Washington sẽ ép ông Netanyahu nghĩ lại về lập trường đó. "Chúng ta sẽ nghiêm túc ngay từ đầu trong việc tìm cách làm các bên lay chuyển", ông nói.

Cuộc họp báo đã kết thúc lúc 8 giờ sáng 25/3 (theo giờ Hà Nội).

  • Minh Sơn (theo CNN, CNBC, Washington Post)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,