Nhân kỉ niệm 10 năm Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đánh bom Serbia, tờ Allvoices điểm lại một số vấn đề cơ bản trước, trong và sau các vụ tấn công năm 1999.
Thủ đô Belgrade của Serbia rực cháy sau một trận không kích của NATO hồi tháng 3/1999. (Ảnh: Kosovo.net) |
Những lý lẽ biện hộ công khai đã dựa trên các báo cáo một chiều, giả mạo và bị nhào nặn của Mỹ giống như cuộc chiến trước đó ở Bosnia.
Các vụ đánh bom và tiếp theo là tuyên bố độc lập đơn phương (UDI) có sự dàn xếp cẩn thận của người Albania ở Kosovo đã đi ngược lại luật pháp quốc tế và vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ), các hiệp định Helsinki và hàng loạt nghị quyết của LHQ kể cả nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an.
Vấn đề lớn về người tị nạn bắt nguồn từ thời điểm diễn ra các vụ đánh bom của NATO cũng như trước đó. Trước những năm 1990, người Serbia đã rời khỏi Kosovo một phần vì họ cảm thấy bị người Albania chiếm đa số tại đây phân biệt đối xử. Trong những năm 1990, người Albania cũng ra đi với cùng một lý do.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngay sau các cuộc đánh bom, người Albania đã bắt đầu việc "thanh trừng sắc tộc" đối với người Serbia dưới sự giám sát của lực lượng gìn giữ hoà bình KFOR - những người đã tiến hành "can thiệp nhân đạo". Điều tương tự đã lặp lại vào tháng 3/2004.
Sau các cuộc đánh bom, hầu hết người tị nạn Albania đã quay trở về trong khi chỉ một nhóm nhỏ người tị nạn Serbia - hoặc những người bị nội bộ trục xuất công khai quay trở lại Kosovo.
Số người Serbia còn lại tại Kosovo bị dồn vào những khu vực bị bao vây và duy trì sự sống chủ yếu nhờ vào sự hỗ trợ của các binh sĩ thuộc lực lượng KFOR quốc tế hoặc vùng đất bị chia tách, tập trung đông người Serbia ở Bắc Kosovo. Điều này đã biến một tỉnh từng đa sắc tộc trở thành một nơi đơn sắc tộc hơn.
Mục tiêu của cộng đồng quốc tế là xây dựng "các tiêu chuẩn trước địa vị pháp lý". Tuy nhiên, vào năm 2005, nhiệm vụ này được xem là không thể hoàn thành được, nên khẩu hiệu được chuyển thành "các tiêu chuẩn và địa vị pháp lý".
Ngay cả mục tiêu mới cũng phi hiện thực nên vào tháng 2/2008, "các tiêu chuẩn của châu Âu đã bị ném vào sọt rác và các cường quốc phương Tây đã vội vã chấp thuận địa vị pháp lý không kèm các tiêu chuẩn".
Theo các cường quốc phương Tây, tuyên bố độc lập đơn phương của Kosovo là "độc nhất vô nhị". Nhưng trong thực tế, nó đóng vai trò là một tiền lệ cho gần 5.000 nhóm sắc tộc và ly khai trên toàn thế giới noi theo.
Một quốc gia bình thường cần các cấu trúc của nhà nước, quyền hành pháp trên lãnh thổ của riêng họ và nền kinh tế có thể tự chống đỡ. Hai nhân tố đầu tiên của Kosovo đang nằm trong tay của các lực lượng ngoại quốc. Việc xuất khẩu của tỉnh chỉ bù đắp được 5-10% việc nhập khẩu, phần còn lại chủ yếu được bù đắp thông qua viện trợ quốc tế và tội phạm có tổ chức.
Kết quả ngày hôm nay: Kosovo có thể trở thành một nơi "thất bại" hoặc "bị chiếm đoạt", nếu cộng đồng quốc tế không nhất quyết nắm giữ quyền kiểm soát nó.
Kosovo của ngày nay đã thành một thiên đường an toàn đối với các tội phạm chiến tranh, những kẻ buôn bán trái phép chất ma tuý, hoạt động rửa tiền quốc tế và các tín đồ giáo phái Hồi giáo Wahhabi cực đoan - không may là tất cả những đối tượng này cũng là đồng minh của các cường quốc phương Tây.
Một chuyên gia phân tích cho rằng, giải pháp cuối cùng có thể là ấn lại nút điều chỉnh và quay trở về thời điểm tháng 1/2008. Chiến lược lối thoát có thể bắt đầu bằng việc Mỹ rút lại sự công nhận tuyên bố độc lập đơn phương của Kosovo. Sau đó, các cuộc đàm phán thực sự giữa những nhà cầm quyền địa phương có thể bắt đầu với kết quả không được định trước.
Điều quan trọng duy nhất vì lợi ích của sự tồn tại sẽ là các đảng phái địa phương đi đến thoả thuận, còn những người ngoài cuộc chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Quá trình cũng có thể điều chỉnh lại luật pháp quốc tế, ngăn chặn những vi phạm tương tự trong tương lai và hướng sự tập trung từ những sai lầm cũ sang tương lai.
-
Thanh Bình (Theo Allvoices)