221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1181034
G20 sẽ đối mặt với những vấn đề cấp bách nào?
1
Article
null
G20 sẽ đối mặt với những vấn đề cấp bách nào?
,

Nhóm G20, gồm những quốc gia mạnh nhất trên thế giới, sẽ nhóm họp tại London vào ngày 2/4 tới. G20 muốn thúc đẩy lòng tin để các nhà lãnh đạo toàn cầu đoàn kết trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay. Dưới đây là một số những vấn đề then chốt sẽ được thảo luận:

 

In đôla tại Mỹ. (Ảnh: AP)

 

Phục hồi kinh tế toàn cầu

Mục tiêu then chốt của hội nghị thượng đỉnh này là đạt được sự nhất trí về một hành động toàn cầu thúc đẩy nền kinh tế thế giới. Các chính phủ đang được kêu gọi phối hợp hành động để thúc đẩy nền kinh tế của họ bằng cách tăng chi tiêu.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gợi ý rằng, mỗi nước cần tăng ngân sách ít nhất 2% GDP, tương đương chừng 2 nghìn tỷ USD toàn cầu, mới có thể chống được những tác động của suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, những con số mới nhất cho thấy một số quốc gia lớn, trong đó có Trung Quốc và Mỹ, đáp ứng được mục tiêu này nhưng các nước khác như Pháp và Nhật Bản, thì lại không.

Một số quốc gia châu Âu cho rằng, do các nền kinh tế của họ được thúc đẩy tự động bởi hành động bơm tiền mặt của chính phủ khi suy thoái xảy ra - tức là họ phải trả nhiều tiền hơn cho các khoản trợ cấp như thất nghiệp - nên trên thực tế họ đang đáp ứng được các mục tiêu trên.

Cũng có tranh luận rằng, cắt giảm lãi suất hoặc các biện pháp khác của ngân hàng trung ương nhằm thúc đẩy cung tiền cũng là một phần quan trọng của mọi kế hoạch kích thích kinh tế.

Phục hồi hoạt động cho vay

Một trong những trở ngại chính đối với sự tăng trưởng kinh tế thế giới là rắc rối trong hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng vẫn giữ nhiều tài sản "xấu", không thể bán hoặc định giá. Do vậy, G20 có thể thúc đẩy các chính phủ nhanh chóng hành động để giải quyết tình hình này.

Tuy nhiên, cho tới nay, hành động chậm hơn so với hy vọng.

Mỹ đã công bố một kế hoạch mua 1 nghìn tỷ USD tài sản xấu của các ngân hàng Mỹ thông qua sự phối hợp giữa chính phủ và các nhà đầu tư tư nhân. Trong khi đó, chỉ có một vài ngân hàng tại Anh tham gia kế hoạch bảo vệ tài sản của Ngân hàng trung ương Anh.

Hoạt động cho vay chậm lại đã ảnh hưởng mạnh tới các nước đang phát triển, khi luồng tiền của khu vực tư nhân giảm mạnh.

Thắt chặt các quy định

Nhiều người tin rằng, nguyên nhân dẫn tới suy thoái kinh tế là do việc quản lý lỏng lẻo các ngân hàng và các tổ chức tài chính. Do vậy, hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ tìm cách tăng cường các quy định quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng nhằm ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tương lai.

Nhiều khả năng các ngân hàng sẽ buộc phải giữ nhiều vốn hơn để phòng khả năng thua lỗ tái diễn. Những tổ chức tài chính có thể gây rủi ro cho hệ thống sẽ được quản lý chặt. Sẽ có các kế hoạch giám sát toàn cầu các rủi ro của hệ thống tài chính.

Một số chính phủ cũng muốn đặt ra các quy định về tiền thưởng nhằm ngăn chặn ngân hàng trả những khoản tiền thưởng lớn mà khuyến khích hành vi rủi ro của nhân viên.

Cũng sẽ có sự kêu gọi đưa những trung tâm tài chính không đánh thuế hoặc đánh thuế thấp vào mọi thỏa thuận toàn cầu mới.

Thúc đẩy vai trò IMF

Một mục tiêu lớn của hội nghị là tăng cường ngân khố cho IMF, tổ chức đang thiếu tiền. IMF đã trợ giúp 7 quốc gia trong 6 tháng qua với tổng số tiền 46 tỷ USD và sẽ cứu trợ nhiều nước khác. Điều đó có nghĩa là tổ chức này chỉ còn khoảng 150 tỷ USD để cho vay trong năm nay.

Thủ tướng Anh Gordon Brown muốn IMF có 500 tỷ USD. Nhật Bản đã đồng ý về một khoản cho vay 100 tỷ USD và EU đề nghị cung ứng 100 tỷ USD nữa.

Tuy nhiên, các quốc gia đang phát triển, trong đó có Trung Quốc, miễn cưỡng đóng góp thêm trừ khi IMF nhất trí tiến hành các cuộc cải cách mà sẽ mang lại cho các nước đang phát triển nhiều tiếng nói hơn trong cách điều hành quỹ này.

Một lựa chọn có thể được thảo luận là việc thành lập hội đồng chính sách mới của IMF. IMF cũng có thể được trao nhiều quyền hơn để giám sát các nguy cơ trong hệ thống ngân hàng.

Các nước đang phát triển

Các nước nghèo nhất thế giới chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi suy thoái. Ngân hàng Thế giới ước tính, có thêm 50 triệu người nữa rơi vào cảnh bần cùng do suy thoái toàn cầu. Tuy nhiên, có lo ngại rằng nhiều nước có thể cắt giảm viện trợ phát triển

Thủ tướng Anh Gordon Brown muốn các lãnh đạo thế giới cam kết duy trì mức viện trợ hiện nay và nếu có thể sẽ tăng viện trợ cho phù hợp với các mục tiêu mà họ đã nhất trí tại hội nghị năm 2005.

  • Minh Sơn (theo BBC)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;