Mỹ và Nga đã nhấn nút điều chỉnh quan hệ song phương hôm 1/4 bằng cách bàn bạc về vấn đề dễ dàng nhất mà họ có thể giải quyết nhanh chóng: giảm các lực lượng hạt nhân.
Các đầu đạn hạt nhân là trái cây tầm thấp trên cây quan hệ Nga-Mỹ. Sau cuộc hội đàm tại London hôm 1/4, Tổng thống Obama và người đồng cấp Nga Medvedev tuyên bố rằng họ dự định ký kết một thỏa thuận mới về cắt giảm hạt nhân vào tháng 12 tới.
Tổng thống Nga và Mỹ hội đàm ở London (AP)
Tại sao đây là vấn đề dễ dàng nhất? Bởi vì tiếp tục cắt giảm các đầu đạn hạt nhân đều mang lại lợi ích cho cả hai nước. Nga và Mỹ không cần quá nhiều đầu đạn hạt nhân. Mỹ có 2.200 đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai trong khi Nga có 2.800 đầu đạn.
Theo thỏa thuận giữa Tổng thống Bush và Tổng thống Putin tại Moscow trong năm 2002 (được gọi là Hiệp ước giảm vũ khí tấn công chiến lược - SORT), mục tiêu hiện nay là giảm số đầu đạn hạt nhân triển khai của mỗi bên xuống còn khoảng 1.700-2.200 vào năm 2012. Mục tiêu mới là đạt được một thỏa thuận nhằm giảm hơn nữa con số nói trên xuống còn 1.500. Sau khi cắt giảm rồi, số đầu đạn hạt nhân còn lại vẫn đủ để hai hai nước phá hủy lẫn nhau.
Và tại sao lại là tháng 12/2009? Bởi đó là thời điểm Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) hết hiệu lực. START quy định hai bên cắt giảm mạnh 80% lực lượng hạt nhân song điểm then chốt là nó chứa đựng các thỏa thuận ràng buộc về cơ chế thanh sát SORT. Khi START hết hiệu lực, những cam kết thanh sát cũng không còn. Do vậy, việc này tạo ra một thời gian biểu cấp bách cũng như một cơ hội mà cả hai lãnh đạo Nga và Mỹ đã giành lấy.
Nếu ông Medvedev thành công với Obama trong việc làm bà đỡ cho một hiệp ước giảm hạt nhân mới, lãnh đạo này của Nga sẽ củng cố được quyền lực và uy tín của ông ở Kremlin. Còn Obama sẽ có được một đồng minh lớn trong các vấn đề đối ngoại thách thức nhất đối với Washington, đặc biệt là Iran, Afghanistan và Triều Tiên.
TIN LIÊN QUAN
Trong cuộc hội đàm với Medvedev, Obama đã cam kết phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện - vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự của Moscow. Moscow đã phê chuẩn hiệp ước này song Mỹ thì chưa phê chuẩn. Bốn thành viên khác thuộc câu lạc bộ hạt nhân cũng chưa phê chuẩn, đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Israel. Tổng thống Mỹ cũng nói rằng sẽ ủng hộ Nga gia nhập WTO, chìa khóa để Nga hội nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu.
Đổi lại, Nga lưu ý Iran rằng nước này "cần phục hồi niềm tin của quốc tế" đối với Iran. Washington cho rằng Iran đang sử dụng chương trình hạt nhân dân sự làm vỏ bọc để phát triển vũ khí. Moscow có ảnh hưởng lớn với Tehran.
Về Afghanistan, Nga tỏ ý sẵn sàng giúp đỡ Mỹ. Moscow cũng nhất trí có lập trường cứng rắn hơn với Triều Tiên với tuyên bố rằng kế hoạch phóng tên lửa của Bình Nhưỡng sẽ "gây tổn hại tới hòa bình và ổn định trong khu vực". Moscow đã cùng Washington kêu gọi Bình Nhưỡng "kiềm chế và tuân thủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an LHQ".
Tuy vậy, Nga và Mỹ vẫn còn một số vấn đề cần vượt qua.
Nga muốn giữ lại ý tưởng nguyên gốc được sử dụng trong START và giảm cả đầu đạn hạt nhân cũng như các tên lửa, tàu ngầm, v.v... Nga cũng muốn cắt giảm mọi đầu đạn hạt nhân, chứ không chỉ các đầu đạn được triển khai.
Đối với Mỹ, phải làm rõ rằng không có mối liên hệ giữa thỏa thuận tiềm năng nói trên và hệ thống tên lửa phòng thủ của Mỹ ở Đông Âu - hệ thống mà Moscow phản đối. Có khả năng Obama sẽ hủy bỏ hoặc hoãn triển khai hệ thống này song ông sẽ không làm như vậy theo yêu cầu của Nga.
"Đây là một thời gian biểu cực ngắn. Trong quá khứ, những hiệp ước này phải mất nhiều năm để đàm phán và việc phê chuẩn cũng cần nhiều thời gian. Điều quan trọng là có ý chí chính trị đứng đằng sau", Mark Fitzpatrick, chuyên gia theo dõi hạt nhân tại Viện các nghiên cứu chiến lược quốc tế ở London, nói.
Tổng thống Obama hy vọng rằng thỏa thuận mới sẽ làm chệch hướng lời chỉ trích rằng Mỹ đang không làm đủ để thực hiện cam kết giải trừ hạt nhân theo Hiệp ước không phổ biến hạt nhân. Hiệp ước này yêu cầu các quốc gia có vũ khí hạt nhân tiến tới giải trừ theo một thỏa thuận chung. Thực tế là các nước này có thể giải trừ một phần chứ không giải trừ hoàn toàn kho vũ khí của họ.
-
Minh Sơn (theo BBC, AP)