221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1189532
Thái Lan: Khoảng lặng trước cơn bão
1
Article
null
Thái Lan: Khoảng lặng trước cơn bão
,

Sắc đỏ đã biến mất ở các đường phố Bangkok. Những đoàn người biểu tình đã thoái lui. Thủ đô Bangkok dường như đã trở lại nhịp sống bình thường. Song điều đó không có nghĩa là  bình yên đã đến với đất nước Thái Lan. Một khi gốc rễ của những mâu thuẫn ở đất nước Thái Lan chưa được giải quyết thì sự tĩnh lặng tạm thời này chỉ là chiều xuống của hình sin để chờ đợi một cơn bục phát sắp tới.

 

 

Phe áo đỏ ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin tại thủ đô Bangkok (Ảnh AFP)

 

Nhìn lại những ngày khủng hoảng vừa qua, Thái Lan đã mất rất nhiều. Bên cạnh sự mất mát về kinh tế, sự thụt lùi về du lịch vốn chiếm 5% nền kinh tế đất nước và sử dụng tới 2 triệu lao động thì hình ảnh những chiếc máy bay chở nguyên thủ các quốc gia châu Á vội vã rời khỏi Bangkok khi chưa kịp hoàn thành nghị trình của họ tại đây cũng đã mang theo luôn cả uy tín và tiếng tăm của Thái Lan, một trong những thành viên sáng lập và chủ chốt của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

 

Trong khi các nước khác coi thời gian làm chủ tịch ASEAN và đứng ra tổ chức các hội nghị cấp cao của khối là cơ hội để quảng bá hình ảnh của mình, để nâng cao vị thế của mình trong khu vực, thì tại Thái Lan, tất cả đã diễn ra hoàn toàn ngược lại. Đó là chưa kể những thiệt hại khi hội nghị cấp cao ASEAN với các đối tác lần này dự định thảo luận những vấn đề mấu chốt để cứu vãn nền kinh tế khu vực trong cơn khủng hoảng.

 

Với tình hình Thái Lan như hiện giờ cùng với lịch trình vốn rất bận rộn của các nguyên thủ quốc gia, đến bao giờ các nguyên thủ mới có thể ngồi lại với nhau để bàn những vấn đề mang tính nước sôi lửa bỏng với khu vực như vậy.

 

Báo chí Thái Lan đổ lỗi cho những người mặc áo đỏ, hay nói đúng hơn là ông Thaksin Shinawatra, người đứng đằng sau những cuộc bạo loạn lần này. Đúng là Mặt trận thống nhất vì dân chủ chống độc tài (UDD) ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin đã phát động cuộc biểu tình và đã làm tê liệt đất nước Thái trong nhiều ngày nhưng tình trạng này diễn ra không phải lần đầu tiên ở đất nước này và cũng không phải chỉ do những người áo đỏ gây ra.

 

Bangkok vẫn chưa bình yên (ảnh AP)

Năm 2006 đã diễn ra những cuộc biểu tình rầm rộ lật đổ thủ tướng Thái khi đó là ông Thaksin. Lý do là bởi giới chóp bu ở thành thị Thái Lan cho rằng ông là người độc tài, tham nhũng, giới hạn báo chí, thẳng tay đàn áp người Hồi giáo ở phía nam đất nước. Song đông đảo những người dân nghèo ở nông thôn lại yêu mến ông vì những chính sách kinh tế hiệu quả của ông đã cải thiện đời sống cho họ, nhất là khi ông đã dùng tiền chính phủ chi cho những vùng nghèo của đất nước. Chính vì thế ông đã 2 lần đắc cử với đa số phiếu áp đảo đối thủ.

 

Ở đây lộ ra mâu thuẫn căn bản của đất nước Thái Lan, đó là mâu thuẫn giữa những người giàu ở thủ đô và tầng lớp nghèo ở nông thôn. Sau khi ông Thaksin bị hạ bệ, một cuộc bầu cử dân chủ đã diễn ra vào cuối năm 2007, bản thân ông Thaksin không được tham dự nhưng liên minh của ông lại chiến thắng vì đa số dân nghèo ủng hộ ông.

 

Và chỉ chưa đầy 1 năm sau, hàng đoàn người mặc áo vàng đại diện cho Liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD) đối lập, vốn được hậu thuẫn bởi giới chóp bu giàu có, đã biểu tình làm tê liệt đất nước, đóng cửa cả sân bay quốc tế lớn nhất Bangkok. Lại một cuộc bầu cử khác diễn ra và khi tòa án đã tuyên những liên minh chủ chốt của ông Thaksin không được phép tham gia vào chính trị thì điều đó đương nhiên dọn đường cho ông Abhisit lên nắm quyền.

 

Từ đó đến giờ chỉ mới vài tháng, những người ủng hộ ông Thaksin lại đổ về thủ đô để đòi chính quyền hiện giờ từ chức. Cái vòng luẩn quẩn này cho thấy rõ nền chính trị Thái Lan hiện giờ đang lâm vào bế tắc bởi cái mâu thuẫn chưa thể giải quyết được: người nghèo bỏ phiếu lập nên chính phủ nhưng người giàu lại có thể phá bỏ nó.

 

Cái vòng luẩn quẩn này còn tiếp diễn đến bao giờ? Mặc dù phe áo đỏ đã rút lui nhưng báo chí Thái vừa đưa tin ngay khi tình trạng khẩn cấp được gỡ bỏ, phe này sẽ tái nhóm họp và tiến hành các cuộc biểu tình với quy mô lớn hơn và mức độ cũng quyết liệt hơn.

 

Với những gì diễn ra mấy ngày qua thì rõ ràng chính quyền của thủ tướng Abhisit chưa đủ sức mạnh để có thể dễ dàng và nhanh chóng dập tắt được những cuộc biểu tình lớn hơn nữa. Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng giải pháp duy nhất lúc này là tổ chức bầu cử. Nhưng nếu diễn ra điều đó, nhiều khả năng phe của ông Thaksin lại thắng cử. Và cũng nhiều khả năng họ sẽ lại không nắm được quyền lâu.

 

Nếu định nghĩa “dân chủ” là chính quyền của dân, do dân và vì dân như Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln từng nói thì tại sao một đảng và các liên minh của nó như đảng của ông Thaksin đã 3 lần thắng cử lại không thể nắm chính quyền? Với lý luận như thế họ sẽ tiếp tục đấu tranh và sự bình lặng ở Bangkok thời điểm này chỉ là khoảng lặng trước cơn bão.

 

  • Hạnh Khuê

 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,