Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Margaret Chan đã tổ chức cuộc họp qua điện thoại với nhân viên và các chuyên gia về cúm khắp thế giới. Bà thúc giục chính phủ các nước tăng cường giám sát sự bùng phát của bệnh dịch.
Các quốc gia đã lên kế hoạch kiểm dịch, thắt chặt quy định nhập khẩu thịt lợn và kiểm tra hành khách máy bay trước cảnh báo của các chuyên gia y tế toàn cầu về khả năng dịch cúm lợn (do virus H1N1) gây chết người bùng phát.
Sân bay Incheon tại Incheon, tây Seoul lắp đặt máy đo thân nhiệt hành khách trong nỗ lực phòng chống bệnh cúm lợn (Ảnh Reuters)
Cúm lợn là loại bệnh hô hấp ở lợn. Trường hợp mắc bệnh ở người xảy ra khi tiếp xúc với lợn, hiếm khi xảy ra lây từ người sang người và hiện việc này đang được theo dõi sát sao.
Tới thời điểm này, Mexico là quốc gia duy nhất có những trường hợp tử vong được xác nhận do cúm H1N1 gây ra. Bệnh cúm lợn đang lây lan ở Mỹ và nghi ngờ xuất hiện ở một số nước khác.
Các toà nhà công cộng tại Mexico đã đóng cửa, hàng trăm sự kiện công cộng bị huỷ bỏ. Trường học trong và xung quanh Thành phố Mexico đóng cửa tới ngày 6/5, gần 70% quán bar nhà hàng trong thủ đô tạm thời ngừng hoạt động.
Người dân được khuyến cáo tránh bắt tay. Đại sứ quán Mỹ tại Mexico khuyên du khách tới nước này giữ khoảng cách ít nhất 1,8mét với người khác.
Bộ trưởng Y tế Mexico, Jose Cordova, cho biết, tổng cộng có 1.324 người đã nhập viện với các triệu chứng nghi ngờ kể từ ngày 13/4 và đang được xét nghiệm virus. “Cùng lúc đó, 81 người đã tử vong có lẽ liên quan tới virus, nhưng mới chỉ 20 trường hợp được xác nhận thông qua kiểm tra tại phòng thí nghiệm”, ông nói.
TIN LIÊN QUAN
Tổng thống Mexico Felipe Calderon đã tuyên bố các biện pháp khẩn cấp đối phó với tình hình trong đó có quyền cách ly cá nhân nghi ngờ nhiễm virus mà không sợ liên quan tới pháp luật.
Mexico đã đóng cửa các trường học, bảo tàng, thư viện, rạp hát với nỗ lực ngăn chặn dịch cúm lây lan sau khi hàng trăm người bị nhiễm bệnh. Tại Mỹ, có ít nhất 11 trường hợp được xác nhận mắc cúm lợn ở California, Texas và Kansas. Bệnh nhân trong độ tuổi từ 9-50. Ít nhất còn hai người đang điều trị tại bệnh viện. Tất cả đã phục hồi hoặc đang khoẻ lại.
Hong Kong và Đài Loan tuyên bố, những du khách trở về từ vùng có dịch cúm nếu bị sốt sẽ phải cách ly. Trung Quốc cho hay, chưa ai có những triệu chứng của cúm trong vòng hai tuần đã từng tới vùng có dịch. Còn cơ quan y tế Nga khẳng định, bất kể hành khách nào từ Bắc Mỹ nếu bị sốt sẽ phải cách ly cho tới khi xác định rõ nguyên nhân.
Sân bay Narita tại Tokyo, Nhật Bản đã lắp đặt một thiết bị để kiểm tra nhiệt độ hành khách đến từ Mexico. Indonesia tăng cường giám sát tại mọi điểm ra vào tại sân bay với khách du lịch có triệu chứng cúm và sẵn sàng cách ly trường hợp nghi ngờ nếu cần thiết.
Hong Kong và Hàn Quốc cảnh báo hạn chế đi lại tới thủ đô của Mexico và ba tỉnh có dịch. Bộ Y tế Italy cũng khuyến cáo người dân hoãn du lịch tới vùng xuất hiện bệnh cúm.
Các triệu chứng của căn bệnh này giống như cúm gồm: sốt trên 37,8 độ C, đau nhức cơ thể, đau họng, ho, sung huyết đường hô hấp và trong một số trường hợp là nôn ói, tiêu chảy.
Sân bay quốc tế Narita tại Narita, đông Tokyo cũng có hoạt động tương tự (Ảnh AP)
Theo WHO, ít nhất 81 người đã tử vong do cúm H1N1 tại Mexico. Loại virus này thường lây do trực tiếp tiếp xúc với lợn. Tuy nhiên, Joseph Domenech, phụ trách cơ quan thú y thuộc Tổ chức Nông Lương LHQ tại Rome nhấn mạnh, mọi triệu chứng cho thấy virus đang lây từ người sang người.
Nga đã cấm nhập khẩu sản phẩm thịt từ Mexico, California, Texans và Kansas. Hàn Quốc tuyên bố tăng cường kiểm tra sản phẩm thịt lợn từ Mexico và Mỹ. Serbia hôm qua (25/4) đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu toàn bộ thịt lợn từ Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, tổ chức vận động ủng hộ nông nghiệp của Italy, Coldiretti, cảnh báo chống lại mọi phản ứng quá mức vì cho rằng, nông dân sẽ thiệt hại hàng trăm triệu USD vì người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm như trong dịch bò điên năm 2001 và dịch cúm gia cầm năm 2005.
Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản Shigeru Ishiba đã xuất hiện trên truyền hình kêu gọi người dân bình tĩnh, và nói rằng ăn thịt lơn vẫn an toàn.
Tại Ai Cập, cơ quan y tế đã kiểm tra khoảng 350.000 lợn đang nuôi tại những trang trại ở Cairo và các tỉnh lân cận.
Hiện mức báo động của WHO ở cấp độ 3. Tổ chức này cho biết sẽ có thể tăng lên mức 4 nếu virus có biểu hiện khả năng lây từ người sang người. Cấp độ 5 sẽ áp dụng nếu virus được phát hiện ở ít nhất hai nước trong cùng một khu vực. Mức 6 sẽ là báo động đại dịch toàn cầu.
Chưa có vaccine điều trị loại bệnh mới này nhưng một số trường hợp có thể điều trị với thuốc chống virus. Chưa rõ về hiệu quả các loại vaccine cúm hiện nay với dịch bệnh mới cũng như sự khác biệt về mặt di truyền học với các loại cúm khác.
Những đại dịch cúm:
- 1918: Dịch cúm tại Tây Ban Nha vẫn là đại dịch có sức tàn phá nhất trong thời hiện đại – lây nhiễm tới 40% dân số thế giới và giết chết hơn 50 triệu người, người trưởng thành tuổi còn trẻ chịu ảnh hưởng nặng nhất.
- 1957: Dịch cúm châu Á do virus H2N2 gây ra làm hai triệu người tử vong. Trong đại dịch này, người già dễ bị lây nhiễm nhất.
- 1968: Dịch bệnh đầu tiên được phát hiện tại Hong Kong, do virus H3N2 gây ra làm một triệu người thiệt mạng trên toàn cầu, người ảnh hưởng lớn nhất ở độ tuổi trên 65.
-
Kỳ Thư (Tổng hợp từ AP, BBC)