Bộ trưởng Y tế Mexico hôm 30/4 đã tỏ ý lạc quan rằng tốc độ lây lan của cúm lợn đã chậm lại ở quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất này. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lại thận trọng hơn, nói rằng không có bằng chứng cho thấy dịch bệnh đã kết thúc.
Một bệnh nhân cúm lợn (giữa) tại Mexico City (Reuters) |
Ông Jose Angel Cordova cho biết số ca nhiễm mới đã chững lại và tỷ lệ tử vong gần như bằng 0 trong vài ngày qua. Ông cho biết vài ngày tới sẽ có vai trò then chốt trong việc quyết định liệu cúm A H1N1 có thực sự đang suy giảm hay không.
Hôm 1/5, Bộ Y tế Mexico khẳng định cho tới nay đã có 12 người tử vong do cúm lợn và 300 người nhiễm bệnh.
Bắt đầu từ ngày 1/5, Mexico sẽ chính thức ngừng mọi hoạt động trong 5 ngày với hy vọng làm chậm lại tốc độ lây lan của virus. Hầu hết mọi cơ quan chính phủ sẽ tạm đóng cửa, các cơ sở kinh doanh cũng được kêu gọi ngừng hoạt động và chính phủ khuyến khích người dân ở nhà.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ xác nhận có 118 người nhiễm cúm A H1N1 tại 15 bang và 300 trường học trên toàn quốc phải đóng cửa. Cuộc khủng thoản thậm chí còn lan tới Nhà Trắng khi trợ lý của Bộ trưởng Năng lượng cũng bị nhiễm bệnh sau khi tới Mexico chuẩn bị cho một chuyến thăm của ông Obama.
Các quan chức y tế châu Âu đã thề sẽ nhanh chóng hợp tác với các hãng dược phẩm để bào chế một loại vắc-xin ngừa chủng cúm mới H1N1 hiện nay. Tuy nhiên, các quan chức y tế Mỹ cho rằng sớm nhất cũng phải tới mùa thu mới sản xuất được vắc-xin.
Mỹ đang tiến hành các biện pháp phòng ngừa đặc biệt, trong đó có việc chuyển hàng triệu liều thuốc chống cúm tới các bang. Mỹ cũng đã bắt đầu gửi 400.000 liều tới Mexico. Chính phủ Mỹ hiện dự trữ khoảng 50 triệu liều, chưa kể 23 triệu liều dự trữ của các bang.
Trong một diễn biến khác, với hy vọng tránh sự hiểu lầm, WHO tuyên bố sẽ ngừng sử dụng thuật ngữ "cúm lợn". Thay vào đó, cơ quan này sẽ sử dụng tên khoa học của loại cúm này - cúm A H1N1. Trong những ngày gần đây, chính quyền Obama đã gọi virus này là H1N1. Các nông dân nuôi lợn ở nhiều nước đã bị ảnh hưởng mạnh và đang gây sức ép buộc các chính phủ đổi tên gọi hiện nay của virus.
Thụy Sĩ và Hà Lan đã trở thành các quốc gia mới nhất thông báo các ca nhiễm H1N1. Canada, New Zealand, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Israel và Áo cũng xác nhận các ca nhiễm H1N1. Như vậy, cho tới nay đã có 11 quốc gia có người nhiễm H1N1.
-
Minh Sơn (theo BBC, Reuters, AP, AFP)