Vụ bê bối gián điệp và những căng thẳng mới về Grudia đã đập tan những hy vọng rằng quan hệ giữa NATO và Nga có thể đang hướng tới một thời kỳ ổn định.
Nếu được đánh giá riêng rẽ, những sự kiện đó có lẽ chỉ là sự chệch hướng nhỏ. Nhưng nếu được xem xét cùng nhau thì chúng lại là một rào cản lớn.
Ảnh minh họa (RIA)
Thêm một diễn biến mới xuất hiện hôm 5/5 khi Chính phủ Grudia tuyên bố vào đêm trước khi diễn ra cuộc tập trận quân sự của NATO tại Grudia rằng Tbilisi đã đập tan một cuộc đảo chính do Nga hậu thuẫn.
Thông tin trên có lẽ sẽ củng cố niềm tin của nhiều thành viên NATO rằng mặc dù NATO đã hứa hẹn cuối cùng sẽ kết nạp Grudia song giờ không phải lúc để liên minh quân sự này cam kết bảo vệ một quốc gia bất ổn như Grudia. Trong khi đó, Grudia lại cho rằng chỉ có NATO mới đảm bảo được an ninh cho nước này.
Tập trận
Các cuộc tập trận của NATO được hoạch định cách đây một năm, bắt đầu vào ngày 6/5 và kéo dài 1 tháng. Kịch bản cho cuộc tập trận là chống lại một cuộc tấn công khủng bố nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình. Khoảng 1.000 lính từ một số nước thành viên NATO sẽ tham gia.
Nga được mời song đã từ chối hợp tác và mạnh mẽ chỉ trích cuộc tập trận này.
Một nhân tố nữa làm quan hệ NATO-Nga xấu đi là việc Nga vừa chính thức kiểm soát các đường biên giới của hai vùng li khai Abkhazia và Nam Ossetia thông qua hiệp định với hai vùng này. Sau khi Grudia tấn công Nam Ossetia hồi tháng 8/2008, Nga đã ủng hộ sự độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia.
Phát ngôn viên James Appathurai của NATO nói rằng hành động của Nga rõ ràng vi phạm các thỏa thuận đã đạt được với EU về việc kiểm soát hai vùng li khai trên.
Gián điệp
Diễn biến mới nhất của vụ bê bối gián điệp là quyết định của NATO trục xuất hai nhà ngoại giao Nga khỏi Brussels. Một trong số này là Vasily Chizhov - con trai của Đại sứ Nga tại EU, Vladimir Chizhov. Vasily có dính líu tới vụ Herman Simm - một quan chức Estonia bị kết án 12 năm tù sau khi thú nhận đã giao hàng nghìn trang tài liệu bí mật của NATO cho Nga.
Để trả đũa, Nga quyết định trục xuất trưởng phòng thông tin NATO tại Moscow. Hôm 5/5, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Nga cũng không tham dự cuộc họp sắp tới của Hội đồng Nga-NATO. Các cuộc họp này đã bị hoãn sau cuộc chiến Nga-Grudia hồi tháng 8/2008.
Nga đang phàn nàn rằng một số thành viên của NATO, chủ yếu là các nước Đông Âu, đang tìm cách "phá hoại" sự cải thiện gần đây trong quan hệ giữa Nga với Mỹ. Chính quyền Obama đã tuyên bố rằng muốn "nhấn nút điều chỉnh" quan hệ với Moscow.
Xuống dốc
"Quan hệ Nga-NATO là một mối quan hệ khó khăn với những thăng trầm. Hiện mối quan hệ này đang xuống dốc", Fraser Cameron, Giám đốc Trung tâm EU-Nga tại Brussels, nói.
"Có những quan điểm rất khác nhau trong NATO về cách đối phó với Nga. Một số coi Nga là mối đe dọa hiện hữu trong khi những nước khác cho rằng quan hệ Nga - NATO quá quan trọng nên không thể cắt đứt và Nga có thể giúp giải quyết các vấn đề Iran và Afghanistan.
Nga lúc nóng lúc lạnh và dường như không có một quan điểm rõ ràng. Có lẽ họ không muốn trao cho người Mỹ một thành công chóng vánh và có thể để những vấn đề này kéo dài dai dẳng. Tuy nhiên, tin tốt là chí ít thì Mỹ và Nga đang đối thoại. Đối thoại Nga, Mỹ đã biến mất dưới thời chính quyền Bush. Quan hệ giữa Ngoại trưởng Nga Lavrov và Ngoại trưởng Rice của Mỹ lúc đó rất tồi", Cameron nói.
Hy vọng tốt nhất về cải thiện quan hệ lúc này nằm ở các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga về vũ khí hạt nhân. Hai bên đã đặt hạn chót đạt được một thỏa thuận vào tháng 12 tới. Nếu họ ký được thỏa thuận này, đó sẽ là một thành công. Tuy nhiên, sẽ cũng có trở ngại trong tương lai.
Mối quan hệ cơ bản vẫn chưa được giải quyết. Có nghi ngờ giữa các thành viên NATO về bản chất của chính phủ Nga và quyết tâm của Moscow gây ảnh hưởng với các nước láng giềng. Và có nghi ngờ ở Moscow rằng NATO muốn Nga quay trở lại thời kỳ bất ổn của những năm 1990, khi Nga ở thế thụ động và dễ dãi.
-
Minh Sơn (tổng hợp)