Mười trong số 19 ngân hàng lớn nhất của Mỹ cần thêm tổng cộng 74,6 tỷ USD để tăng dự trữ tiền mặt của họ. Đây là kết quả của các "cuộc sát hạch sức bền" nhằm đánh giá liệu các ngân hàng Mỹ có đủ vốn để đối phó nếu cuộc khủng hoảng hiện nay tồi tệ hơn hay không.
Bank of America có nguy cơ cao nhất và cần thêm 33,9 tỷ USD. Trong khi đó, Citigroup cần thêm 5,5 tỷ và Morgan Stanley cần 1,8 tỷ USD. Các ngân hàng khác cần thêm tiền bao gồm Well Fargo (13,7 tỷ) và GMAC (11,5 tỷ).
Bộ trưởng Tài chính và Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (NYT)
Một số ngân hàng nói trên đã ám chỉ rằng họ dự định nâng dự trữ tiền mặt bằng cách bán tài sản chứ không muốn nhận thêm các khoản vay từ chính phủ liên bang. Các ngân hàng không cần thêm vốn là Goldman Sachs, JPMorgan Chase, Bank of New York Mellon, MetLife, American Express, State Street, BB&T, US Bancorp và Capital One Financial.
19 ngân hàng trên chiếm 2/3 tổng tài sản của hệ thống ngân hàng Mỹ và hơn 50% tổng tín dụng trong nền kinh tế Mỹ. Cục Dự trữ Liên bang và Bộ Tài chính Mỹ - hai cơ quan tiến hành cuộc sát hạch sức bền tài chính trên - đã ra hạn chót 8/6 để các ngân hàng cần thêm vốn hoàn tất kế hoạch tăng vốn của họ. Kế hoạch phải được hai cơ quan trên thông qua.
Bộ trưởng Tài chính Geithner nói rằng không có ngân hàng Mỹ nào có nguy cơ phá sản. Ông tin mặc dù đa số các ngân hàng lớn có thể tăng thêm vốn họ cần từ các nguồn tư nhân song nếu họ không thể làm như vậy, chính phủ sẵn sàng cho họ vay tiền thuế của dân.
Các nhà phân tích đã hoan nghênh kết quả của các cuộc kiểm tra trên. "Dường như những thông tin rò rỉ trước khi công bố kết quả là rất chính xác và do vậy không có những ngạc nhiên lớn. Những lo ngại về quốc hữu hóa hoặc sụp đổ của các ngân hàng ít nhiều đã biến mất", Eric Kuby thuộc North Star Investment Management nói.
Bộ trưởng Geithner nói rằng các cuộc sát hạch này được thiết kế cẩn thận và đáng tin cậy. Tuy nhiên, một số người đã hoài nghi về tính chặt chẽ, cho rằng các cuộc sát hạch này quá dễ dàng và không tính tới mô hình kinh doanh khác nhau của các ngân hàng.
-
Minh Sơn (theo BBC, NYT)