221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1204770
Nên đóng cửa nhà tù Guantanamo, tại sao?
1
Article
null
Nên đóng cửa nhà tù Guantanamo, tại sao?
,

Quốc hội Mỹ đã từ chối cấp 80 triệu USD mà Tổng thống Obama đề xuất để đóng cửa nhà tù Guantanamo. Tuy nhiên, Obama vẫn quyết tâm đóng cửa nhà tù này bởi điều đó cuối cùng sẽ làm nước Mỹ an toàn hơn.

Tổng thống Obama (AP)
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Cheney đã lớn tiếng chỉ trích quyết định đóng cửa Guantanamo của Obama, cho rằng hành động đó sẽ khiến nước Mỹ lâm nguy. Trong khi đó, Fox News tô vẽ những bức tranh về các nghi phạm khủng bố nhởn nhơ trên đường phố Mỹ ngay khi được các tòa án bất cẩn phóng thích hoặc vượt ngục. Rõ ràng là những lập luận này thật lố bịch.

Không còn Guantanamo, có thể dùng siêu nhà tù

Đúng như Tổng thống Obama đã chỉ ra trong bài phát biểu hôm 21/5 tại Trung tâm lưu trữ quốc gia, có hàng trăm tên khủng bố, giết người, hiếp dâm và các loại tội phạm khác đã bị các tòa án Mỹ xét xử, kết án và giam giữ an toàn. Trên thực tế, chưa có tù nhân nào thoát khỏi hệ thống siêu nhà tù "Supermax" ở Mỹ. Cùng ngày, Washington Post đưa tin 33 tên khủng bố quốc tế đang bị giam ở siêu nhà tù Florence, Colorado, mà công chúng ít chú ý tới. Nhiều tên trong số này có liên hệ với al-Qaeda.

Obama đã trích lời của Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, người nói rằng quan điểm không thể tìm được chỗ ở Mỹ để giam giữ 350 tù nhân Guantanamo là vô lý. Cũng hoàn toàn vô lý khi các nghị sĩ Cộng hòa vin vào thông báo rằng 14% trong số khoảng 500 tù nhân được phóng thích khỏi Guantanamo sau đó đã tham gia vào các hoạt động chống Mỹ.

Thứ nhất, những tù nhân trên do chính quyền Bush phóng thích, chứ không phải Obama. Họ được phóng thích chủ yếu là do bị bắt nhầm. Nhiều người trong số đó là sản phẩm của những kẻ săn tiền thưởng - người nhận tiền thưởng cho việc bắt giữ hoặc giao nộp người. Và chính cựu giám đốc Guantanamo là Tướng Geoffrey Miller đã đảm bảo với Quốc hội Mỹ rằng mọi tù nhân ở Guantanamo là "những kẻ xấu". Thế nhưng, sau đó chính quyền Bush đã phải thiết lập một tiến trình sàng lọc để xác định liệu những người mà Tướng Miller nói là "những kẻ xấu" có thực sự đúng như vậy hay không.

Chẳng có gì lạ khi một số người được phóng thích lại "tái phạm tội". Cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi một số tù nhân bị Mỹ giam giữ nhiều năm mà không được xét xử có thể tức giận với Mỹ. Không may là chính Guantanamo lại có thể tạo ra một số kẻ khủng bố tương lai, những người không có ý định đi theo hướng này khi lần đầu tiên bị bắt trên các đường phố ở Afghanistan, Pakistan hay Bosnia. Cuối cùng, hãy nhớ rằng gần 2/3 các tù nhân được phóng thích khỏi các nhà tù trên đất Mỹ tái phạm.

Đóng cửa Guantanamo: nước Mỹ sẽ an toàn hơn!

Tuy nhiên, tại sao lại "liều lĩnh" đưa các tù nhân Guantanamo tới đất Mỹ? Câu trả lời là đóng cửa Guantanamo có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Sự tồn tại của Guantanamo, cùng với việc chính quyền Bush sử dụng các hình thức tra tấn tàn bạo và chương trình chuyển tù nhân tới các nhà tù bí mật khắp thế giới của Mỹ, là cái cớ để các nhóm khủng bố tuyển dụng một lực lượng tân binh đông đảo hơn nhiều so với tổng số tù nhân tại Guantanamo.

Guantanamo góp phần thuyết phục thanh niên Hồi giáo rằng phương Tây không tôn trọng họ hoặc nền văn hóa của họ. Nhà tù này cũng khiến họ nghĩ rằng mọi lời nói của phương Tây về các giá trị dân chủ chỉ là đạo đức giả mà thôi. Về cơ bản, chính sách của Bush-Cheney thất bại là do họ phớt lờ một thành phần quan trọng của bản chất con người: sự tôn trọng.

Chúng ta có thể nhốt và giết hết "những tên khủng bố" Hồi giáo. Tuy nhiên, nếu cách làm đó làm nhục, làm mất thể diện và khiến các thanh niên Hồi giáo tức giận, những người trước kia có lẽ chưa bao giờ nghĩ về việc trở thành "những tên khủng bố", chúng ta sẽ thất bại trong "Cuộc chiến chống khủng bố". Như vậy, nước Mỹ sẽ ít an toàn hơn.

Trong năm 2007, John Esposito và Dalia Mogahed đã xuất bản cuốn "Who speaks for Islam?" - một cuốn sách dựa trên nghiên cứu lớn nhất từ trước tới nay về quan điểm của người Hồi giáo. Cuốn sách cho thấy người Hồi giáo có cảm giác sâu sắc rằng nền văn hóa và truyền thống tôn giáo của họ không được Mỹ và giới lãnh đạo trước đây của Mỹ tôn trọng.

Đối với nhiều thanh niên Hồi giáo dễ bị kích động, Guantanamo là một trong những biểu tượng rõ ràng nhất về sự thiếu tôn trọng đó. Và đối với đồng minh hiện tại và tiềm năng của Mỹ trên toàn thế giới, Guantanamo là một biểu tượng của việc Mỹ đã từ bỏ các giá trị dân chủ của nước này. Việc nhà tù này tiếp tục tồn tại sẽ cản trở các đồng minh hợp tác với Mỹ nhằm bảo vệ an ninh lẫn nhau.

Để đóng cửa Guantanamo, Mỹ phải chuyển những tù nhân tại đó đi nơi khác. Washington muốn các đồng minh nhận một số tù nhân này. Tuy nhiên, sẽ hoàn toàn không thể nếu Mỹ từ chối đưa bất kỳ tù nhân Guantanamo nào tới đất Mỹ. Rốt cuộc thì chính Mỹ đã tạo ra vấn đề này, chứ không phải các đồng minh của họ.

Tại Trung tâm lưu trữ quốc gia, nơi lưu giữ bản gốc Hiến pháp, Tuyên ngôn độc lập và Đạo luật Nhân quyền, Obama tuyên bố: "Một điều chắc chắn là Guantanamo đã cản trở sức mạnh đạo đức mà vốn là đồng tiền mạnh nhất của Mỹ trên thế giới. Thay vì xây dựng một nền tảng vững chắc cho cuộc chiến chống al-Qaeda dựa trên những giá trị và truyền thống mà chúng ta gìn giữ bấy lâu, chính phủ trước đây của chúng ta đã bảo vệ những quan điểm ngầm phá hoại pháp quyền".

Obama sẽ phải mất thời gian để dọn dẹp "mớ hỗn độn" do Bush và Cheney tạo ra, trong đó có Guantanano. Ông đang làm điều đó một cách khôn khéo bằng cách vừa bảo vệ chính sách chống khủng bố, vừa cam kết đóng cửa nhà tù Guantanamo. Ông đang tìm cách tự đặt bản thân vào vị trí trung gian giữa những nhà chỉ trích bảo thủ do cựu Phó Tổng thống Cheney đứng đầu và những người cánh tả cáo buộc ông không phục hồi công lý Mỹ.

  • Minh Sơn (tổng hợp)
     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,