Mặc dù hành động thử hạt nhân của Triều Tiên hôm 25/5 có thể khiến nước này bị cô lập nhiều hơn song lại giúp lãnh đạo Kim Jong-il khẳng định quyền lực, buộc Mỹ phải coi Bình Nhưỡng là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại.
Cho tới nửa đầu năm 2008, các chính phủ nước ngoài vẫn cho rằng mặc dù sở hữu từ 6 đến 12 đầu đạn hạt nhân song Triều Tiên thiếu khả năng thu nhỏ chúng để có thể lắp lên tên lửa. Tuy nhiên, trong vài tháng qua, đã có những tín hiệu rõ ràng về việc Triều Tiên đã trở thành một cường quốc hạt nhân đầy đủ, với khả năng phá hủy hoàn toàn các thành phố ở Nhật Bản và Hàn Quốc.
Triều Tiên bắn tên lửa trong lúc tập trận (AFP)
Theo đánh giá của Nga, lực của vụ nổ hôm nay ở vào khoảng 20 kiloton, gấp hơn 20 lần lực của vụ nổ năm 2006 (khoảng dưới 1 kiloton). Thông tin này đã được nhiều chuyên gia có thẩm quyền xác nhận, từ Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho tới Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Theo báo cáo tình báo được hé lộ cho các chuyên gia, Triều Tiên đã thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân tới mức có thể lắp chúng lên các tên lửa tầm trung.
Khả năng mới nói trên có nghĩa là Triều Tiên đã vượt Iran trong cuộc đua về khả năng tấn công hạt nhân. Nó cũng làm thay đổi căn bản cán cân sức mạnh giữa quân đội của Triều Tiên với quân đội Hàn Quốc, Mỹ.
Bình Nhưỡng hy vọng khả năng mới có được thông qua vụ thử hạt nhân thứ hai sẽ giúp Triều Tiên đạt được hai mục đích cùng lúc.
Về đối ngoại, vụ thử hạt nhân trên - một trong những hành động khiêu khích lớn nhất của Triều Tiên - nhằm tiến thêm một bước nữa trong việc buộc chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama công nhận Triều Tiên là một quốc gia có vũ khí hạt nhân và buộc ông Obama đàm phán trực tiếp. Trong nhiều năm qua, Triều Tiên thường sử dụng đe dọa quân sự để đòi các cường quốc nhượng bộ.
Tuy nhiên, với hành động đó, Triều Tiên sẽ khiến cho đồng minh lớn cuối cùng của nước này là Trung Quốc xa lánh. Hội đồng Bảo an LHQ chắc sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng bởi lần này Bắc Kinh có thể không sử dụng quyền phủ quyết trong Hội đồng để bảo vệ Bình Nhưỡng.
Chính phủ của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đã lên án hành động trên. Obama đã tuyên bố cộng đồng quốc tế sẽ có phản ứng thích đáng.
Về mặt đối nội, vụ thử thứ hai là một chiến thắng đối với lãnh đạo Kim Jong-il và chính sách "quân sự đi đầu" của ông. Thành công này sẽ giúp ông Kim củng cố hơn nữa quyền lãnh đạo sau khi có tin ông bị đột quỵ hồi tháng 8 năm ngoái.
-
Minh Sơn (tổng hợp)