221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1205302
Tại sao lính Mỹ chết ở Iraq, Afghanistan đều bị mổ xác
1
Article
null
Tại sao lính Mỹ chết ở Iraq, Afghanistan đều bị mổ xác
,

Kể từ năm 2001, khi cuộc chiến ở Afghanistan nổ ra, tất cả lính Mỹ thiệt mạng ở quốc gia Nam Á này đều được khám nghiệm tử thi và từ 2004, việc chụp cắt lớp những quân nhân bị chết trận ở Iraq hoặc Afghanistan bắt đầu được thực hiện.

Chỉ vài giờ sau khi thi thể người lính nằm trong quan tài phủ quốc kỳ tới căn cứ không quân Dover, nó sẽ trải qua một quy trình chưa bao giờ được diễn ra trong những cuộc chiến khác (Ảnh AP)

Việc mổ xác các binh sĩ để khám nghiệm do các nhà nghiên cứu bệnh học thuộc Nhóm bác sĩ pháp y của lực lượng vũ trang Mỹ tiến hành. Trong những cuộc chiến trước đây, khám nghiệm tử thi với những quân nhân chết trận là rất hiếm và việc chụp cắt lớp không bao giờ được tiến hành.

Những thủ tục trên đã đem lại nhiều thông tin chi tiết về các thương tích do đạn bắn, nổ, trúng bom và bỏng. Đây là các thông tin quan trọng cho thấy những khiếm khuyết trong việc sản xuất áo giáp, các thiết bị bảo vệ và dẫn tới những cải tiến trong chế tạo mũ sắt và các thiết bị y tế dùng trên chiến trường. 

Tại sao phải khám nghiệm tử thi

Ban đầu, quân đội Mỹ còn nghi ngờ về sự hữu ích của việc chụp cắt lớp tử thi nhưng hiện giờ họ rất tích cực tìm kiếm dữ liệu từ hoạt động này, các bác sĩ pháp y cho biết và nhấn mạnh, chỉ trong một ngày hồi tháng 4, họ nhận được 6 đề nghị xin thông tin từ Bộ Quốc phòng và các nhà thầu.

"Chúng tôi đã tạo lập được một nền tảng dữ liệu khổng lồ, chưa từng có", đại uý Craig T.Mallak, 48 tuổi, nhà nghiên cứu bệnh học của Hải quân kiêm luật sư, lãnh đạo Nhóm bác sĩ pháp y của lực lượng vũ trang Mỹ, một ban của Viện nghiên cứu bệnh học Lực lượng vũ trang cho biết. 

Các bác sĩ pháp y của cơ quan trên đã chụp cắt lớp khoảng 3.000 tử thi, nhiều hơn bất cứ một viện khám nghiệm tử thi nào khác trên thế giới, tạo nên những ghi chép chi tiết tới từng phút và hình ảnh 3 chiều về những vết thương trên chiến trường.

Dù việc chụp cắt lớp đôi khi được gọi là khám nghiệm tử thi ảo, thì nó cũng không thể thay thế việc mổ xác để khám nghiệm kiểu cũ. Đúng hơn, nó bổ sung thêm thông tin và giúp hướng dẫn, đẩy nhanh việc mổ xẻ để phân tích, bằng cách chỉ cho các nhà nghiên cứu bệnh học tìm ra viên đạn hay mảnh bom đang ẩn ở chỗ nào.

Ngoài ra, chụp cắt lớp cũng giúp phơi bày những đoạn mô bị phá huỷ rõ ràng hơn, những nơi cần phải mổ dài hơn, công việc mà trước kia đôi khi bị bỏ qua. Các bác sĩ pháp y cố gắng lấy ra càng nhiều mảnh kim loại càng tốt vì những mẩu nhỏ này có thể cung cấp thông tin về vũ khí của đối phương.

Ai là người đề xướng mổ xác

Qua khám nghiệm, các sĩ pháp y phát hiện ra rằng áo giáp có thể giúp giảm số lượng binh sĩ thiệt mạng vì các vết thương ở phần trên cơ thể do áo giáp che chắn nhiều hơn cho phần thân và vai. Những thông tin này được công bố năm 2006 và khiến quân đội chuyển thêm nhiều áo giáp tới Iraq.

Chính đại uý Mallak là người đã quyết định phải khám nghiệm tử thi mọi quân nhân, cả nam lẫn nữ, thiệt mạng ở Afghanistan hoặc Iraq. Luật liên bang cho phép ông tiến hành việc này.

"Gia đình các quân nhân cũng muốn biết mọi thứ", ông Mallak nói. Trong Thế chiến II và cuộc chiến ở Việt Nam, người thân các binh sĩ chỉ được thông báo đơn giản rằng con em họ chết khi đang phục vụ cho đất nước. "Với tư cách cá nhân, tôi cảm thấy rằng gia đình các binh sĩ thiệt mạng sẽ không chấp nhận điều đó".

Các nhân viên pháp y không thông báo rộng rãi cho công chúng chính sách khám nghiệm tử thi và thường không thảo luận về vấn đề này. Gia đình những người lính đã chết được thông báo về việc mổ xác và họ có thể yêu cầu nhận được một bản copy của báo cáo. Đôi khi, các gia đình phản đối, nhưng dẫu sao đi nữa, việc mổ xác để khám nghiệm vẫn được tiến hành.

Khoảng 85-90% các gia đình có con em chết trận muốn có bản báo cáo, 10% hỏi xin ảnh chụp khám nghiệm tử thi, Paul Stone, một phát ngôn viên của Nhóm bác sĩ pháp y của lực lượng vũ trang Mỹ nói.

Địa điểm mổ xác và scan

Việc chụp cắt lớp và khám nghiệm tử thi các binh sĩ chết ở Iraq hoặc Afghanistan được tiến hành tại một cơ sở rộng gần 22.000 mét vuông ở căn cứ Dover, nơi có cả một phòng thí nghiệm bệnh học và nhà xác. Các nhà báo không được phép vào trong.

Chụp cắt lớp các thi thể bắt đầu được thực hiện vào năm 2004, khi Darpa (Cơ quan các dự án nghiên cứu tiên tiến của Bộ Quốc phòng Mỹ) đề xướng và trả chi phí thực hiện. Darpa lấy ý tưởng dùng máy chụp cắt lớp để thực hiện khám nghiệm tử thi ảo từ Thuỵ sĩ, nước đã thực hiện việc này từ 10 năm trước.

  • Hoài Linh (Theo NY Times)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,