Đợt thi thể đầu tiên đã được trực thăng đưa vào đất liền và sẽ được chuyển tới thành phố ven biển Recife của Brazil trong hôm nay (10/6). Cảnh sát đã đi gặp các gia đình nạn nhân ở Rio de Janeiro để thu thập thông tin di truyền như tóc, máu... phục vụ cho công việc nhận dạng.
TIN LIÊN QUAN
Khoanh vùng nơi tìm thấy xác nạn nhân và nghiên cứu các vết thương của họ có thể giúp giải thích nguyên nhân khiến máy bay rơi khi nó bay vào vùng thời tiết xấu, theo Peter Goelz, một cựu giám đốc điều hành Hội đồng An toàn Vận tải quốc gia Brazil.
Pitot bị đóng băng?
Trong khi chưa tìm được hộp đen của máy bay, các nhà điều tra đang tập trung vào khả năng các bộ kiểm tra tốc độ bên ngoài - còn được gọi là các ống Pitot - đã bị đóng băng và cung cấp thông tin sai cho máy tính trên máy bay.
Cuộc điều tra cũng phụ thuộc phần lớn vào chuỗi 24 tin nhắn tự động mà máy bay đã gửi đi trong những giây phút cuối cùng. Theo các nhà chức trách, các tín hiệu cho thấy chế độ tự lái không bật nhưng không rõ liệu chế độ này do phi công tắt đi hay không hoạt động do dữ liệu tốc độ bị xung đột.
Các ống Pitot hình chữ L được lắp đặt thò ra ngoài cánh hoặc thân máy bay và thường được đốt nóng để tránh bị đóng băng. Thông qua áp suất không khí vào ống, các bộ cảm biến bên trong sẽ đo tốc độ và góc bay. Một ống nào đó trục trặc có thể cung cấp thông tin sai cho máy tính kiểm soát máy bay khiến nó bay nhanh hoặc chậm tới mức nguy hiểm.
Air France cho hay, hãng bắt đầu thay thế ống Pitot trên các máy bay A330 và A340 trong tháng 5 sau khi các phi công thông báo một số sự cố đóng băng dẫn tới mất dữ liệu tốc độ bay. Hãng này cũng đã thay thế các Pitot trên loại A320 sau khi xảy ra vấn đề tương tự.
"Chúng tôi biết rằng các máy bay từng có những tín hiệu tốc độ sai cũng được lắp đặt cùng loại Pitot đó. Và các máy bay có các ống kiểm tra tốc độ mới chưa từng bị như vậy", trích lời phi công Eric Derivry của Air France.
Nhiều hãng nâng cấp Pitot
Hiện có 70 hãng hàng không đang vận hành khoảng 600 chiếc máy bay A330 và có hai công ty sản xuất Pitot cho họ là Tập đoàn Thales của Pháp và Tập đoàn Goodrich ở Charlotte, Bắc Carolina, Mỹ.
Loại Pitot của máy bay gặp nạn do Thales sản xuất, phát ngôn viên Caroline Philips của tập đoàn này xác nhận. Tuy nhiên, bà Philips không nói có bao nhiêu máy bay khác sử dụng cùng loại thiết bị.
Một số tập đoàn hàng không lớn, trong đó có các hãng của Mỹ như United Airlines, Delta Air Lines Inc., chi nhánh Northwest Airlines của Delta và Airways cho biết họ đang nâng cấp các thiết bị này trên các máy bay Airbus của mình.
"Cho đến khi công việc lắp đặt hoàn tất, chúng tôi sẽ thông báo với các thành viên tổ lái về các bước sử dụng trong trường hợp không chắc chắn về tín hiệu tốc độ", trích lời phát ngôn viên tập đoàn Delta.
Một số hãng khác cho biết, các máy bay Airbus của họ dùng Pitot do Goodrich sản xuất và chưa từng gặp phải các vấn đề liên quan đến việc đóng băng hay mất dữ liệu.
- Thanh Hảo (Theo AP)