Kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, chiến dịch tranh cử Tổng thống năm nay là sự kiện chính trị căng thẳng nhất mà quốc gia này từng chứng kiến.
Đương kim TT Iran hứng chịu hầu hết các cuộc tấn công của 3 đối thủ còn lại (Ảnh Xinhua) |
Phe bảo thủ và cải cách đối đầu, liên tiếp đưa ra những tuyên bố cáo buộc lẫn nhau và tạo nên bầu không khí căng thẳng ngày càng tăng trong những ngày trước khi bầu cử diễn ra. Bầu cử Tổng thống Iran hôm nay (12/6) bắt đầu.
Thể hiện sự công khai và cạnh tranh, đài truyền hình quốc gia Iran lần đầu tiên đã công chiếu hàng loạt cuộc tranh luận giữa 4 ứng cử viên: đương kim Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, cựu Thủ tướng Mir-Hossein Mousavi, cựu Chủ tịch Quốc hội Mehdi Karroubi và cựu chỉ huy Vệ binh cách mạng Mohsen Rezaei.
Các cuộc tranh luận không chỉ nhằm làm rõ lập trường và chương trình của từng ứng viên mà còn được những người tranh cử sử dụng để công bố những yếu điểm của đối thủ nhằm giành ưu thế.
Đương kim Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad gần như là mục tiêu của tất cả các cuộc tấn công của 3 đối thủ còn lại.
Ông Mousavi, thách thức lớn nhất của ông Ahmadinejad, đã chỉ trích các chính sách ngoại giao cứng rắn của chính phủ, đặc biệt là những gì liên quan tới Israel. Và rằng, những chính sách đó khiến cả thế giới nhất trí chống lại Iran. Ông cáo buộc Tổng thống không thật thà về các số liệu phát triển kinh tế, xã hội cũng như những thống kế về thành tựu.
Karroubi, một ứng viên ủng hộ cải cách, lại nêu bật những thất bại của Tổng thống hiện nay trong việc tạo ra tự do trong xã hội.
Ứng viên bảo thủ Rezaei thậm chí còn chỉ trích các chính sách kinh tế của chính quyền mạnh hơn khi lập luận về tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp cao ở Iran. Cựu chỉ huy Vệ binh cách mạng buộc tội Tổng thống không dùng các chuyên gia kinh nghiệm làm cố vấn.
Về phần mình, Tổng thống Iran đương nhiệm đã phủ nhận các cáo buộc và tuyên bố họ phớt lờ những thành công mà ông làm được, đặc biệt là chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
Trong cuộc bầu cử lần này, nếu không ứng viên nào giành được hơn 50% đa số, hai người về đầu sẽ có một cuộc tỷ thí.
Kết quả bầu cử tại Iran sẽ được một số nước như Mỹ, Israel và châu Âu theo dõi sát sao để xem liệu có manh mối nào cho thấy Iran sẽ thay đổi thái độ với phần còn lại của thế giới hay không.
-
Hoài Linh (Theo Tân Hoa xã, BBC)