Chủ đề chính trong cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Medvedev là việc khởi động tiến trình cắt giảm vũ khí hạt nhân. Nếu đúng như vậy thì cuộc gặp này là cuộc gặp quan trọng nhất giữa 2 nước lớn này kể từ khi Tổng thống Gorbachev và Bush cha gặp nhau để quyết định xóa bỏ Bức màn sắt của thời chiến tranh lạnh.
Tổng thống Nga Medvedev (trái) và người đồng cấp Obama sẽ gặp nhau vào ngày 6/7 tới (Ảnh AFP) |
Cuộc gặp sẽ gồm các vấn đề vũ khí hạt nhân, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ hay các điểm nóng của thế giới như Iran, Triều Tiên… Nhưng kết quả của mọi vấn đề bàn thảo này sẽ chứng minh một điểm mấu chốt trong quan hệ Nga-Mỹ hiện nay: có hay không lòng tin giữa hai đối thủ một thời này.
Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lực (START I) giữa hai nước được thông qua năm 1991, là một hiệp ước kiểm soát vũ khí lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử thế giới. 5 tháng sau khi Hiệp ước được thông qua, Liên Xô sụp đổ, chiến lạnh kết thúc. Lẽ ra với sự kiện lịch sử này, cả đôi bên không còn cần vũ khí để mà canh chừng và đối phó lẫn nhau nữa. Nhưng trên thực tế, nghi ngại vẫn còn. Bản hiệp ước 500 trang này đầy rẫy những biện pháp mà 2 bên đưa ra nhằm canh chừng cẩn thận kho vũ khí của mỗi bên.
START I sẽ hết hiệu lực vào 5/12 năm nay và họ cần một bản hiệp ước mới với mục tiêu mỗi bên sẽ cắt giảm kho vũ khí của mình xuống còn 1.500 đầu vũ khí so với mức hơn 2.000 đầu vũ khí hiện nay.
Tổng thống tiền nhiệm Bush dù sau cuộc gặp với Tổng thống Putin đã phát biểu rằng ông đã nhìn vào mắt Putin và thấy được tâm hồn của Putin cũng như tin tưởng ông ấy, nhưng rút cục lại phản đối một bản hiệp ước mới. Lý do là bởi trong quan hệ Nga Mỹ lúc đó, Nga vẫn ở thế yếu và bởi ông Bush lo ngại một bản hiệp ước mới sẽ “công bằng” hơn bản hiệp ước cũ. Tạp chí Time từng cho rằng START I hoàn toàn “có lợi” cho Mỹ.
Tuy nhiên, chính sách của Tổng thống Obama hoàn toàn khác Bush và vị thế của nước Nga giờ đã hồi phục đáng kể. Tổng thống da màu của Mỹ đã tỏ ý sẵn sàng hợp tác trong việc cắt giảm vũ khi. Còn Nga, sau những năm tháng khó khăn về kinh tế đã không còn “nhún nhường” Mỹ như trước mà quyết liệt hơn trong những động thái chính trị của mình. Đây chính là thời điểm thuận lợi để hai bên xây dựng “lòng tin thực sự” vốn rất hiếm hoi giữa hai cựu thù.
Bản hiệp ước nếu được thông qua sẽ chứng minh hai cường quốc này có thể hợp tác với nhau ở một trong những vấn đề gai góc nhất và nhạy cảm nhất. Không những thế, vì Nga và Mỹ đang nắm giữ tới 90-95% số vũ khí hạt nhân trên thế giới. nếu hai nước này có thể đi đến nhất trí về việc cắt giảm vũ khí thì nó sẽ tăng đáng kể trọng lượng cho tiếng nói của Nga và Mỹ khi họ thuyết phục CHDCND Triều Tiên và Iran từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.
Ngoài ra, họ cũng sẽ bàn thảo với nhau những vấn đề mà Nga cho rằng Mỹ lâu nay vẫn “chèn ép” mình. Nga rất tức giận về cách mà NATO mở rộng biên giới của mình. Nó đã phá vỡ lời hứa mà Thủ tướng Đức Helmut Kohl và Ngoại trưởng Mỹ James Baker từng nói với Tổng thống Gorbachev, rằng phương Tây sẽ không lợi dụng Liên xô nếu Đông và Tây Đức thống nhất. Moscow đồng ý để NATO kết nạp thêm thành viên nhưng động thái này không được bao gồm việc xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự ở những nước láng giềng của Nga. Nhưng Mỹ đã thiết lập căn cứ quân sự ở Latvia, Romania và Bulgaria. Mỹ cũng đang xây dựng lá chắn tên lửa ở khu vực được coi là “chịu ảnh hưởng” truyền thống của Nga như ở Ba Lan và CH Czech.
Kremlin có lý do để đòi lại sự công bằng cho mình tại thượng đỉnh này. Sau sự kiện 11/9, Tổng thống Putin đã đứng về phía Bush, không những phản đối mà còn khuyến khích Mỹ xây dựng căn cứ ở Tajikistan và Kyrgyzstan để tiến hành cuộc chiến tranh ở Afghanistan. Sau đó, Nga lại tiếp tục xóa bỏ một số căn cứ quân sự của mình ở một số nước. Nhưng đổi lại Mỹ không có hành động “hữu hảo” nào ngoài việc từ chối thảo luận một bản START mới.
Dưới thời Bill Clinton và Bush, Mỹ luôn ở thế thượng phong, chỉ nhận mà không biết cho. Nhưng giờ, để tạo được "lòng tin", bóng đang ở phần sân của Mỹ. Khi đến Moscow ngày 6/7 này, điều ông Obama phải nắm rõ là đã đến lúc Mỹ nên biết “cho” sau khi “nhận”.
-
Hạnh Khuê