221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1219355
Suy thoái khép hẹp cánh cửa xuất khẩu lao động
0
Article
null
Suy thoái khép hẹp cánh cửa xuất khẩu lao động
,

Kinh tế thịnh vượng, lao động nhập cư được coi là nguồn lực đóng góp cho phát triển nhưng khi kinh tế suy giảm, việc làm khan hiếm, lao động nhập cư lại trở thành "cái gai" khó chịu. Điều này cảnh báo một thực tế đáng lo ngại cho những nhân công từ các nước đang phát triển như Việt Nam, khi muốn kiếm việc làm và sinh tồn ở những nước phát triển như Mỹ, Úc, Hàn Quốc...

Người nước ngoài bị gây khó khăn

Trong những năm kinh tế thịnh vượng, lao động nhập cư có thể hái quả ở những trang trại cam ở phía Nam, bang California, có thể làm việc trên các công trường xây dựng tại Tây Ban Nha và Ireland, thiết kế phần mềm ở Thung lũng Silicon hay làm việc trong các nhà máy ở các nước phát triển... Nhưng trong khi tình hình thất nghiệp tại các nước phát triển gia tăng thì thái độ đối với người nhập cư sẽ trở nên "khó chịu" hơn nhiều.

 

Những nước giàu đang cố gắng giảm bớt số lượng lao động nhập cư

 

Những cuộc tấn công vào những người Romani ở Bắc Ireland, vào sinh viên Ấn Độ ở Úc là những biểu hiện rõ nhất của chủ nghĩa bài ngoại đang gia tăng.

Trước phản ứng đó nhiều chính phủ các nước đi đến quyết định thắt chặt chính sách nhập cư của họ, theo một báo cáo công bố của OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế), ngày 30 tháng 6. Chính phủ các nước đang giảm hạn ngạch cho lao động nước ngoài và áp dụng những điều kiện nhập cư chặt chẽ hơn. Thậm chí, một số nước còn trả tiền để người nhập cư về nước.

Một vài quốc gia đã cắt giảm số người được phép nhập cư thông qua các chương trình chính thức. Tây Ban Nha cho phép bổ sung 15.731 lao động nước ngoài trong năm 2008, nhưng trong năm nay, con số này giảm xuống còn 901 người. Chính phủ Italia thông báo từ chối nhân công làm thời vụ trong năm 2009, trong khi 70.000 lao động được chính thức đến làm việc ở Italia trong năm 2008.

Năm ngoái, Hàn Quốc cấp phép cho 72.000 lao động làm thuê ở nước này, nhưng trong năm nay, con số đó giới hạn ở mức 17.000 người. Còn Úc, dù trước đó đưa ra kế hoạch cho phép 133.500 lao động nhập cư có tay nghề cao vào Úc trong năm nay nhưng tính đến thời điểm hiện tại, hạn ngạch đã hạ xuống mức 108.100 người.

Một số nước lại thắt chặt chính sách cho phép các công ty thuê người nước ngoài. Tại Anh, những công ty muốn thuê lao động nước ngoài tay nghề cao phải đối mặt với quy định mới giới hạn việc họ có thể đăng quảng cáo tuyển người ở đâu. Ở Mỹ, những điều luật khắt khe hơn nhiều đang đặt ra cho các công ty nhiện tiền cứu trợ của chính phủ khi họ muốn thuê nhân công nước ngoài có tay nghề cao theo chương trình visa H-1B.

Kết quả là một số ngân hàng của Mỹ và doanh nghiệp dịch vụ tài chính đã cắt giảm việc làm cho sinh viên nước ngoài tốt nghiệp đại học và sau đại học tại các trường đại học ở Mỹ. Một số người đang làm việc cũng sẽ gặp khó khăn hơn nhiều nếu muốn gia hạn giấy phép làm việc của mình.  

Ở một vài nước khác, nhằm giảm bớt số lao động nhập cư, họ khuyến khích mọi người trở về nhà. Một số người nhập cư tới Tây Ban Nha đến từ các nước bên ngoài EU sẽ nhận được trợ cấp nếu như họ đồng ý trở về nước và không quay trở lại trong vòng ít nhất là 3 năm.

Chính phủ Czech, hứa sẽ cung cấp vé máy bay miễn phí và khoảng 700 USD cho một người lao động nước ngoài đồng ý trở về nước. Đã có khoảng 1.100 lao động, chủ yếu là lao động đến từ Mông Cổ, đã chấp nhận điều kiện này.

Phản ứng "gậy ông đập lưng ông"

Dù có rất nhiều người dân địa phương thất nghiệp trong thời kỳ khủng hoảng nhưng việc thắt chặt lao động nhập cư luôn là một phản ứng nhạy cảm.

Theo những phân tích của OECD, bài học rõ nhất là từ những năm 1970, khi khủng hoảng diễn ra và sau đó giá dầu tăng cao, Đức, Pháp, Bỉ đã tìm cách thắt chặt làn sóng lao động nhập cư bằng cách đưa ra luật chống lao động nhập cư và duy trì nó trong suốt một thời gian dài, ngay cả khi khó khăn đã qua.

Nói chung, về mặt chính trị, việc thắt chặt và kiểm soát lao động nhập cư dễ hơn rất nhiều là nới lỏng luật này khi nền kinh tế bắt đầu phát triển trở lại. Song, các nước phát triển vẫn thiếu nhân công trong các ngành nghề như y học, kỹ thuật, công nghệ… những ngành nghề mà lao động địa phương không dễ dàng đáp ứng được. Việc thắt chặt con số lao động nhập cư sẽ khiến nguy cơ thiếu hụt này trở nên trầm trọng hơn.

Thêm vào đó, một số biện pháp hạn chế nhập cư chính thức, như gây khó khăn cho những người đang làm việc được gia hạn thời gian làm việc của họ, có nguy cơ sẽ đẩy người lao động vào tình trạng cư trú bất hợp pháp. Trả tiền để họ trở về nước trong 3 năm có thể là một biện pháp gậy ông đập lưng ông nếu nếu nền kinh tế phục hồi vào cuối năm 2010 và họ lại có nhu cầu về những lao động này.

Khi nền kinh tế thế giới phục hồi trở lại, một số quốc gia đã thông qua luật hạn chế các công ty địa phương thuê lao động nước ngoài chắc chắn sẽ nhận thấy sự thiếu năng động và linh hoạt mà những nhân công nước ngoài mang lại. Phải biết rằng, lao động nhập cư chiếm tới hơn 2/5 tăng trưởng việc làm từ năm 2003 đến 2007 tại các quốc gia như Áo, Đan Mạch, Italia, Tây Ban Nha và 71% ở Anh.

  • Thi Thi (Theo Economist)

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,