221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1221802
Cuộc khủng hoảng thầm lặng
0
Article
null
Cuộc khủng hoảng thầm lặng
,
Khi toàn thế giới tập trung đối phó với suy thoái kinh tế toàn cầu, chỉ ít người để ý đến một thực tế là số người nghèo đang ngày càng nhiều lên và khủng hoảng lương thực có nguy cơ sẽ xảy ra trong những năm tới.

Giá lương thực chỉ dao động một chút đã đủ làm người nghèo khốn đốn (Ảnh EPA)

Theo Ngân hàng Thế giới, hơn một tỷ người trên toàn thế giới đang lâm vào cảnh đói ăn thường xuyên. Năng suất nông nghiệp èo uột, giá lương thực leo thang và thu nhập tụt giảm, đặc biệt là ở châu Phi và khu vực Nam Á, đang đưa thế giới tiến sát tới hiểm họa và gây ra những bất bình đẳng cả về chính trị lẫn xã hội.

TIN LIÊN QUAN
Ngăn chặn một viễn cảnh tai ương như vậy là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn cầu. cuộc họp G8 ở L’Aquila, Italy, diễn ra trong các ngày 8-10/7, là điểm mốc để bắt đầu.

Thật ngạc nhiên, trong khi thế giới của chúng ta đô thị hóa ngày càng nhiều, số lượng người nghèo và đói khổ vẫn áp đảo. Trong số 1,2 tỷ người trên thế giới đang sống với chưa đầy 1 USD/ngày, đa số - khoảng 700 triệu - là nông dân, lao động nông nghiệp và các hộ gia đình ở Tiểu Sahara châu Phi và Nam Á. Họ không thể tự trụ vững do năng suất lao động thấp kém kéo dài nhiều thập niên. 

Hầu hết những người đói ăn trên thế giới là phụ nữ và trẻ em. Phụ nữ chiếm 80% dân số nông nghiệp ở châu Phi nhưng họ chỉ có cơ hội sử dụng 5% diện tích đất nông nghiệp của lục địa này cùng tín dụng và các dịch vụ khác. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sản lượng ngũ cốc trung bình của toàn khu vực chỉ bằng 1/5 của Mỹ và châu Âu.

Vùng Tiểu Sahara châu Phi chiếm 55% khoảng trống về dinh dưỡng toàn cầu, với những tác động vô cùng tệ hại đến sự phát triển cơ thể và trí tuệ trẻ em. Gần một nửa trẻ em ở Nam Á có cân nặng ít hơn so với mức cân trung bình của độ tuổi.

Quay lưng lại với nông nghiệp

Tại sao chúng ta lại phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng như vậy trong khi dường như rất mới đây thôi, cuộc Cách mạng Xanh của những năm 1960 và 1970 đã tạo ra một kỷ nguyên dồi dào lương thực.

Kể từ những năm 1980, thế giới bắt đầu quay lưng lại với phát triển nông nghiệp. Các công nghệ thời Cách mạng Xanh như giống mới, phân bón, cách thức nuôi trồng đã cải tiến một cách ngoạn mục năng suất nông nghiệp, đặc biệt là lúa mì và thóc. Những bước đột phá này tạo ra ấn tượng không đúng rằng lương thực và các vấn đề nông nghiệp của thế giới đã được giải quyết gần như triệt để, trong khi thực tế là Cách mạng Xanh đã bỏ qua phần lớn châu Phi và các vùng đất khô cằn ở Nam Á.

Kết quả là, sự hỗ trợ của quốc tế và đầu tư của các nước đang phát triển cho nông nghiệp giảm mạnh trong hai thập niên 1980 và 1990. Chẳng hạn, từ 1980 tới 2005, trợ cấp nước ngoài cho các nước có thu nhập thấp để phát triển nông nghiệp giảm từ 17% tổng viện trợ xuống còn 3%. Vào những năm 1990, tỷ lệ tăng chi tiêu công cho nghiên cứu nông nghiệp trên toàn cầu tụt xuống một nửa.

Trong khi đó, mức tăng của sản lượng nông nghiệp không theo kịp nhu cầu ngày càng cao về lương thực trên thế giới do dân số tăng nhanh và thói quen ăn uống thay đổi. Chẳng hạn, sản lượng ngô tính theo đầu người ở châu Phi trên thực tế đã giảm 14% kể từ năm 1980. Mức tăng dân số châu Phi như dự đoán vào năm 2050 có nghĩa là sản lượng nông nghiệp ở lục địa này cần phải tăng gấp đôi chỉ để duy trì số lượng người đói nghèo ở mức độ hiện tại.

Ở một phạm vi nào đó, khoảng cách giữa cung và cầu về thực phẩm đã được khắc phục nhờ nhập khẩu. Các hoạt động nhập khẩu ngũ cốc của các nước đang phát triển gần như tăng gấp 3 trong khoảng thời gian 1990-2008. Tuy nhiên, sự phụ thuộc ngày càng lớn vào nhập khẩu thực phẩm đã đẩy các nền kinh tế này - đặc biệt là các công dân nghèo khổ nhất của họ - vào thực trạng bấp bênh của giá cả thị trường thế giới.

Trong nửa đầu năm 2008, giá ngũ cốc tăng gấp 2 hoặc gấp 3 ở một số nước. Sau đó, các mức giá đã giảm khoảng 50-60% ở nhiều quốc gia nhưng vẫn cao hơn mức trung bình trong 10 năm, đẩy thêm ít nhất 100 triệu người vào cảnh nghèo vì họ phải dành ra 50-70% thu nhập để mua thực phẩm. 

Cách mạng Xanh lần 2

Đó là những điềm báo nguy hiểm cho tương lai. Cải thiện năng suất nông nghiệp sẽ là một nhiệm vụ khó khăn hơn trong những thập niên tới đây.

Diện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp ở những nước đang phát triển. Tình trạng khan hiếm nước cũng là một hạn chế ở nhiều khu vực nhiệt đới nửa khô hạn thuộc Tiểu Sahara châu Phi và Nam Á.

Theo các dự án của Ủy ban Liên chính phủ về Thay đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó có tình trạng hạn hán nghiêm trọng, sẽ xảy ra thường xuyên hơn ở những vùng này. Khi thế giới thoát khỏi cơn suy thoái kinh tế, mức tăng thu nhập cộng với sự thay đổi thói quen ăn uống sẽ một lần nữa tạo áp lực lên nguồn cung thực phẩm trên toàn cầu.

Tuy nhiên, cũng có một số tin tức lạc quan. Chúng ta đã biết cách nâng cao năng suất và lợi tức nông nghiệp nhờ kết hợp nghiên cứu, nâng cao giáo dục và thu nhập, phát triển thị trường... tất cả nhắm tới các hộ nông dân nhỏ lẻ, đặc biệt là nữ giới. Một thế hệ các giống mới và phương pháp nuôi trồng ra đời cộng với sự cải thiện cơ sở hạ tầng sẽ mang lại những kết quả tốt hơn. Một cuộc Cách mạng Xanh mới có thể giúp ích.

Mặc dầu các kỹ thuật thời Cách mạng Xanh bị lên án là chỉ có lợi cho các nông trại lớn và gây hại môi trường, những nghiên cứu sau này chứng tỏ rằng các hộ nông nhỏ lẻ cũng hưởng lợi rất nhiều. Thực tế, việc mở rộng nông nghiệp sang các vùng đất khó trồng trọt còn tàn phá môi trường nặng nề hơn.

Đòi hỏi đầu tiên và trước hết là đưa nông nghiệp trở lại ví trí hàng đầu trong chương trình nghị sự phát triển toàn cầu. Chúng ta dường như đã quên rằng không một nền kinh tế nào đạt tới độ tăng trưởng bền vững và tiến tới mức thu nhập trung bình mà không phát triển ngành nông nghiệp của mình đầu tiên.

Hiện nay đang có nhiều dấu hiệu hứa hẹn sự thay đổi. Ngân hàng Thế giới vừa công bố một trọng tâm mới về phát triển nông nghiệp ở châu Phi. Hội nghị G20 hồi tháng 4/2009 đã nêu ra yêu cầu này và G8 được cho là sẽ ra một thông báo quan trọng về an ninh lương thực toàn cầu tại hội nghị đang diễn ra ở L’Aquila, miền trung Italy.

Theo NEPAD, chương trình Quan hệ đối tác mới cho phát triển nông nghiệp châu Phi, các quốc gia ở lục địa này đã cam kết dành thêm các nguồn lực để cải tiến nông nghiệp.

Mỹ cũng đang nỗ lực làm mới vai trò lãnh đạo trong phát triển nông nghiệp toàn cầu. Tổng thống Barack Obama, mới đây, tuyên bố ủng hộ tăng gấp đôi viện trợ nước ngoài của Mỹ cho nông nghiệp.

Thế nhưng, một cuộc Cách mạng Xanh lần 2 không thể là một bản sao y chang của lần 1. Nó sẽ phải là kết quả của sự cộng tác giữa các nước viện trợ, các quốc gia đang phát triển và các định chế quốc tế, với các mục tiêu do các đối tác châu Phi và châu Á đặt ra. Cuộc cách mạng ấy cũng phải tạo ra các quan hệ đối tác công - tư với các trường đại học và viện nghiên cứu, các công ty kinh doanh nông sản, và các tổ chức phi chính phủ quyết tâm giảm đói nghèo.

Các nước phát triển cũng cần thay đổi một số chính sách phản tác dụng của mình. Các khoản trợ cấp nông nghiệp của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã ảnh hưởng không nhỏ tới giá thị trường thế giới và gây khó khăn cho các hộ nông nhỏ lẻ ở châu Phi và châu Á. Việc châu Âu phản đối sử dụng các giống biến đổi gene trong ngành nông nghiệp châu Phi đã cản trở tăng năng suất.

Trong khi những sai lầm chính sách nêu trên cần được khắc phục, cú sốc về tình trạng bão giá lương thực trong năm 2008 đã tạo ra hy vọng rằng ngay ở giữa một cuộc suy thoái trầm trọng, nhu cầu cơ bản nhất này của con người một lần nữa có thể lại trở thành mối quan tâm trọng điểm của toàn thế giới.

  • Thanh Hảo (Theo Yale Global)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,