Họ có lẽ là những lao động có hiệu quả nhất trên thế giới. Nhưng trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu, họ lại vấp phải khó khăn khi tìm việc.
Thời suy thoái, người máy cũng thất nghiệp ở Nhật Bản (Ảnh Nytimes)
Thời "ăn không ngồi rồi"
Các robot của Nhật Bản, đội ngũ lao động cơ khí hoá lớn nhất thế giới đang rơi vào tình trạng "ăn không ngồi rồi" khi đất nước trải qua tình trạng suy thoái sâu nhất trong hơn một thế hệ qua. Khủng hoảng toàn cầu khiến người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới cắt giảm chi tiêu dành cho xe hơi và các máy móc công nghệ cao.
Tại nhà máy điện lớn Yaskawa nằm ở hòn đảo Kyushu phía nam Nhật Bản, còn duy nhất một lao động máy với những cánh tay thép vung vẩy và xoay chuyển. Các “đồng nghiệp” khác đứng thành hàng buông tay, bất động.
Đội ngũ này có thể "thất nghiệp" trong một thời gian dài. Ngành chế tạo công nghiệp Nhật Bản đã giảm gần 40% và theo đó, nhu cầu về người máy cũng giảm sút.
Tương lai cũng không có vẻ gì sáng sủa. Những vấn đề tài chính căng thẳng khiến ngành công nghiệp robot phải hướng vào những dự án khó tưởng tượng như robot thú cưng và nhân viên tiếp tân nửa người nửa máy.
“Chúng tôi đang phải chịu một cú đánh lớn", Koji Toshima, Chủ tịch của Yaskawa, nhà sản xuất robot công nghiệp lớn nhất Nhật Bản, nói. Lợi nhuận của công ty đã giảm tới 2/3 xuống còn 6,9 tỷ yên, tương đương gần 72 triệu USD, trong thời điểm kết thúc ngày 20/3. Dự đoán năm nay còn tiếp tục thua lỗ lớn.
Trong toàn ngành, xuất xưởng robot công nghiệp giảm 33% trong quý cuối cùng năm 2008 và giảm tiếp 59% ở ba tháng đầu năm 2009, theo Hiệp hội Robot Nhật Bản.
Tetsuaki Ueda, một nhà phân tích tại hãng nghiên cứu Fuji Keizai, ước tính, thị trường này sẽ sụt giảm ở mức 40% năm nay. Theo ông, đầu tư vào robot “sẽ ra đi đầu tiên” khi các công ty nỗ lực bảo vệ nguồn nhân công của họ.
Trong khi các robot có thể rẻ hơn chi phí lao động bằng xương bằng thịt trong dài hạn, thì chi phí đầu tư trước mắt vẫn cao hơn nhiều.
Năm 2005, hơn 370.000 robot làm việc tại các nhà máy trên khắp Nhật Bản, chiếm 40% số robot toàn cầu, 32 robot thay cho 1000 lao động sản xuất, theo báo cáo của Ngân hàng Macquarie.
Năm 2007, chính phủ Nhật đưa ra kế hoạch thực hiện chính sách công nghệ, kêu gọi lắp đạt 1 triệu người máy công nghiệp đến năm 2025. Trong bối cảnh thực tại, đây là “nhiệm vụ bất khả thi”.
“Tình trạng suy thoái sẽ cản trở bước tiến của ngành công nghiệp robot nhiều năm", ông Ueda nói. Nó sẽ tấn công cả các robot công nghiệp và người máy đồ chơi.
Tương lai ảm đạm của các nhà sản xuất robot
Nhà sản xuất robot Systec Akazawa đã đệ đơn xin phá sản hồi tháng 1, chưa đầy một năm sau khi ra mắt robot PLEN thu nhỏ tại triển lãm điện tử tiêu dùng tổ chức ở Las Vegas.
Roborior by Tmsuk — một robot trông nhà hình quả dưa trên bánh xe có thể lăn quanh nhà và sử dụng tia hồng ngoại để phát hiện ra những động thái đáng ngờ rồi thông qua máy quay video, truyền hình ảnh tới những người vắng mặt — đã phải vật lộn để tìm người sử dụng mới. Một chương trình cho thuê loại robot này đã phải hủy bỏ hồi tháng 4 bởi không có người quan tâm.
Mặc dù công ty không công bố con số tiêu thụ nhưng nhà phân tích cho rằng, lượng bán ra chỉ đạt dưới 1/3 mục tiêu - 3.000 sản phẩm, con số của năm 2005 khi Roborior tiếp cận thị trường. Công ty chưa có kế hoạch sản xuất thêm.
Sự già hoá dân số ở Nhật khiến cho nhu cầu về robot trong nhà phát triển mạnh. Với gần 25% dân số ở độ tuổi 65 trở lên, quốc gia này đang trông cậy vào các robot để cung cấp thêm lực lượng lao động và giúp săn sóc người cao tuổi.
Song lượng tiêu thụ sản phẩm Secom, My Spoon - robot với tay có khớp xoay, giúp người già hoặc những người tàn tật ăn uống - cũng không khả quan.
Mitsubishi Heavy Industries thậm chí đã thất bại trong việc bán một trong những robot giúp việc nhà, robot Wakamaru, giới thiệu năm 2003.
Ugobe, có trụ sở đặt tại Idaho, là nhà sản xuất robot khủng long Pleo xanh đáng yêu với chiếc đuôi lượn sóng; đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản hồi tháng 4. Mặc dù tiêu thụ được 100.000 robot Pleo, đạt doanh thu 20 triệu USD, nhưng công ty này đã lâm vào cảnh nợ nần hàng triệu đôla tiền vay và không thể tăng thêm nguồn tài chính.
Sony đã rút mọi hoạt động quảng cáo về chó robot, Aibo, năm 2006, bảy năm sau khi ra mắt. Dù nổi tiếng ban đầu, Aibo, có giá hơn 2.000 USD, chưa bao giờ chinh phục được thị trường lớn.
i-Sobot giá 300 USD của Takara Tomy, một robot đồ chơi nhỏ có thể nhận ra lời nói, được dành cho những dự báo tốt lành. Công ty, có trụ sở đặt Tokyo, đã bán được 47.000 sản phẩm kể từ khi i-Sobot được tung ra bán cuối năm 2007, một phát ngôn viên, Chie Yamada, cho hay.
Nhưng với lượng tiêu thụ sút kém năm ngoái, công ty không có kế hoạch tung ra các phiên bản.
Robot Factory, từng là niềm đam mê với người hâm mộ robot ở thành phố phía tây Osaka, đã đóng cửa hồi tháng 4 sau khi sụt giảm lượng bán. “Thế là hết”, Yoshitomo Mukai, chủ cửa hàng Jungle, đã tiếp quản một số kho hàng cũ của Robot Factory nói. “Các robot vẫn quá đắt đỏ”.
Dĩ nhiên, điều đó không đúng đối với các robot công nghiệp - chí ít là không phù hợp trong bối cảnh kinh tế phát triền.
Fuji Heavy Industries khẳng định, các robot của họ rất thiết thực và có ý nghĩa kinh tế. Công ty bán một robot quét dọn tự động, từng lao động trong vài toà nhà chọc trời ở Tokyo.
Các công ty có thể sớm thu hồi vốn đầu tư cho một người máy làm vệ sinh, phát ngôn viên của Fuji, Kenta Matsumoto, quả quyết. “Robot sẽ làm việc được hàng ngày mà không hề phàn nàn”.
-
Kỳ Thư (Theo Nytimes)