Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki tại cuộc họp báo ở Vườn Hồng, Nhà Trắng, hôm 22/7. (Ảnh: Reuters)
Sáu tháng nữa từ nay tới ngày tổng tuyển cử Iraq là khoảng thời gian thử thách đối với uy tín của Nouri al-Maliki. Nhà lãnh đạo này biết rõ rằng còn nhiều điều chưa ổn ở Iraq và rằng Mỹ đóng một vai quyết định trong việc đảm bảo cho mọi sự ở quốc gia Vùng Vịnh này diễn ra suôn sẻ.
Có lẽ sẽ không thể thấy hết những điều đó khi chứng kiến diện mạo của Thủ tướng Iraq tại cuộc họp báo ở Vườn Hồng, Nhà Trắng, hôm 22/7. Đứng cạnh Obama, al-Maliki tỏ ra rất tự tin. Ông nhấn mạnh đến việc mở rộng các mối quan hệ Mỹ - Iraq, sự hợp tác song phương trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và giáo dục, và một hội nghị vào tháng 10 tới dành cho các nhà đầu tư tiềm năng vào Iraq.
"Tất cả là kết quả tự nhiên của một đất nước Iraq bình ổn", Thủ tướng al-Maliki khẳng định.
Thế nhưng trong thâm tâm, các quan chức Iraq hiểu rằng, sự bình ổn ở Iraq thực ra là không vững chắc. Trước khi có bất kỳ một sự hợp tác nào trong lĩnh vực văn hóa và kinh tế, Mỹ vẫn phải dẫn dắt Iraq từ nay tới khi tổng tuyển cử, dự kiến vào tháng 1/2010. Họ lo ngại, chính quyền Obama, do nóng lòng giải quyết những vấn đề cấp bách hơn ở trong nước và nước ngoài, có thể không nhận ra Iraq dễ bị tổn thương đến mức nào.
Chính quyền Obama "không thể bỏ qua trọng tâm của họ" ở Iraq, Ngoại trưởng Iraq Hoshiyar Zebari nói với các phóng viên hôm 21/7.
Tuy nhiên, chính xác là Mỹ có thể làm được những gì? Hầu hết thông tin phát đi từ Iraq trong những ngày này cho rằng ảnh hưởng của Washington đang ngày một mờ nhạt, và tốc độ suy giảm sẽ càng nhanh hơn khi Mỹ rút dần quân khỏi đất nước này.
Hiện tại, 130.000 binh sĩ Mỹ ở Iraq chỉ giới hạn trong phạm vi các căn cứ quân sự. Họ phải được chính phủ của Thủ tướng al-Maliki cho phép mới có thể xuất hiện ở khu vực thành thị.
Tuy thế, theo Ngoại trưởng Zebari, Mỹ có rất nhiều ảnh hưởng chính trị ở Iraq. Nước này có các mối quan hệ êm ấm với các cộng đồng thiểu số như Kurd và Ảrập Sunni hơn so với Thủ tướng al-Maliki, một người Shiite chính thống.
Hiện nay, những bất đồng giữa ba giáo phái Kurd, Sunni và Shiite ở Iraq sâu sắc đến nỗi mà, trước sức nóng của cuộc tổng tuyển cử sắp tới, nó có thể bùng phát thành bạo lực. Sự can thiệp của người Mỹ có thể giúp ngăn chặn được viễn cảnh tồi tệ đó.
Iraq cũng cần nương tựa vào người Mỹ để cải thiện các mối quan hệ với nhiều quốc gia láng giềng. Cấp bách nhất, Thủ tướng al-Maliki muốn chính quyền Obama vận động Kuwait đồng ý miễn cho Iraq khỏi khoản bồi thường mà nước này phải trả sau cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991.
Sáu năm đã trôi qua kể từ khi Saddam Hussein bị lật đổ, Iraq - về mặt lý thuyết - vẫn chịu ràng buộc bởi Chương 7 của Liên Hợp Quốc, theo đó nước này bị coi là mối đe dọa đối với hòa bình quốc tế. Theo các nghị quyết đã có từ lâu của Liên Hợp Quốc, Baghdad phải dành ra 5% doanh thu dầu lửa (khoảng 100 triệu USD/tháng) để bồi thường và hầu hết số tiền này phải trả cho Kuwait.
Phía Kuwait đã tích cực vận động nghị quyết nói trên giữ nguyên hiệu lực. Điều đó khiến người Iraq rất thất vọng, bởi vì họ cho rằng mình không nên trả cho những tội ác mà Saddam gây ra.
"Giờ đây, Iraq không còn là một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế, bởi vì Iraq giờ là một nước dân chủ, không phải một nền độc tài", ông al-Maliki nhấn mạnh tại cuộc họp báo ở Vườn Hồng.
Tổng thống Obama nhất trí: "Tôi nghĩ sẽ là một sai lầm nếu để Iraq tiếp tục chịu gánh nặng từ những tội lỗi của một nhà độc tài đã bị lật đổ".
Các quan chức Iraq hy vọng Washington có thể thuyết phục được người Kuwait và sẽ lý tưởng nếu là trước toàn thể Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vào mùa thu này. Đó cũng là dịp để al-Maliki chứng tỏ bản thân là một người có thể dỡ được gánh nặng của Kuwait ra khỏi lưng người Iraq - một điều chắc chắn mang lại phiếu bầu cho ông vào tháng 1 tới.
- Thanh Hảo (Theo TIME)