Trong hai ngày 27 và 28/7, cả thế giới đều hướng về cuộc Hội đàm Kinh tế và Chiến lược giữa các nhà lãnh đạo cấp cao Mỹ và Trung Quốc diễn ra tại Washington. VietNamNet xin được giới thiệu bài viết của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đăng trên tờ Wall Street Journal, trình bày tóm lược mục đích, nội dung và ý nghĩa của cuộc hội đàm quan trọng này.
Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner tại cuộc Đối thoại (Ảnh: Reuters) |
30 năm trước, khi Mỹ và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, không ai hình dung được tương lai sẽ như thế nào. Năm 1979, Trung Quốc vừa đứng dậy từ đống tro tàn của cuộc Cách mạng Văn hóa với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ ở mức khiêm tốn 176 tỉ USD, trong khi GDP của Mỹ là 2,5 nghìn tỉ USD. Ngay cả giao thông và truyền thông giữa hai nước cũng gặp nhiều khó khăn: có rất ít đường dây điện thoại ổn định và không có chuyến bay trực tiếp nào giữa hai quốc gia. Ngày nay, GDP của Trung Quốc đã lên tới 4 nghìn tỉ USD, hàng nghìn thư điện tử và cuộc gọi xuyên Thái Bình Dương được thực hiện mỗi ngày, và tới năm sau sẽ có 249 chuyến bay trực tiếp/tuần giữa Mỹ và Trung Quốc.
Để theo kịp những thay đổi đang tác động trực tiếp đến công dân hai nước và cả thế giới, chúng ta cần đổi mới quan hệ với Bắc Kinh. Trong cuộc họp đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vào tháng 4 vừa qua, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố cuộc đối thoại mới là nỗ lực của chính quyền để xây dựng quan hệ tích cực, hợp tác và toàn diện với Bắc Kinh. Vì vậy, chúng tôi nhóm họp tuần này ở Washington với hai quan chức cấp cao của chính phủ Trung Quốc, Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn và Uỷ viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc, để vạch ra khuôn khổ mới cho quan hệ Mỹ - Trung. Nhiều thành viên trong nội các của chúng ta và một số lượng tương đương các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc cũng sẽ tham gia buổi “Hội đàm Kinh tế và Chiến lược” này. Mục đích của buổi hội đàm này là gì, và nó có ý nghĩa thế nào với người Mỹ?
Nói một cách giản đơn, không có vấn đề toàn cầu nào có thể được giải quyết chỉ nhờ Mỹ hoặc Trung Quốc; và cũng không có vấn đề nào có thể giải quyết mà không có sự bắt tay của hai nước. Sức mạnh của nền kinh tế toàn cầu, sức khoẻ của môi trường toàn cầu, sự ổn định của các nước còn đang bất ổn (fragile state) và giải pháp cấm phổ biến vũ khí hạt nhân phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ Mỹ - Trung. Trong khi cuộc hội đàm sẽ mở ra những cánh cửa mới trong các cuộc thảo luận về chính sách kinh tế và chính sách đối ngoại, chúng tôi sẽ tiếp nối nỗ lực của 7 chính quyền trước, bồi đắp nền tảng cho những trao đổi liên chính phủ và hợp tác trong hàng chục lĩnh vực khác nhau.
Ưu tiên hàng đầu là việc khôi phục kinh tế từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ, cân bằng và duy trì tăng trưởng toàn cầu ngay khi kinh tế có dấu hiệu hồi phục. Khi cuộc khủng hoảng ập tới, Mỹ và Trung Quốc đã hành động nhanh nhạy và quyết liệt để thúc đẩy các hoạt động kinh tế, duy trì và tạo thêm việc làm. Sự thành công của các nền kinh tế lớn trên thế giới trong việc kiềm chế sức tàn phá của cuộc suy thoái toàn cầu và đặt nền tảng cho sự hồi phục phụ thuộc rất nhiều vào những bước tiến vững chãi mà hai quốc gia Mỹ - Trung đã thực hiện.
Trong khi đang tiến gần hơn đến sự hồi phục kinh tế, chúng ta vẫn phải tiếp tục xây dựng nền móng cho sự tăng trưởng bền vững và cân bằng trong nhiều năm tới. Nhiệm vụ này bao gồm việc tái thiết các tài khoản tiết kiệm, củng cố hệ thống tài chính, đầu tư vào năng lượng, giáo dục và y tế để làm cho nước Mỹ thịnh vượng hơn. Nó cũng bao gồm việc kích cầu nội địa và làm cho nền kinh tế Trung Quốc bớt lệ thuộc hơn vào xuất khẩu. Đối với Trung Quốc, tăng thu nhập cá nhân và củng cố mạng lưới an sinh xã hội sẽ có tác dụng kích cầu nội địa và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Mỹ - Trung vừa phải tránh chia rẽ các thị trường thương mại và đầu tư giữa hai nước, vừa phải nỗ lực tạo cơ hội mới cho các công nhân và doanh nghiệp hai nước cạnh tranh công bằng. Có như vậy, nhân dân hai nước mới thấy được lợi ích của việc mở rộng quan hệ kinh tế Mỹ - Trung.
Ưu tiên thứ hai là tạo ra bước tiến mới trong các vấn đề liên hệ chặt chẽ với nhau như biến đổi khí hậu, năng lượng và môi trường. Hai quốc gia cần thiết lập một liên minh thực thụ để đi theo lộ trình cắt giảm lượng khí thải carbon, khí nhà kính, đồng thời thúc đẩy khôi phục kinh tế và phát triển bền vững. Các cuộc thảo luận tương tác đem lại cơ hội quan trọng cho các lãnh đạo then chốt của Mỹ gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc và cùng đặt vấn đề biến đổi khí hậu lên bàn nghị sự. Trước thềm Hội nghị Quốc tế về Biến đối Khí hậu diễn ra ở Copenhaghen, Đan Mạch, vào tháng 12 này, rõ ràng là mọi thỏa thuận phải có sự tham gia của các nền kinh tế lớn như Trung Quốc.
Nội dung thứ ba của cuộc hội đàm là tìm ra hướng giải quyết cho các vấn đề an ninh và phát triển trong khu vực và trên toàn cầu. Từ hành động khiêu khích của Triều Tiên, sự ổn định ở Afghanistan và Pakistan tới triển vọng kinh tế của châu Phi, Mỹ và Trung Quốc phải làm việc cùng nhau để giải quyết các vấn đề bức thiết không chỉ hai quốc gia mà nhiều nước khác trên toàn thế giới đang phải đối mặt.
Mặc dù vòng đầu tiên của cuộc Hội đàm Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung đem đến cơ hội hiếm có để làm việc với các quan chức Trung Quốc, chúng tôi không phải lúc nào cũng nhất trí về các giải pháp. Chúng tôi phải thành thật về sự khác biệt giữa hai bên, bao gồm cả việc lựa chọn địa điểm hợp lý cho các cuộc đối thoại. Và trong khi xây dựng quan hệ đối tác với Trung Quốc, chúng tôi vẫn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước đồng minh lâu năm, các nước bạn ở châu Á và trên khắp thế giới, và dựa vào các tổ chức quốc tế phù hợp.
Tuy vậy, việc tổ chức các cuộc hội đàm chiến lược với Trung Quốc sẽ giúp xây dựng niềm tin và quan hệ để giải quyết các thách thức khó khăn nhất hiện nay cũng như trong tương lai. Người Trung Quốc có câu cách ngôn: “Khi các bạn cùng ở trên một con thuyền, các bạn phải hòa thuận và cùng nhau vượt sông”. Ngày nay, chúng ta và Trung Quốc sẽ nắm vững tay chèo và cùng nhau lên thác xuống ghềnh.
-
Thanh Trà (dịch từ Wall Street Journal)