Với mức thu nhập khiêm tốn và mối quan hệ gần gũi với ít người cùng làng, công nhân di cư Trương Vệ sống một cuộc sống yên ổn trừ việc đôi khi anh cảm thấy “tủi thân” vì bị cô lập ở chính thành phố nơi anh làm việc.
"Chúng tôi sống cùng nhau, có chợ búa riêng và toàn bộ cuộc sống là vòng tròn khép kín. Tôi gần như lúc nào cũng ở cùng người làng tới từ Hồ Nam”, Trương nói. "Chúng tôi như một hòn đảo biệt lập ở Côn Minh và thực sự không hòa nhập vào cộng đồng địa phương".
Có hàng triệu người di cư Trung Quốc đổ ra thành phố tìm việc làm (Ảnh timeinc)
Trương tới thủ phủ tỉnh Vân Nam ở phía tây nam Trung Quốc gần một năm trước. Công việc khảo sát xây dựng đem về cho anh 2.200 nhân dân tệ (322 USD) một tháng. Nhưng ngoài vài lời trao đổi ngắn ngủi với chủ nhà, anh hầu như không có tiếp xúc với người dân ở Côn Minh.
Giống như Trương, hàng triệu nông dân từ các khu vực nông thôn Trung Quốc đã vào các thành phố tìm việc làm trong thập niên qua. Nhưng do khoảng cách nông thôn - thành thị và nhiều vấn đề khác, lao động di cư có xu hướng bị cách ly trong chính cộng đồng thành phố họ sống và làm việc, kể cả về lợi ích lẫn sự quan tâm.
Hiện tại, quốc gia này có hơn 130 triệu lao động di cư. Một số người trong đó đã quyết định ở lại thành phố quãng đời còn lại. Tất nhiên, họ cần phải giải quyết "những sự khác biệt” giữa người thành phố và người di cư.
“Bản chất vấn đề mà các lao động di cư mới phải đương đầu là sự thích nghi và hòa nhập vào cuộc sống thành phố", Chu Đại Minh, chuyên gia phân tích dự án cho biết. Dự án của Chu do Bộ Giáo dục chủ trì, mục đích nhằm tìm ra các vấn đề mà lao động di cư phải đương đầu để đưa ra chính sách dỡ bỏ "sự hờ hững" giữa các lao động di cư và dân địa phương.
"Mấu chốt để giải quyết tình trạng này nằm ở vị thế và sự ủng hộ về mặt xã hội mà các lao động nhập cư nhận được", giáo sư Chu, phát biểu tại hội nghị lần thứ 16 Hiệp hội Khoa học Dân tộc và Nhân văn quốc tế (IUAES) tại Côn Minh.
Châu Kiều, một người dân Côn Minh, 58 tuổi đã quyết định chỉ cho người địa phương thuê nhà. "Các lao động di cư có thói quen sống khác với chúng tôi. Và tôi không nắm rõ được tình hình tài chính của họ, vì thế, an toàn nhất là cho lao động địa phương thuê".
Dương Hiểu Lưu, người cũng tham gia chương trình cho hay, khác biệt về văn hóa, xã hội, kinh tế cũng là nguyên nhân gây ra sự lạnh nhạt giữa hai cộng đồng dân cư. "Các lao động di cư và người địa phương nên cùng chung nỗ lực tạo ra mối hệ tốt đẹp", Dương nhấn mạnh.
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra bảng câu hỏi với người dân ở 6 thành phố như Thẩm Dương, Hàng Châu và Thành Đô. Họ sẽ tiếp tục thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn sâu hơn ở mỗi thành phố và hoàn thành dự án vào cuối năm 2010. Dự án sẽ cung cấp những tư vấn và đề xuất chính sách cho giải pháp “cảm giác bị cô lập” của người di cư.
-
Kỳ Thư (Theo THX)