Người nông dân Vương Chí Phàn chỉ tay về phía nhà máy nấu kim loại gây ra vụ nhiễm độc chì cho hàng trăm trẻ em địa phương, rồi nghiến răng đầy căm tức.
"Nó giống như một quả bom nguyên tử với chúng tôi. Không có có gì cứu sống chúng tôi cả", Vương, 61 tuổi nói.
Trẻ em nhiễm độc chì từ nhà máy Dongling điều trị ở bệnh viện địa phương (Ảnh AP)
Sự tức giận của người dân địa phương đã lên tới đỉnh điểm trong tuần này với một cuộc biểu tình xảy ra xô xát tại nhà máy nấu kim loại ở tỉnh Thiểm Tây. Căng thẳng vẫn dâng cao và đã xuất hiện cuộc tranh luận rằng liệu sự xuống cấp của môi trường trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế có thể trở thành mầm mống gây nên bất ổn xã hội ở Trung Quốc.
Trong nhiều thập niên nay, các hãng sản xuất của Trung Quốc đã xả các chất độc ra sông suối, đất trồng nhiều hơn là thải chúng một cách an toàn. Thậm chí, các chính quyền địa phương cũng làm ngơ vì không muốn ảnh hưởng tới nền kinh tế trong vùng.
Xảy ra vụ nhiễm độc chì tại thị trấn ở tỉnh Thiểm Tây, chính quyền địa phương cam kết đóng cửa nhà máy Dongling cho tới khi nhà máy đạt chuẩn an toàn. Ít nhất đây là một thắng lợi tạm thời của người dân, khi có tới 615 trong số 731 em nhỏ ở hai ngôi làng gần nhà máy có kết quả kiểm tra dương tính với nhiễm độc chì. Một số mẫu thử có mức nhiễm chì cao gấp 10 lần chuẩn an toàn của Trung Quốc.
Hôm Chủ nhật và thứ Hai đầu tuần này, nhiều người địa phương đã xô xát với cảnh sát ở cổng nhà máy và ngăn chặn các xe tải chở than cung cấp cho Dongling.
Hiện tại, nhà máy đã đóng cửa và được bảo vệ chặt chẽ. Cảnh sát cố gắng ngăn chặn các cuộc tiếp xúc giữa báo chí với các em nhỏ bị ốm vì nhiễm độc chì cùng cha mẹ chúng.
Lời xin lỗi từ Dai Zhengshe - Thị trưởng thành phố Baoji dường như không có tác dụng với dân. Ông Dai hứa không cho phép mở cửa nhà máy cho tới khi Dongling đạt chuẩn an toàn. Tuy nhiên, dân làng tỏ ra không tin vào lời ông nói. "Bạn thực sự không thể tin những gì chính quyền nói với bạn", Hà Tiểu Quân, cha của cậu bé 9 tuổi Hà Hạo Dân nói. Hạo Dân đã bị chảy máu mũi và gặp những vấn đề về trí nhớ - triệu chứng phổ biến của nhiễm độc chì. "Chúng tôi muốn họ di dời nhà máy", Hà cho biết.
Sự mất lòng tin ở người dân càng thêm trầm trọng trong những năm qua vì sự thiếu minh bạch và "hứa suông" từ chính quyền địa phương. Dân làng sống gần nhà máy được hứa sẽ được chuyển tới khu ở mới thậm chí trước lúc Dongling mở cửa vào năm 2006, nhưng tới nay, chỉ số ít hộ gia đình chuyển chỗ ở. Chính quyền địa phương hứa đóng cửa nhà máy vào 6/8 nhưng dân làng khẳng định, công việc sản xuất vẫn tiếp tục nhiều ngày sau đó.
Lời biện hộ từ quan chức địa phương rằng, nhà máy này đáp ứng chuẩn an toàn quốc gia về đất trồng, nước bề mặt và nước ngầm, nước thải đã khiến người dân thêm tức giận. Họ tìm lời giải thích vì sao con em mình lại có mức nhiễm chì rất cao trong máu.
Mã Quân, nhà sáng lập một tổ chức môi trường phi chính phủ tại Bắc Kinh cho rằng, dường như các chuẩn an toàn lỗi thời không đề cập tới hậu quả của chì và các kim loại nặng khác với con người và môi trường. "Vì thế, thậm chí một nhà máy đảm bảo đủ mọi tiêu chuẩn khí thải, vẫn có thể gây tác động xấu tới sức khỏe con người", Ma nhấn mạnh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, nhiễm độc chì có thể gây tổn hại tới hệ thần kinh, cơ quan sinh sản, tăng huyết áp, gây ra bệnh thiếu máu và mất trí nhớ. Nó đặc biệt nguy hại với trẻ em, phụ nữ có thai và thai nhi.
Hôm thứ Tư, tại bệnh viện huyện Phong Xương, khoảng 80 em nhỏ đã được nhập viện và điều trị. Các em nằm trên giường, cha mẹ xung quanh.
Trác Hiệu Phương, 41 tuổi đến từ làng Mã Đạo Khẩu cho biết, mức nhiễm chì trong máu của đứa con gái 8 tuổi của cô được cho là khá cao. Con cô nhiều lần bị đau bụng và cũng gặp vấn đề về trí nhớ. "Tôi lo lắng vì không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và chúng tôi không có bất cứ đảm bảo nào cho tương lai", cô nói.
Vào ngày 30/7, ở thị trấn Văn Bình tại tỉnh Hồ Nam, dân làng đã phong tỏa các đường giao thông sau khi chính quyền từ chối đóng cửa một nhà máy tái chế mangan. Và thứ Năm trước, chính quyền địa phương đã tuyên bố đóng cửa nhà máy vì nó hoạt động trái phép và thải chất độc quá mức.
Thiếu lòng tin, thiếu minh bạch với các dự án ô nhiễm lớn có lẽ là một con đường dẫn tới những cuộc xung đột trong tương lai, Hồ Nguyên Hùng, một luật sư Chương trình Trung Quốc của Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên thiên nhiên Mỹ khẳng định. Theo ông: "Cách tốt nhất để đảm bảo xã hội ổn định và kinh tế vững bền là công khai thông tin, cho phép người dân tham gia giám sát và có biện pháp để giúp dân cùng các nhà máy đối thoại, giải quyết tranh cãi".
-
Kỳ Thư (Theo AP)