Nhóm các nước đang phát triển gồm
Từ trái qua phải: Bộ trưởng tài chính Ấn Độ Pranab Mukherjee, Bộ trưởng tài chính Trung Quốc Xie Xuren, Bộ trưởng tài chính Brazil Guido Mantega và Bộ trưởng tài chính Nga Alexei Kudrin. Ảnh AP.
Cảnh báo đáng chú ý nói trên được các bộ trưởng nhóm bốn nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới BRIC đưa ra trong khuôn khổ hội nghị nhóm G-20 tại Anh.
“Những dấu hiệu đầu tiên cho thấy kinh tế toàn cầu đã bắt đầu được cải thiện và giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng đã trôi qua. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn quá sớm để tuyên bố rằng khủng hoảng đã kết thúc”, nhóm BRIC khẳng định.
Nhóm này cũng cảnh báo thêm rằng kinh tế toàn cầu vẫn đang phải đối mặt với tình trạng không chắc chắn cũng như những rủi ro lớn còn tiểm ẩn đối với sự vững chắc của nền kinh tế và hệ thống tài chính thế giới.
Nhóm BRIC cũng yêu cầu G-20 phải nắm bắt lấy cơ hội để thay đổi cấu trúc kinh tế thế giới nhằm thoát khỏi những yếu kém mang tính hệ thống dẫn tới sự lan rộng trên phạm vi toàn thế giới của cuộc khủng hoảng.
Bộ trưởng tài chính Ấn Độ Pranab Mukherjee, Bộ trưởng tài chính Trung Quốc Xie Xuren, Bộ trưởng tài chính Brazil Guido Mantega và Bộ trưởng tài chính Nga Alexei Kudrin của nhóm BRIC cũng nhất trí với việc nên thắt chặt kiểm soát cũng như cần có sự cải tổ với một số ủy ban toàn cầu như Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) nhằm tạo điều kiện cho các nền kinh tế mới nổi khẳng định được vị thế của mình đối với kinh tế toàn cầu.
Hội nghị bộ trưởng tài chính nhóm G-20 họp trong hai ngày 4 và 5/9 tại London, Anh có chương trình nghị sự tập trung vào 3 vấn đề lớn gồm những biện pháp khôi phục nền kinh tế thế giới; cải tổ hệ thống ngân hàng và thành lập một trật tự tài chính toàn cầu mới.
Tại hội nghị, đại diện các nước G-20 cũng nhất trí với nhóm BRIC rằng tình hình kinh tế thế giới hiện nay khá hơn nhiều song hiện vẫn là quá sớm để tuyên bố kết thúc cuộc khủng hoảng kinh tế.
Các bộ trưởng tài chính cũng nhất trí rằng G-20 phải tận dụng cơ hội hiện nay để thay đổi cơ cấu kinh tế thế giới nhằm loại bỏ những yếu kém mang tính hệ thống, được coi là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lớn nhất trong gần 80 năm qua.
-
Nhật Vy (Theo THX, CNBC, Reuters)