Các định kiến xã hội cay độc đẩy cộng đồng những người đồng tính nam (gay) ở châu Phi vào sâu hơn trong bóng tối bí mật. Không được tiếp cận với thông tin, lượng người nhiễm HIV/AIDS là gay ngày một tăng cao ở châu lục đói nghèo này.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. |
Một nghiên cứu gần đây, đăng trên trang mạng tạp chí y học Lancet của Anh, đã lật lại niềm tin bấy lâu nay rằng căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS ở châu Phi chỉ bị lây nhiễm khi quan hệ nam nữ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người đàn ông có quan hệ đồng giới mang nguy cơ lây nhiễm virút HIV cao hơn 10 lần so với người bình thường. Kết quả này đã mở ra một hướng đi mới trong cuộc chiến chống AIDS ở châu lục có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất thế giới. Đó là hạn chế đến mức tối đa sự lan rộng của các mối quan hệ đồng tính nam.
Nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học tới từ trường Đại học Oxford cùng với Hội đồng Dân số của Ghana và Viện Nghiên cứu y học Kenya đã lật lại các nghiên cứu về AIDS trong những năm trở lại đây và đưa ra kết luận rằng các nghiên cứu và chính sách phòng chống đại dịch thế kỷ mà các quốc gia châu Phi đưa ra đều đã bỏ qua vấn đề quan hệ đồng tính nam (QHĐTN). Trong thực tế, QHĐTN rất phổ biến ở châu Phi, hơn nhiều so với những gì người ta biết về nó. Tuy nhiên do sự ghét bỏ và cái nhìn thù hằn với những người đồng tính nam (gay) của xã hội nên hiện tượng này thường không được nhắc đến đầy đủ trong các nghiên cứu và bị bỏ quên trong các phương pháp phòng chống bệnh dịch. Nhóm nghiên cứu này đã tổng hợp các số liệu từ nhiều nghiên cứu gần đây ở các quốc gia châu Phi và thấy rằng ngày càng có nhiều những bệnh nhân HIV có QHĐTN.
Những người đồng tính "tàng hình"
Phần lớn cộng đồng đồng tính nam (gay) của châu Phi hoạt động trong bóng tối. Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe đã phát biểu trước công luận của châu Phi về QHĐT tại hội chợ sách Harare năm 1995 rằng: “ghê tởm” làm sao khi “những kẻ đồng tính, những kẻ xúc phạm đến cả luật lệ tự nhiên lẫn đạo đức và niềm tin tôn giáo trong xã hội, đòi sự thông cảm và ủng hộ của chúng ta hay các dân tộc khác trên thế giới…” QHĐTN thậm chí còn bị coi là một tội danh ở 31 quốc gia khu vực tiếu Sahara. Theo một số cuốn sách thì tội này còn có thể bị tử hình ở vài nước, nhưng may sao trên thực tế đến nay chưa có trường hợp nào như vậy. Tháng 1/2009, các nhà hoạt động vì lợi ích của những người gay rất choáng váng trước phán quyết của một thẩm phán người Senegal vì đã bỏ tù 8 năm 9 thanh niên gay trong một nhóm nhiễm HIV/AIDS với tội danh “thực hiện hành vi không đúng đắn và đi ngược lại với tự nhiên”.
Phán quyết này sau đó đã được lật lại, nhưng nó đã chỉ cho ta thấy lý do vì sao rất khó có thể tiếp cận người gay để có thể gửi tới họ các thông điệp phòng tránh AIDS: họ không muốn bị người khác phát hiện mình là gay. Một hệ quả nghiêm trọng của việc buộc người gay phải “tàng hình” là chúng ta đang đẩy họ vào một cuộc sống hai mặt, trong đó họ sẽ tiếp tục phiêu lưu với các mối QHĐT nguy hiểm và gieo rắc mầm bệnh cho những phụ nữ mà họ quan hệ sau này.
“Ở những đất nước mà quyền lợi của nhóm gay hay les (đồng tính nữ) được bảo vệ, thì họ có thể tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và do đó giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh”, Adrian Smith, trưởng nhóm nghiên cứu cho hay. “Chừng nào QHĐT còn bị coi là một tội danh và bị bôi nhọ thì việc bạn khuyến khích những người đồng tính đứng ra thú nhận về bản thân và gia nhập vào hệ thống y tế cũng vẫn vô ích, vì chính phủ sẽ ngăn không cho họ được hưởng điều đó”.
Chính phủ của Uganda đang cân nhắc việc đưa ra một đạo luật quy định tội danh cho việc phát tán truyền bá các ấn phẩm sách báo liên quan đến nội dung QHĐT. Ở nước này, gay thường xuyên là mục tiêu của sự chỉ trích, lên án gay gắt, thậm chí là cay độc và bị xã hội ruồng bỏ. Các nhà hoạt động vì người đồng tính của Uganda cho biết nếu đạo luật này được thông qua, nó sẽ ngăn cản việc họ giáo dục người dân về tình dục an toàn.
Mối nguy từ việc bị xa lánh
Bản báo cáo của nhóm nhà nghiên cứu của Smith phát hiện ra rằng những người gay có xu hướng thường xuyên thực hiện các QHĐT dễ lây nhiễm HIV hơn những người bình thường, bởi lẽ các thông điệp phòng chống căn bệnh thế kỷ chỉ đơn thuần đề cập đến khả năng truyền bệnh qua QH nam nữ. “Có rất nhiều đàn ông châu Phi cho rằng QHĐT là an toàn, bởi lẽ chưa có ai bảo họ điều đó là không an toàn cả”.
Theo các nhà hoạt động thì trong khi chỉ trích nhằm vào cộng đồng gay đang trở nên rộng khắp và ầm ĩ hơn trên thế giới thì nạn nhân của các cuộc tấn công này cũng bắt đầu đứng lên bảo vệ bản thân với quyết tâm ngày càng cao. Ví dụ như các nhà hoạt động vì lợi ích của cộng đồng gay ở Botswana đang đấu tranh rất mạnh mẽ trên diện rộng để chống lại việc phân biệt đối xử với QHĐT – hiện đang bị khép vào tội danh chịu án tù tới 7 năm ở nước này. Thêm vào đó, các nhà hoạt động cũng đang phản đối các đạo luật chống lại gay với lý do các đạo luật này là vật cản trong cuộc chiến chống HIV/AIDS - một báo cáo của MASK, một tổ chức bảo vệ cho những người gay và les ở Nam Phi cho hay.
Tuy nhiên ở hầu hết các quốc gia châu Phi, định kiến xã hội về quan hệ đồng tính vẫn còn rất nặng nề. Thái độ khinh bỉ và thù ghét từ các nhà thờ, gia đình và cộng đồng còn tồi tệ hơn cả luật pháp. Chính thái độ đó của xã hội đang đẩy cộng đồng người gay vào sâu hơn trong bóng tối bí mật. “Làm sao bạn có thể tiếp cận một cộng đồng dân cư khi mà họ không muốn bạn tìm ra”, “Đây thực sự là một câu hỏi lớn”, Smith nói tiếp.
Thực trạng đang được các nhóm phòng chống AIDS quốc tế và cả nhiều quốc gia trên thế giới.nhận thức rõ ràng hơn. Senegal có thể là một quốc gia “không đội trời chung” với QHĐT nếu xét về phương diện xã hội và luật pháp. Tuy nhiên đây lại là một trong số ít các quốc gia có chương trình phòng chống HIV trong đó đặc biệt giải quyết vấn đề đồng tính nam.