Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng nhiệm Nga Dmitry Medvedev bắt tay nhau khi kết thúc cuộc gặp ở New York. (Ảnh: AP)
Phát biểu sau khi gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, ông Medvedev nói rằng trong một số trường hợp, các lệnh cấm vận là "không thể tránh được".
"Chúng tôi cần giúp Iran đưa ra các quyết định đúng", ông chủ Điện Kremlin nói.
"Đáng tiếc là Iran vi phạm quá nhiều cam kết quốc tế của nước này", ông Obama nói. "Chúng tôi đã bàn bạc cách thức hành động theo hướng tích cực để có thể giải quyết một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn".
Trước đó, một quan chức Nga cho biết, Moscow có thể sẽ ủng hộ các lệnh cấm vận mới nếu như có đủ bằng chứng từ các thanh sát viên Liên Hợp Quốc.
Về phía Iran, trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad không ngụ ý trực tiếp tới bế tắc hạt nhân. Tuy nhiên, ông này nói về những nước đang phá hoại sự phát triển của các quốc gia khác với cớ ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân.
Nhà lãnh đạo Iran sử dụng bài phát biểu của mình để buộc tội Israel "về các chính sách phi nhân đạo ở Palestine" và lên án chiến dịch quân sự do Mỹ đứng đầu ở Iraq và Afghanistan.
Ông Ahmadinejad khẳng định Iran sẵn sàng bắt tất cả những bàn tay "chìa ra với chúng tôi một cách chân thành".
Đại biểu một số nước đã bước ra ngoài hội nghị khi Tổng thống Ahmadinejad phát biểu, trong đó có đại biểu Mỹ và Pháp.
Tổng thống Obama muốn một sự phản đối thống nhất trong nhóm 6 cường quốc toàn cầu trước khi họ tổ chức các cuộc hội đàm với Iran về hạt nhân vào tuần tới.
Giới phân tích cho rằng, nếu những cuộc hội đàm như vậy không mang lại kết quả, ông chủ Nhà Trắng muốn áp đặt các lệnh trừng phạt quyết liệt hơn chống Tehran.
Phía Nga vẫn phản đối bất cứ một đợt cấm vận mới nào. Tuy nhiên, tuần trước, ông Obama đã thông báo từ bỏ kế hoạch lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa ở Đông Âu, gần biên giới với Nga. Có lời đồn đoán rằng, đổi lại, Moscow sẽ giảm nhẹ lập trường đối với cấm vận chống Iran.
Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của mình chỉ phục vụ các mục đích dân sự. Tuy nhiên Phương Tây nghi ngờ nước này đang cố gắng phát triển vũ khí hạt nhân.
- Thanh Hảo (Theo BBC)