Ngày 1/10, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Tricher đã kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu giảm bớt nỗ lực kích thích kinh tế trước năm 2011.
Trước trụ sở EU. Ảnh Main. |
Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet khẳng định sự suy giảm kinh tế đã đi đến hồi kết và tiếp đến là thời kỳ ổn định và phục hồi dần dần song thời gian này vẫn chưa thể rút ngay các nỗ lực kích thích kinh tế mà phải đợi đến khoảng 2011 thì mới có thể chấm dứt.
Đáp lời ông Tricher, tại cuộc họp với Bộ trưởng tài chính các nước thành viên EU tại Gothenburg, Thụy Điển ngày 1/10, các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) cũng nhất trí đặt thời hạn chót vào năm 2011 để chấm dứt chương trình kích thích kinh tế và đưa các hoạt động tài chính trở lại mô hình trước khủng hoảng.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo việc chấm dứt các biện pháp kích thích kinh tế quá sớm có thể sẽ gây rủi ro cho quá trình hồi phục kinh tế.
Giống như nhiều nước khác trên thế giới, các thành viên EU cũng phải chống chọi với cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu và để cứu khu vực thoát khỏi tình trạng khốn đốn nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Hệ thống ngân hàng của châu Âu đã phải chi hàng nghìn tỉ USD nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, những khoản chi tiêu này dẫn đến lo ngại là nợ nần của quốc gia sẽ tăng cao.
Trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng vừa quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp chưa từng có 1%, do kinh tế của khu vực đồng euro tuy có tín hiệu rõ ràng về sự tăng trưởng, song đà phục hồi vẫn chậm.
ECB cũng nhận định kinh tế Eurozone sẽ trở lại tăng trưởng dương vào năm tới sau khi có sự điều chỉnh về mức tăng GDP và lạm phát.
Sang năm 2010, GDP của Eurozone sẽ tăng 0,2%, mức điều chỉnh tăng khá mạnh so với con số âm 0,3% mà Ngân hàng đưa ra trong dự báo hồi tháng 6.
- Nhật Vy (Theo Financial Times, Reuters, Bloomberg)