- Hải quân hiện được coi là nòng cốt của sức mạnh quân sự Trung Quốc. Được thành lập ngày 23/4/1949 và đến nay Trung Quốc là cường quốc số một châu Á về tàu ngầm với khoảng 70 tàu ngầm, trong đó có 10 tàu hạt nhân và 60 tàu chạy bằng diesel, ngoài ra còn có khoảng 80 tàu khu trục và chiến hạm, hàng trăm tàu nhỏ và tàu trợ giúp... cùng hơn 220.000 quân nhân.
Đại diện các nước tham quan tàu ngầm Trung Quốc trong buổi lễ kỉ niệm 60 năm thành lập Hải quân Trung Quốc. (Ảnh: THX)
Sau các loại tàu ngầm nguyên tử thuộc lớp 091 Han (Hán) - tàu ngầm nguyên tử đầu tiên tự chế tạo; 092 lớp Xia (Hạ) - tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo đầu tiên của một nước châu Á và 093 lớp Shang (Thương)- tàu ngầm nguyên tử tấn công, mới đây nhất, nước này công bố loại tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo tối tân lớp 094 Jin (Tấn) - được coi là niềm tự hào của Hải quân Trung Quốc.
Tham vọng ra biển lớn
Trung Quốc luôn tận dụng mọi cơ hội để phô diễn sức mạnh Hải quân cũng như cọ sát nâng cao năng lực chiến đấu. Dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải quân tháng 4 vừa qua, đại lục lần đầu tiên trình diện một số tàu ngầm hạt nhân trước lãnh đạo và tướng lĩnh quân đội của nhiều cường quốc. Có 21 tàu từ 14 nước tới dự lễ kỷ niệm, trong đó có tàu của hải quân Mỹ.
Sự kiện trên không đơn thuần chào mừng ngày thành lập lực lượng hải quân mà còn là cơ hội để Trung Quốc nâng cao khả năng tác chiến, tăng vai trò tại khu vực và trên thế giới, cũng như thể hiện quyết tâm vươn ra “biển lớn”, đồng thời muốn các cường quốc khác thấy được vai trò quan trọng của nước này trong việc duy trì “hoà bình, hài hoà và hợp tác".
Cuộc “Triển lãm hải dương” được Trung Quốc tổ chức lần đầu tiên vào tháng 7 vừa qua ở thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, đã chứng tỏ mức độ hiện đại hóa ngày càng cao của Hải quân Trung Quốc khi nước này trình làng hàng loạt các kế hoạch nhằm tăng cường sức mạnh Hải quân. Tại triển lãm này, Cục trưởng Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc Tôn Chí Huy tiết lộ kế hoạch nghiên cứu chế tạo vệ tinh hải dương phục vụ cho công tác điều tra, giám sát biển của Trung Quốc.
Trung Quốc công bố “Báo cáo ứng dụng vệ tinh hải dương năm 2008” nêu rõ những kết quả mà nước này đạt được trong việc sử dụng vệ tinh giao cảm để tiến hành điều tra, giám sát biển. Đồng thời, đưa ra kế hoạch phát triển tiếp theo là nghiên cứu chế tạo hàng loạt vệ tinh hải dương, hoàn thiện hệ thống ứng dụng vệ tinh hải dương, sử dụng biện pháp công nghệ vũ trụ…
Tư lệnh hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi cho biết, lãnh đạo nước này ra lệnh cho hải quân nâng cao sức mạnh, sẵn sàng bảo vệ lợi ích của Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đang mở rộng tầm ảnh hưởng. Hải quân Trung Quốc được trang bị nhiều tàu chiến, tàu ngầm tầm xa, máy bay siêu thanh và tên lửa tầm xa có độ chính xác cao. Nước này cũng dự định phát triển nhiều loại vũ khí mới, phức tạp và hiện đại cho hải quân như tàu chiến cỡ lớn, ngư lôi tốc độ cao, tàu ngầm có khả năng “tàng hình”, vũ khí, công nghệ điện tử…
Trung Quốc cũng cải tiến khả năng xử lý các tình huống không phải chiến tranh như chống khủng bố, truy tìm và cứu nạn trên biển. Đặc biệt là việc nước này liên tục có các hoạt động vươn ra biển lớn, triển khai tàu tham gia hoạt động chống cướp biển ở phía Đông châu Phi để bảo vệ các tàu hàng hoạt động trong khu vực này.
Tàu ngầm lớp Tống loại cải tiến trang thiết bị mới của Hải quân Trung Quốc. (Ảnh: Tiexuenet)
…Và mối lo
Trong năm nay, Trung Quốc đã điều tàu chiến tới khu vực biển ngoài khơi Somalia để trấn áp cướp biển. Một mặt Trung Quốc luôn tuyên bố sử dụng quân đội để gìn giữ hòa bình thế giới cũng như bảo vệ lãnh thổ nước này, không dùng quân sự để xâm lược hay đàn áp nước ngoài, nhưng thực tế một số hành động quân sự gần đây cho thấy điều ngược lại.
Tàu của Trung Quốc nhiều lần quấy nhiễu các tàu giám sát của hải quân Mỹ để thu thập thông tin tình báo từ bên ngoài bờ biển, trong khi các tàu ngầm của đại lục cũng không "buông tha" nhóm tàu sân bay Mỹ.
Các nước ASEAN ngày càng tỏ thái độ nghi ngờ về ý đồ của Trung Quốc khi nước này liên tiếp có những hoạt động quân sự rầm rộ ở biển Đông. Trung Quốc cho xây dựng và mở rộng căn cứ Hải quân quy mô lớn cho tàu ngầm hạt nhân và tàu mặt nước tại đảo Hải Nam; bố trí tàu đổ bộ cỡ lớn “071” tại biển Đông; tiến hành các cuộc diễn tập quân sự liên hợp quy mô lớn trên biển…
Theo tờ New Delhi của Ấn Độ, Trung Quốc đang chuẩn bị tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn nhất trong những năm gần đây vào cuối năm nay nhằm vào vùng biển này. Cuộc tập trận mang mật danh “Kuayue” (bước đột phá) sẽ kéo dài trong 2 tháng với sự tham gia của 60.000 phương tiện cơ giới và bao trùm khu vực có diện tích khoảng 50.000km2. Những việc làm đó đã cho thấy rõ ý đồ “phô trương thanh thế” cũng như đang có sự chuẩn bị quân sự cho những tranh chấp có thể xảy ra trên biển Đông.
Không chỉ có các nước láng giềng, mà ngay cả Mỹ - một siêu cường quân sự cũng tỏ ra e dè trước việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh Hải quân. Tư lệnh Hải quân Mỹ Gary Roughead cho rằng, việc Trung Quốc củng cố sức mạnh trên biển khiến nhiều nước láng giềng lo lắng, nhưng Bắc Kinh tuyên bố đây đơn thuần là hành động gia tăng sức mạnh hải quân và không đe dọa các nước khác.
Mô hình tàu sân bay cỡ lớn của Hải quân Trung Quốc. (Ảnh: Sinaimg)
Hãng AP của Mỹ dẫn lời chuyên gia John Pike, giám đốc nhóm nghiên cứu quốc phòng GlobalSecurity rằng, các vũ khí quân sự tiên tiến có thể khiến Trung Quốc rơi vào cuộc xung đột trên biển với các cường quốc quân sự trong khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao chuyên trách Đông Nam Á, Đại sứ Mỹ tại khu vực ASEAN Scot Marciel cho rằng, Bắc Kinh đã cảnh báo các công ty dầu khí Mỹ và nước ngoài không làm ăn với nước khác ngoài Trung Quốc trong khu vực tranh chấp, nếu không sẽ gặp khó khăn trong việc kinh doanh với đại lục.
Mỹ vẫn luôn bày tỏ thái độ nghi ngại về bí mật ngân sách quốc phòng của Trung Quốc cũng như những ý đồ của nước này. Giới quan chức quốc phòng Mỹ không tin ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2009 là 70,3 tỷ USD; cho rằng, con số thực tế có thể gấp đôi, khoảng 139 tỷ USD.
Tuy nhiên, cho dù có những cải thiện trong những năm gần đây, giới phân tích nhận định, hải quân Trung Quốc vẫn chưa đủ lực để so sánh lực lượng với các siêu cường hải quân khác trên thế giới.
Bates Gill, một chuyên gia về quân sự Trung Quốc, nói: "Hải quân của Trung Quốc chưa thể nào so được với Hoa Kỳ - thậm chí là với Nhật Bản". Mãi đến năm 2002, Hải quân Trung Quốc mới thực hiện được chuyến đi vòng quanh địa cầu, tức là sau hạm đội Great White của Mỹ tới gần 100 năm.
Andrew Yang, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu chính sách cao cấp Trung Quốc tại Đài Loan, nói rằng các tàu của Trung Quốc đa phần kém hơn so với tàu Mỹ, chỉ có hai khu trục hạm cao cấp loại 051C được trang bị với hệ thống tên lửa phòng không hiện đại. Cho dù lực lượng hải quân Trung Quốc đã có những bước tiến vượt bậc trong khoảng thời gian 10-15 năm trở lại đây, nhưng hiện giờ nước này vẫn chưa có bất kỳ một tàu sân bay nào - biểu tượng cho sức mạnh của lực lượng hải quân.
-
Quang Minh (Tổng hợp)