Bất kể người nào tới thăm ngôi làng này từ rất xa đều đã có thể ngửi thấy "mùi đặc trưng" trước khi họ tận mắt thấy hình dung của nó.
Một số chuyên gia cảnh báo, Trung Quốc có thể lâm vào cuộc khủng hoảng sức khoẻ trong vài thập niên tới. (Ảnh: abc)
Hơn 100 xe chất rác ngất ngưởng chen nhau trên con đường chật chội dẫn tới Zhanglidong, và chờ đợi trút rác xuống khu đất rộng chừng 20 sân bóng.
Trong vòng chưa đầy 5 năm, Khu Xử lý Rác thải Trịnh Châu gần như "chôn vùi" một ngôi làng gồm khoảng 1.000 người. Những quả đào thối rữa trên cây, sâu bọ côn trùng theo mùi rác đua nhau đổ tới. Những cánh đồng chưa thu hoạch, nhớp nhúa rác thải, chất độc hại. Mỗi ngày, khoảng 100 tấn rác hoặc hơn thế nữa đổ về đây từ Trịnh Châu - thủ phủ của một tỉnh gồm 8 triệu dân.
"Cuộc sống từ thiên đường hoá địa ngục trong chốc lát", Vương Tú Hoa, một người dân sống lâu năm trong ngôi làng, vừa xua "đám mây dày đặc" muỗi và ruồi vừa nói. Người phụ nữ 78 tuổi này đột nhiên ho sặc sụa và khẳng định, chính bãi rác khổng lồ là nguyên nhân khiến bà bị viêm phổi.
Khi kinh tế Trung Quốc ngày một tăng trưởng, thì cơn lũ "rác" là một kết quả của tiến trình ấy. Và quan chức nhiều thành phố đang phải vật lộn giải quyết vấn đề này.
Cơn lũ rác
Khối lượng giấy, nhựa và các loại rác khác tăng gấp ba trong hai thập niên lên khoảng gần 300 triệu tấn mỗi năm, theo Dũng Phong, một chuyên gia về quản lý rác thải tại Đại học Thanh Hoa cho biết.
Hiện tại, người Mỹ vẫn vượt Trung Quốc về lượng rác thải với mức dân số chưa bằng 1/4 tổng cư dân 1,3 tỉ người của đại lục, nhưng thải lượng rác là 254 triệu tấn vào năm 2007, 1/3 trong số này được tái chế hoặc sử dụng làm phân bón (theo thống kê của cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ).
Nhưng với Trung Quốc, vấn đề hiện tại là sự gia tăng rác thải quá nhanh nếu so sánh với một thế hệ trước đây, khi các gia đình (phần lớn là nông thôn và hộ nghèo) đều sử dụng và tái sử dụng mọi thứ.
"Rác thải chưa bao giờ trở nên phức tạp trước đây, vì chúng tôi không có siêu thị, chúng tôi không có những gói hàng hấp dẫn, và vô tận hàng hoá để mua”, ông Phong nói. "Đột nhiên giờ đây, chính phủ phải đau đầu và kinh hoàng với những núi rác mà không có nơi nào để chứa”.
Tại Zhanglidong, dân làng la hét với các tài xế, và đôi khi cố gắng ngăn chặn các xe tải chở rác từ Trịnh Châu tới. "Trịnh Châu sạch sẽ tinh tươm vì rác của họ đã dội vào làng chúng tôi”, Lí Kiều Hồng, bà mẹ có cậu con trai 5 tuổi bị chàm bội nhiễm tức giận nói. Cô cho rằng, rác gây nên các vấn đề sức khoẻ của con cô.
Gia đình Lí là một trong số ít hộ sống cách bãi rác khoảng 100 mét, khu dân cư ngăn cách với bãi rác thải bằng một hàng rào, mỗi hộ gia đình được nhận 15 USD/tháng tiền bồi thường từ chính quyền.
Rác thải không chỉ làm nhiễm độc không khí và đất đai, mà còn ảnh hưởng tới những mối quan hệ. Người dân làng cho hay, họ không bao giờ được tham vấn, họ nghi quan chức đã được trả tiền để chấp nhận bãi rác thải. Ở nhiều vùng nông thôn Trung Quốc, quan chức địa phương khi ra quyết định không thường xem xét ý kiến người dân. "Dân làng chúng tôi quá khờ dại…, chúng tôi không hình dung một bãi rác thải là thế nào”, Lí nói. “Nếu chúng tôi biết rõ và sớm hơn về mọi sự ô nhiễm do rác gây ra, chúng tôi có thể làm mọi thứ có thể để ngăn chặn tiến trình xây dựng nó. Nhưng giờ thì quá muộn”.
Mức sống tăng, nhưng còn chất lượng cuộc sống?
Năm ngoái, hàng nghìn nông dân tại tỉnh Hồ Bắc đã va chạm với cảnh sát vì việc thải rác trái phép gần nơi họ ở. Những cuộc biểu tình ở các thành phố đã “đưa rác” về vùng nông thôn. Người dân tại Bắc Kinh đã tập trung ở văn phòng Bộ Môi trường năm trước, biểu tình về việc một bãi rác thải gây ô nhiễm cũng như phản đối kế hoạch xây dựng thêm lò đốt rác mới. Hồi tháng 7, các quan chức Trung Quốc đã huỷ kế hoạch xây lò và đóng cửa bãi rác sớm hơn bốn năm.
Tại phía đông Bắc Kinh, quan chức địa phương đã đầu tư hàng triệu USD để xây dựng bãi rác Gao An Tun, một trong số ít bãi rác đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu về sức khỏe. Điều này diễn ra sau khi 200.000 người dân làm đơn kiến nghị trong một năm trời. "Mức sống của chúng tôi được cải thiện, vì vậy lẽ tự nhiên là chúng tôi càng ngày càng nên đấu tranh vì một cuộc sống có chất lượng tốt hơn”, Trương Kiến Hoa, một người dân 67 tuổi nhấn mạnh. “Báo chí đưa tin rộng rãi, khiến chính quyền địa phương cuối cùng phải hành động”.
Sản phẩm đô thị hoá
Quá trình đô thị hoá tại Trung Quốc đang diễn ra nhanh chóng. Những gia đình bận rộn đã chuyển từ sử dụng thực phẩm tươi sang đồ ăn đóng gói, đóng hộp, nhu cầu tiêu dùng tăng 10,8%/năm từ năm 200-2008, cao hơn nhiều so với mức trung bình 4,2% của châu Á, theo Hội đồng Phát triển Thương mại Hong Kong. Vào năm 2013, thị trường thực phẩm đóng gói có thể đạt tới 195 tỉ USD, tăng 74% kể từ năm ngoái.
Ít nhất 85% trong số bảy tỉ tấn rác thải của Trung Quốc đổ về các bãi thải, rất nhiều trong số đó không có giấy phép ở khu vực nông thôn. Mưa rửa trôi nhiều kim loại nặng, ammonia và chất ô nhiễm khác ra đất trồng, ngấm vào nước ngầm, quá trình phân huỷ thải ra metan và carbon dioxide.
Quy định tại Trung Quốc cho phép những lò đốt rác thải lượng dioxin gấp 10 lần mức của Mỹ. "Nếu chính phủ không tăng cường nỗ lực giải quyết vấn đề rác thải, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sức khoẻ trong vài thập niên tới”, một chuyên gia về quản lý rác thải tại Đại học Bắc Kinh cảnh báo.
Tại Zhanglidong, người dân tên là Trịnh Đông Hiếu cho rằng, giếng nước duy nhất trong làng bị ô nhiễm và gây ra chứng lở loét kinh niên.
Vương Lĩnh, một phát ngôn viên của cơ quan Môi trường Trịnh Châu khẳng định, bãi rác thải có một lớp lót polyethylene để bảo vệ đất và nước ngầm. “Kết quả kiểm tra đất, nước và chất lượng không khí trong năm nay đều cho thấy, mọi thứ nằm trong chuẩn quốc gia”, ông nói.
Theo nhiều dân làng, lớp lót đã bị rách và chỉ bao phủ số ít diện tích bãi thải.
Vấn đề còn chất đống ở một quốc gia đặt nặng tăng trưởng, nơi các nhà hoạch định kinh tế được “coi trọng” hơn nhà kiểm soát môi trường, và quỹ dành cho quản lý rác thải còn eo hẹp.
-
Kỳ Thư (Theo AP)