221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1242094
Liệu có sự chuyển giao quyền lực từ Mỹ sang Trung Quốc?
0
Article
null
Liệu có sự chuyển giao quyền lực từ Mỹ sang Trung Quốc?
,

 - Có thể nói mối quan hệ song phương quan trọng và thu hút nhiều sự quan tâm nhất đầu thế kỷ 21 là quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.  

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.  

 

Theo học thuyết “Chuyển giao quyền lực” (Power Transition) khởi xướng bởi A.F.K. Orgaiski, sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ là một thách thức nghiêm trọng đối với vị thế của Mỹ với tư cách là quyền lực thống trị. Thế lực mới nổi sẽ dần thu hẹp khoảng cách về sức mạnh với thế lực thống trị cho đến khi có thể công khai thách thức địa vị của thế lực thống trị. Đây chính là thời điểm có nhiều nguy cơ xảy ra xung đột nhất giữa hai thế lực này kéo theo nhiều nước khác với các ràng buộc về lợi ích và với tư cách đồng minh.

Ngược lại, chủ nghĩa tự do (liberalism) cho rằng khả năng xung đột là không cao khi mà các nước và các nền kinh tế ngày càng gắn kết trong một mối quan hệ cộng sinh, phụ thuộc lẫn nhau (interdependence). Luật pháp quốc tế, các tổ chức quốc tế và đặc biệt là các lợi ích kinh tế đan xen là những yếu tố quan trọng làm “chùn tay” những thế lực hiếu chiến bởi tất cả các nước sẽ cùng chịu nhiều tổn thất nếu xung đột xảy ra.

Xét trên góc độ quan hệ song phương của hai “diễn viên chính” trên chính trường quốc tế đầu thế kỷ 21 là Mỹ và Trung Quốc, có thể nhận thấy những dấu hiệu của một Trung Quốc đang lớn mạnh từng ngày và muốn khẳng định vị thế của mình với tư cách một nước lớn. Sức mạnh của Trung Quốc trước hết đến từ một nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, hiện đã vượt qua Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Trung Quốc với hơn 2000 tỉ USD dự trữ ngoại hối cũng đang là chủ nợ lớn nhất của nước Mỹ. Về mặt quân sự, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng ở mức hai con số hàng năm. Năm 2009, ngân sách quốc phòng tăng 14,9% so với năm 2008 và đạt mức hơn 70 tỉ USD. Nhiều nguồn tin cho biết con số này lớn hơn rất nhiều trên thực tế.

Ngoài ra các tiến bộ khoa học kỹ thuật như khả năng bắn hạ vệ tinh của Trung Quốc cũng gây nhiều lo ngại trong giới chức quân sự Mỹ. Có lẽ cũng bởi những nguồn lực mới này đã tạo cho Trung Quốc sự tự tin cần thiết trong việc xử lý các vấn đề như vụ va chạm máy bay ở đảo Hải Nam năm 2001 hay gần đây nhất là vụ chạm trán giữa các tàu Trung Quốc và tàu Impeccable của hải quân Mỹ trên biển Đông. Tất cả những động thái này có vẻ như đang khẳng định thuyết “chuyển giao quyền lực” với những tiên liệu về khả năng bùng nổ xung đột giữa hai cường quốc.

Tuy nhiên, khi nhìn nhận sự việc một cách toàn diện hơn, có lý do để tin rằng hợp tác (thay vì xung đột) sẽ là giai điệu chính cho bản hợp ca Mỹ - Trung của thế kỷ 21 mặc dù cạnh tranh sẽ tiếp tục, đôi khi ở mức độ quyết liệt. Hai cường quốc quả thật đã được gắn chặt với nhau trong một mối quan hệ cộng sinh trên nhiều lĩnh vực như tài chính và thương mại. Trung Quốc hiện là nước nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ nhiều nhất với hơn 1000 tỷ USD. Năm 2008, thương mại hai chiều đạt tới hơn 400 tỷ USD. Do đó, xung đột sẽ chỉ tạo ra các tổn thất to lớn cho những quan hệ mang tính ràng buộc lẫn nhau này.

Hơn nữa, mặc dù chưa hoàn thiện và không phải lúc nào cũng đạt được hiệu quả như mong đợi, các thể chế luật pháp quốc tế cũng như các tổ chức quốc tế đang ngày càng đóng góp nhiều hơn trong việc duy trì hòa bình quốc tế. Việc lên án các hành vi hiếu chiến, vi phạm luật pháp quốc tế đang trở thành một tập quán được cộng đồng quốc tế thừa nhận.

Trong bối cảnh quan hệ quốc tế đầu thế kỷ 21, Trung Quốc sẽ vươn lên địa vị của một nước lớn, một trung tâm quyền lực của thế giới. Nhưng khả năng xảy ra xung đột theo như thuyết “chuyển giao quyền lực” dự liệu có thể nói là không cao. Mặc dù có những va chạm như đã nêu trên, phản ứng của Trung Quốc vẫn tỏ ra hết sức kiềm chế. Trong khi đó, quan hệ song phương giữa hai cường quốc đang ngày càng được thắt chặt trên nhiều lĩnh vực kinh tế - thương mại. Đây cũng là yếu tố góp phần đưa quan hệ Mỹ - Trung trong thế kỷ này vào quỹ đạo hợp tác và cạnh tranh trong cùng tồn tại hòa bình.

  • Phạm Huy Trung
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,