Mặc dù vẫn có nhiều người hy vọng rằng Trung Quốc sẽ góp phần kéo thế giới ra khỏi khủng hoảng, nhưng những công ty nước ngoài vẫn thấy không hề bớt gian nan khi bắt tay kinh doanh tại nước này.
Các công ty nước ngoài vẫn phàn nàn về môi trường kinh doanh tại Trung Quốc. Ảnh minh họa (Ảnh: Tạp chí phố Wall) |
Paul French, người đứng đầu công ty nghiên cứu Access Asia có trụ sở tại Thượng Hải, nói, cùng một công ty vẫn đều đặn mua cùng loại báo cáo từ công ty ông về thị trường đối với một sản phẩm cụ thể nào đó tại Trung Quốc. Điều đó là vì, mỗi năm, công ty đó lại cử một giám đốc điều hành mới tới Trung Quốc với chỉ thị phải xâm nhập thị trường nội địa nước này, nhưng rồi họ lại phải ra đi trong thất vọng vì không thể thấy một cánh cửa nào, vì thời gian (ngắn) và nguồn lực (thiếu hụt) không cho phép.
Khách hàng của French không phải là trường hợp hiếm gặp. IMS, một công ty nghiên cứu khác ước tính Trung Quốc chiếm không quá 2% tổng doanh thu toàn cầu của các hãng dược phẩm lớn như AstraZeneca và Bayer. Procter & Gamble (P&G), người khổng lồ chuyên kinh doanh hàng hóa tiêu dùng, được cho là chỉ có được doanh thu khoảng hơn 3 tỷ USD hàng năm tại Trung Quốc, ít hơn 5% so với mức doanh thu chung. Unilever cũng chỉ bán được bằng một nửa con số trên toàn cầu; kinh doanh của hãng tại Trung Quốc hiếm khi có lãi. AIG, một công ty bảo hiểm Mỹ, được thành lập tại Thượng Hải, và có được khả năng tiếp cận Trung Quốc tốt hơn nhiều đối thủ khác. Nhưng, hoạt động của AIG vẫn chỉ được giới hạn ở 8 thành phố. Các nhà phân tích cũng nghi ngờ rằng doanh thu của AIG tại Trung Quốc còn thấp hơn tại Đài Loan, với dân số chỉ bằng 2% dân số Trung Quốc và cạnh tranh khốc liệt hơn.
Lời hứa, và thường là sự thất vọng, về khả năng kinh doanh tại Trung Quốc vẫn là chủ đề chính ở phương Tây. Vì suy thoái đang diễn ra trong nước, các công ty nước ngoài có vẻ tỏ ra quan tâm đầu tư vào sự tăng trưởng của Trung Quốc hơn bao giờ hết. Nhưng xuất khẩu của châu Âu và châu Mỹ sang Trung Quốc vẫn không có nhiều tiến triển trong năm qua, và chỉ bằng không quá 7% tổng doanh thu, ngay cả khi xuất khẩu tới các quốc gia khác cũng suy giảm nhiều hơn. Ngay cả khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với mục tiêu chính thức 8% năm nay, thì ảnh hưởng đối với doanh thu chung của các công ty phương Tây vẫn không đáng kể, ngay cả ở con số làm tròn, Ronald Schramm, giảng viên thính giảng tại Trường Kinh doanh quốc tế châu Âu tại Trung Quốc, nói.
Dĩ nhiên, cũng có nhiều công ty nước ngoài làm ăn tốt tại Trung Quốc, đặc biệt là hai cực của chuỗi giá trị: một cực là những hàng hóa như hàng xa xỉ, cáp quang và máy bay cỡ lớn, còn cực kia là dầu lửa, quặng, và các chất tái chế được. Nhưng ở giữa, cả những khó khăn do pháp luật hay những rào cản chìm tiếp tục cản trở việc tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc, mặc dù chính phủ Trung Quốc vẫn hứa sẽ cải cách khi tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2001. Ở Trung Quốc, các công ty nước ngoài vẫn bị hạn chế đối với một số ngành như xuất bản, viễn thông, thăm dò dầu lửa, tiếp thị, dược phẩm, ngân hàng và bảo hiểm. Thêm vào đó, tham nhũng, bảo hộ và quan liêu vẫn khiến cho các doanh nghiệp nước ngoài gặp nhiều khó khăn ở tất cả các lĩnh vực.
Báo cáo mới đây từ ba tổ chức vận động hành lang cho các doanh nghiệp nước ngoài, gồm Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Thượng Hải, Phòng thương mại châu Âu tại Trung Quốc, và Ủy ban kinh doanh Mỹ-Trung, đã xác nhận những thông này. Lời phàn nàn lớn nhất lại không có liên quan gì tới những vấn đề kinh doanh bình thường như nguồn lao động lành nghề, hay chi phí cao. Thay vào đó, họ phàn nàn về cạnh tranh có trợ cấp, hạn chế tiếp cận thị trường, những quy định mâu thuẫn nhau, và thiếu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, không minh bạch và quan liêu.
Để hoạt động tại Trung Quốc, thì hội đồng này phải có được giấy phép từ Bộ Ngoại giao Mỹ, đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, chính quyền phụ trách thuế các thành phố Washington và Thượng Hải và các ngành địa phương của Cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại. Phải mất 6 tháng mới có được tấm giấy phép có giá trị một năm. Ít nhất cũng có một thủ tục được thông qua, mặc dù vẫn còn đắt đỏ và cồng kềnh. Những thủ tục khác thì không được như vậy: theo cam kết gia nhập WTO, Trung Quốc đồng ý cho phép các doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh để cung cấp hệ thống đặt vé với các hãng hàng không địa phương, nhưng theo Phòng thương mại châu Âu, thì chính phủ lại không đưa ra những quy định cần thiết.
Quan chức địa phương đã bảo vệ những công ty trong phạm vi của mình, thường bằng cách đưa ra những cách tiếp cận thiên vị về đất đai hay tín dụng, hay bằng việc làm giảm những thủ tục hành chính với những công ty ấy. Vì chính phủ kiểm soát truyền thông nên họ cũng kiểm soát tỷ lệ quảng cáo. Điều đó cũng khiến chi phí tiếp cận khách hàng Trung Quốc cao hơn ở nhiều quốc gia phương Tây, mặc dù nhìn thoáng qua, chi phí ấy có thể sẽ rất thấp bởi Trung Quốc còn nghèo hơn nhiều những nước kia, Tom Doctoroff, giám đốc công ty quảng cáo JWT, nói.
Các công ty thành công trong việc khắc phục những khó khăn thường có xu hướng sản xuất mang tính địa phương tại Trung Quốc. Sản phẩm của họ được cho là có chất lượng cao (ít người nước ngoài thành công bằng việc cắt giảm giá) và họ đã đầu tư lớn về thời gian và công sức để xây dựng mạng lưới phân phối và tăng cường nhận biết thương hiệu. Hãng Take Goodyear, nhà sản xuất lốp xe phải tìm kiếm các đối tác địa phương cho tất cả 760 đại lý tại Trung Quốc, những người chính họ cũng phải có được sự cho phép từ chính quyền.
Ngoài ra cũng phải tính đến nhu cầu của người Trung Quốc. Khách hàng Trung Quốc có sở thích với hàng hóa đa dạng hơn hầu hết người khác. P&G sản xuất thương hiệu kem đánh răng Crest có nhiều mùi thơm, bao gồm chanh, trà, dâu tây, muối, mật ong. Sự đa dạng tương tự cũng có ở Nokia, nhà sản xuất các thiết bị cầm tay lớn nhất thế giới.
Một chiến lược đem lại thành công cho một số doanh nghiệp nước ngoài là luôn tính giá cao. Nhưng như thế còn hơn là không thể hoạt động dù cho có một điều bất ngờ là doanh thu của họ vẫn khá thấp. Cuộc khảo sát của công ty Nielsen đã kết luận rằng người Trung Quốc tin rằng các thương hiệu nước ngoài phải đắt hơn, ngay cả khi những thứ hàng đó thực tế không đắt như thế. Điều đó có nghĩa là họ nên theo đuổi mục tiêu cạnh tranh chất lượng hơn là chi phí. Ở bất cứ khía cạnh nào, Apple, General Motors và Levi Strauss, tất cả đều bán những sản phẩm nhất định ở mức giá cao hơn tại Trung Quốc hơn những nơi khác. Những nhãn hiệu hàng xa xỉ khác cũng vậy. Nhưng vẫn tương đối ít các công ty nước ngoài thành công với chiến lược như thế.
- Đình Ngân (Theo Economist)