Mỹ và Trung Quốc có thể đang cần đến nhau nhưng đến bao giờ hai nước này mới có thể đạt được sự tin tưởng?
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (trái) và Tổng thống Mỹ Barrack Obama (Ảnh: The Economist) |
Đã hơn 100 năm sau khi Theodore Roosevelt đưa ra lời tiên tri rằng, các nhà lãnh đạo Mỹ sẽ lại trông vào Thái Bình Dương để quyết định tương lai của chính đất nước mình, và của phần còn lại của thế giới. Tuy muộn hơn so với Roosevelt suy đoán, Trung Quốc đang trở thành một phần không thể không tính đến của khu vực này.
Hãy trở lại năm 1905, khi Mỹ trỗi dậy trở thành một cường quốc. Anh, khi đó là nước có "uy quyền" trên thế giới, cũng lo ngại về việc mất đi ưu thế đối với "kẻ đang lên". Giờ đây, đến lượt Mỹ tỏ ra không thoải mái với sự vươn lên của mối thách thức tiềm tàng. Những di sản chính trị và văn hóa tương đồng khiến Mỹ có thể làm lu mờ sức mạnh của Anh mà không cần đổ máu, nhưng sự trỗi dậy của Đức và Nhật cuối cùng lại dẫn đến cuộc chiến toàn cầu. Còn hiện tại, Tổng thống Obama đang phải đối diện với một Trung Quốc trở nên giàu mạnh hơn.
Với việc kinh tế Mỹ còn đang vật lộn với khủng hoảng, trong khi Trung Quốc lại tiến nhanh từng ngày (dù không bằng so với trước khủng hoảng), nhiều chính trị gia và nhà nghiên cứu ở cả Trung Quốc và Mỹ đều cảm thấy rằng "cán cân quyền lực" có vẻ đang nghiêng nhanh về phía Trung Quốc. Nhưng ở thời điểm này, vấn đề người ta thường nhắc đến là sự đối đầu hay hợp tác có thể giúp giải quyết các vấn đề quốc tế, từ tài chính cho tới biến đổi khí hậu hay phổ biến hạt nhân hay không?
Trong tay họ có những gì?
Sắp tới, ông Obama sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc. Ông và người đồng nhiệm phía Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đều nhấn mạnh tầm quan trọng phải hợp tác và tránh thổi phồng các tranh chấp thương mại, đồng thời hai bên đều tỏ ra lo ngại rằng những thất bại trong hợp tác có thể sẽ khiến tình hình tồi tệ còn đi xa hơn. Thế nhưng, sự hợp tác gần đây lại khiến không ít người liên tưởng đến cuộc chiến tranh lạnh mang đặc điểm của thời đại mới.
Lực lượng quân sự của Trung Quốc trong thập kỷ qua phát triển không kém phần mạnh mẽ so với tăng trưởng kinh tế của nước này, lại được xúc tác bởi vấn đề gai góc của Đài Loan. Còn ở Mỹ, ngày càng có nhiều người tỏ ra lo ngại rằng sức mạnh quân sự của Trung Quốc có thể thách thức ưu thế của Mỹ ở châu Á, dù cho Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng không có lý do gì để người Mỹ phải lo ngại. Ngày 1/10, Trung Quốc đã có cuộc trình diễn sức mạnh đang lên của mình trên khắp Bắc Kinh trong buổi lễ mừng quốc khánh - sự kiện tốn không ít giấy mực của báo chí Mỹ.
Về mặt kinh tế, cuộc khủng hoảng tài chính lại càng làm sâu sắc thêm những gì người Mỹ thường xem là đe dọa tiềm tàng khác. Trung Quốc trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ thông qua việc mua trái phiếu chính phủ Mỹ, điều mà về lý thuyết có thể cho phép nước này có những tác động nhất định đến nền kinh tế Mỹ. Dù vậy, Mỹ vẫn tin vào hiệu ứng phá hủy giá trị rằng, nếu xảy ra hiện tượng mất giá quá mạnh của đồng đôla thì lượng dự trữ đô la của Trung Quốc sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Khi Lawrence Summers còn là hiệu trưởng đại học Harvard (giờ ông là cố vấn kinh tế cấp cao của Obama), ông từng nhắc tới "sự cân bằng quan ngại từ hai phía" giữa Mỹ và những chủ nợ nước ngoài, mà cơ bản là Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 2004, lượng dự trữ ngoại tệ của Nhật còn gấp 4 lần của Trung Quốc. Đến tháng 9/2008, Trung Quốc đã leo lên vị trí dẫn đầu. Tờ China Daily, tờ báo chính thức bằng tiếng Anh viết hồi tháng 7 rằng lượng dự trữ khổng lồ trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ có nghĩa là nước này có thể phá vỡ vị thế đồng tiền dự trữ quốc tế của đôla ở bất cứ thời điểm nào. Nhưng, tờ báo cũng lưu ý rằng thực tế, đó là dạng ngoại hối của sự bế tắc kiểu chiến tranh lạnh dựa trên lý thuyết "đảm bảo tiêu diệt lẫn nhau".
Trung Quốc đang nhặt nhạnh những "mạnh vụn" của nền kinh tế toàn cầu với hy vọng tăng tốc cho sự trỗi dậy của mình. Một số nhà bình luận còn chỉ ra tấm gương Liên Xô từng khai thác sự xáo trộn của kinh tế phương Tây trong suốt cuộc Đại suy thoái để có được sự phát triển công nghệ công nghiệp từ những người phương Tây tuyệt vọng. Trung Quốc từ lâu đã không hài lòng với việc kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao của Mỹ, những thứ có thể được sử dụng cho mục đính quân sự.
Cuộc khủng hoảng kinh tế chỉ làm chậm chút ít tăng trưởng đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc. Stephen Green từ ngân hàng Standard Chartered dự đoán, năm nay con số có thể vẫn ngang bằng với mức năm 2008 (gần 56 tỷ USD, tức là gần gấp đôi năm trước đó). Một số người Mỹ lo ngại về FDI của Trung Quốc, như từng nhận định với sự gia tăng đồng vốn của Nhật, nhưng nhiều người sẽ vẫn chào đón sự ổn định và việc làm mà những khoản đầu tư tạo ra.
Trung Quốc đang trở nên mạnh mẽ hơn về mặt tài chính, dù có thể sẽ còn lâu mới trở thành được một nhà đổi mới và sáng tạo các nhãn hiệu toàn cầu về mặt công nghệ. Tuy nhiên, trong tương lai, có thể Mỹ sẽ phải quen với sự có mặt nhiều hơn của Trung Quốc trên đất của mình, trong đó còn bao gồm cả một số "mảnh đất thiêng liêng" như ngành chế tạo ô tô. Người Trung Quốc cũng có thể bước vào không gian mạnh và nhanh hơn người Mỹ khi có dự đoán số vệ tinh của Trung Quốc sẽ tăng nhanh trong những năm tới.
Ở thời điểm hiện tại, nhiều người Trung Quốc, trong đó có cả những sinh viên tốt nghiệp ở Mỹ, luôn tỏ ra nghi ngờ dụng ý và tỏ thái độ trước quyền lực của Mỹ. Có sự thống nhất lớn giữa nhiều người rằng, phương Tây - đứng đầu là Mỹ - muốn ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc. Dù cho những suy nghĩ này có thể sẽ không trở thành ý thức hệ ngăn cách hai bên, ít nhiều nó cũng khiến sự xích lại gần nhau giữa hai cường quốc thêm chút gian nan.
Về mặt chính trị, ở Trung Quốc đang hướng đến một giai đoạn nhiều thử thách khi sắp diễn ra những thay đổi về mặt lãnh đạo vào năm 2012 và 2013. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo cùng nhiều chính trị gia cấp cao khác sẽ hết nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đang phải giải quyết những vấn đề trong nước quan trọng như tham nhũng tràn lan, tội phạm phát triển. Còn ở Mỹ, năm 2012 cũng sẽ là năm diễn ra bầu cử tổng thống. Các cuộc chiến tranh, kinh tế khó khăn trong nước là những vấn đề ảnh hưởng tới sức mạnh của Mỹ. Như thế, liệu sự hợp tác có thể là toàn tâm toàn ý?
Ngày 1 tháng Giêng là kỷ niệm 30 năm ngày nối lại quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc, sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chiến tranh lạnh. Những lợi ích kinh tế có vẻ đang được đặt lên hàng đầu. Cùng với đó, hai bên còn muốn giải quyết các vấn đề chung như bệnh dịch và khủng bố. Tuy nhiên, có vẻ trong sự hợp tác vẫn còn nhiều sự dè chừng. Một quan chức cấp cao Mỹ từng nói rằng, một số trong những thỏa thuận giữa nước ông với Trung Quốc giống như những thỏa thuận với Liên minh châu Âu, trong khi một số khác lại giống như với Liên Xô.
- Đình Ngân (Theo The Economist)