- Có thể thấy rõ, trong chiến lược triển khai sức mạnh mềm trên toàn thế giới, ba khu vực mà Trung Quốc nỗ lực tập trung trong thời gian qua là: Đông Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Riêng đối với châu Phi - nơi tập trung nhiều nước đang phát triển, lại giàu năng lượng và nguyên liệu thô, nhất là dầu mỏ, được Trung Quốc đặc biệt coi trọng và xem là một thị trường đầy tiềm năng với sức tiêu thụ mạnh trong tương lai.
Trang trại hữu nghị do Trung Quốc xây tại Zambia. (Ảnh: lidc.org.uk)
Quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi đã có lịch sử hơn nửa thế kỷ và liên tục phát triển trong những năm gần đây. Đặc biệt, kể từ khi thành lập Diễn đàn Hợp Tác Trung - Phi (FOCAC) năm 2000, Trung Quốc đã thực hiện những bước đi quan trọng nhằm khẳng định vị trí vững chắc tại châu lục này. Trước hết, phải nói đến sự coi trọng và tăng cường mối quan hệ hợp tác Trung – Phi của Chính phủ Trung Quốc. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào - Nhà lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc - kể từ khi nhậm chức năm 2003 đến nay, đã thực hiện tới 4 chuyến công du sang châu Phi. Đó là, năm 2004 viếng thăm Ai Cập, Gabon và Algeria; năm 2006 thăm Maroc, Nigeria và Kenya; năm 2007 thăm Cameroon, Liberia, Sudan, Zambia, Namibia, Nam Phi, Mozambique và Seychelles; năm 2009 thăm Mali, Senegal, Tanzania và Mauritius.
Chính phủ Trung Quốc coi quan hệ bền vững với châu Phi là nét nổi bật trong chính sách ngoại giao của mình. Tháng 11 năm 2006, tại Diễn đàn hợp tác Trung – Phi, trước sự hiện diện của lãnh đạo 48 nước châu Phi, Trung Quốc đã tuyên bố xóa nợ hàng chục tỉ USD cho nhiều nước nghèo ở châu Phi và đưa ra đề nghị gồm 8 điểm nhằm giúp châu Phi phát triển. Với những chương trình viện trợ, cố vấn, cung cấp chuyên gia (khoảng 100.000 chuyên gia hiện đang có mặt tại các nước châu Phi), triển khai hơn 900 dự án đầu tư xây dựng sân vận động, đường sá, bệnh viện và trường học, Trung Quốc đã tìm được con đường thuận lợi thâm nhập thị trường mới đầy tiềm năng này.
Trung Quốc cũng thực hiện cam kết mở cửa thị trường của mình đối với châu Phi, đào tạo chuyên gia và lập quỹ dành cho việc phát triển nhân lực tại châu Phi. Thực tế cho thấy hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc với châu Phi đang ở giai đoạn phồn thịnh, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đã tăng vọt trong những năm gần đây. Năm 2008, kim ngạch trao đổi thương mại song phương đạt 106,8 tỉ USD, tăng 45,1% so với năm 2007. Những dự án do Trung Quốc đầu tư xuất hiện khắp "lục địa đen”. Đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi đã tăng từ 1 tỷ USD năm 2001 lên gần 6 tỷ USD năm 2007, trở thành nguồn vốn đầu tư nước ngoài số 1 tại châu lục này.
Để tăng cường sức cạnh tranh và mở rộng việc xuất khẩu hàng hóa của các nước châu Phi tại thị trường Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc cũng đã dành ưu đãi với thuế suất 0% cho một số sản phẩm của các nước kém phát triển nhất của châu Phi. Thông tin từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, hiện nay Trung Quốc có quan hệ thương mại với gần hết 53 nước châu Phi. Từ năm 2000 đến nay, hàng năm kim ngạch thương mại Trung Quốc - Châu Phi đều tăng trên 30%.
Bên cạnh việc đẩy mạnh hợp tác kinh tế, Trung Quốc cũng muốn dùng ảnh hưởng văn hóa để tạo dựng một hình ảnh phát triển thân thiện, mong muốn xây dựng một thế giới hài hòa cùng phát triển. Tiếp sau việc tổ chức thành công hoạt động giao lưu văn hóa “Hội tụ văn hóa Châu Phi 2008”, diễn ra tại Thâm Quyến vào tháng 10 – tháng 11 năm 2008, tháng 4 năm nay, Bộ Văn hóa Trung Quốc đã kết hợp với Cục Phát thanh – Điện ảnh – Truyền hình tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa với quy mô lớn mang tên: “Hội tụ văn hóa Trung Quốc 2009” tại 20 quốc gia ở châu Phi (Ai Cập, Ethiopia, Benin...). Hoạt động giao lưu văn hóa này diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 4 - 10 năm 2009, bao gồm các tiết mục biểu diễn đặc sắc của các đoàn nghệ thuật và võ thuật Trung Quốc, triển lãm sách và tuần lễ phim Trung Quốc…
Một thực trạng đáng lưu ý nữa, đó là, làn sóng văn hoá Trung Quốc đang tràn sang châu Phi thông qua hình thức các trung tâm dạy Hán ngữ. Theo thống kê của Bộ Giáo dục Trung Quốc, hiện có khoảng 8.000 sinh viên châu Phi đang học Hán ngữ và con số này vẫn không ngừng tăng lên. Trung Quốc đã trợ giúp các quốc gia châu lục này xây dựng nhiều trung tâm dạy Hán ngữ, cung cấp sách giáo khoa cùng các phương tiện khác dành riêng cho việc dạy và học ngôn ngữ của họ. Chỉ trong hai năm gần đây đã có 50 trường thuộc 16 quốc gia châu Phi mở lớp dạy tiếng Hán. Trung Quốc đã dành 18.000 suất học bổng cho sinh viên thuộc 50 quốc gia châu Phi. Hán ngữ và võ thuật Trung Quốc (Kungfu) đã và đang trở nên ngày một gần gũi với người dân nhiều quốc gia ở châu Phi.
Cho đến nay, trên thế giới tuy vẫn còn một số quan điểm khác nhau về sự hiện diện ngày càng lớn của Trung Quốc tại châu Phi, nhưng quan điểm của châu Phi về việc này là tương đối tích cực.
Trung Quốc được xem như một mô hình hiện đại hoá, đáp ứng được các nhu cầu của châu Phi tốt hơn các đối tác phương Tây và cung cấp các sản phẩm hàng hoá tiêu dùng phù hợp hơn với túi tiền của người dân châu Phi. Rõ ràng, sau nửa thế kỷ dành mối quan tâm đặc biệt thông qua hợp tác kinh tế, thương mại, viện trợ, đầu tư và các hoạt động văn hóa, Trung Quốc đã khẳng định rõ vai trò và ảnh hưởng đáng kể của mình trên mảnh đất châu lục đen.
-
Bích Thu (Tổng hợp)