- Phát biểu tại lễ duyệt binh nhân dịp 60 năm Quốc khánh Trung Quốc (1/10), Chủ tịch Hồ Cẩm Đào khẳng định, nước này sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập vì hòa bình nhằm duy trì nền hòa bình và thịnh vượng chung của thế giới.
Trung Quốc trình diễn tên lửa hạt nhân. (Ảnh: THX)
Ông tuyên bố, Trung Quốc cũng sẽ theo đường lối phát triển hòa bình và quan hệ thân thiện, hợp tác với tất cả các nước trên cơ sở 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình. Đó là tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không xâm lược lẫn nhau, không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nhau, quan hệ bình đẳng - cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình.
Nhưng lễ duyệt binh chào mừng quốc khánh của Trung Quốc lại cho người ta một cảm giác không an toàn khi nước này “phô trương” vô số những loại vũ khí quân dụng hạng nặng tối tân, làm “hoa mắt” cả thế giới, gây “e ngại” cho một số siêu cường quân sự trên phạm vi toàn cầu.
Sức mạnh quân sự Trung Quốc đã trỗi dậy?
Trong những năm 90 của thế kỷ 20, quân đội Trung Quốc mới chỉ là một đoàn quân chủ yếu là nông dân được trang bị những vũ khí thô sơ do Liên Xô sản xuất, nay Trung Quốc đã có tới 2,3 triệu quân, trở thành đội quân lớn nhất thế giới. Với quân lực hùng mạnh, Trung Quốc hiện đang tập trung chủ yếu vào phát triển hải quân và không quân.
Trung Quốc mua 12 tàu ngầm loại Kilo chạy bằng động cơ Diesel và 4 tàu khu trục loại Sovremenny do Liên bang Nga mới chế tạo, trang bị hỏa tiễn bay ngang và bay nhanh hơn tốc độ âm thanh để đánh các đội hàng không mẫu hạm tác chiến. Hiện Trung Quốc có 200 máy bay phản lực chiến đấu của Liên bang Nga loại Su-27 và Su-30.
Trong dịp triển lãm đánh dấu 80 năm thành lập quân đội Trung Quốc (ngày 1/8/2007), Viện Bảo tàng Quân đội tại Bắc Kinh cho trưng bày hình ảnh của một loại tàu ngầm nguyên tử tấn công lớp 093 Shang (Thương), do Trung Quốc chế tạo. Tàu ngầm này giúp hải quân Trung Quốc có thể đi xa vào Thái Bình Dương và tấn công các hàng không mẫu hạm của Mỹ trước khi họ đến gần bờ biển Trung Quốc. Năm nay, Trung Quốc thông báo tăng cường mạnh cho hải quân của lực lượng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) với 225.000 thủy thủ, có nhiều tàu ngầm hơn bất kỳ quốc gia nào ở châu Á, với 10 tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân và 60 tàu chạy bằng điện diesel, ngoài ra còn có khoảng 80 tàu khu trục và chiến hạm, cùng hàng trăm tàu nhỏ và tàu trợ giúp.
Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt, quân đội nước này hiện có hầu hết các hệ thống vũ khí tinh vi giống như trong các kho vũ khí của các nước phát triển phương Tây. Nhiều hệ thống của Trung Quốc, kể cả máy bay chiến đấu J-10, xe tăng thế hệ mới nhất, tàu khu trục hải quân, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa hành trình… sánh ngang với các nước phương Tây. Ông nhấn mạnh: “Đây là những thành tựu phi thường nói lên mức độ hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc và là sự thay đổi lớn về trình độ kỹ thuật của đất nước Trung Hoa”.
Sự lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc phụ thuộc lớn vào vấn đề đầu tư tài chính. Theo tuyên bố của Bắc Kinh, trong hơn 15 năm qua, Trung Quốc đã tăng gấp đôi chi tiêu quân sự. Năm 2009, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là 70,3 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2008. Nhưng các quan chức Mỹ cho rằng, con số thực thế lên đến 139 tỷ USD. Điều đó tạo ra làn sóng lo ngại trước sức mạnh quân sự Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Trung Quốc dường như đang thổi phồng sức mạnh quân sự của mình. Nga cho rằng, quân đội Trung Quốc còn lạc hậu, làm mất đi hình ảnh "nước lớn". Theo tiết lộ từ phía Liên bang Nga sau cuộc thao dược năm 2005, Trung Quốc còn phải học hỏi nhiều, nhất là về kỹ thuật phối hợp binh chủng, thiết giáp chậm và phương tiện liên lạc còn thô sơ.
Điều tra của Thời báo Hoàn Cầu (ấn phẩm của Nhân dân nhật báo Trung Quốc) gần đây cho thấy, có 87,8% số phiếu được hỏi cho rằng quân sự của Trung Quốc hiện nay không ngang bằng với trình độ phát triển của Trung Quốc, cũng không đáp ứng nhu cầu an ninh quốc gia nước này. Có tới 95,6% số người được hỏi cho rằng so với một quốc gia đông dân nhất thế giới và kim ngạch xuất nhập khẩu lớn thứ hai thế giới, chi phí đầu tư cho quân đội của Trung Quốc cho dù là đứng thứ hai thế giới nhưng cũng không khiến người ta kinh ngạc.
Trung Quốc đã tổ chức cuộc diễu binh quân sự lớn nhất trong một thập niên để thể hiện sức mạnh quân sự sau 20 năm nỗ lực cải tổ và phát triển. (AP)
Hiện nay quân đội Trung Quốc vẫn chỉ được trang bị loại tăng 59 và 69 đã được cải tiến, mà ít được trang bị loại tăng 98 tiên tiến. Phần lớn máy bay chiến đấu của Trung Quốc được sản xuất từ những năm 70 của thế kỷ trước.
Theo đánh giá của Nga, một nguyên nhân khiến Trung Quốc tăng cường đầu tư cho quân đội là do nước này đang thực thi kế hoạch phát triển tốn kém liên quan tới sức mạnh hạt nhân chiến lược và hải quân, bao gồm tên lửa đạn đạo “DF-31” loại di động hiện đại, xây dựng tàu ngầm hạt nhân, hàng không mẫu hạm và hệ thống thông tin chiến lược. Ngoài ra, việc Nhật Bản và Hàn Quốc đang ráo riết tăng đầu tư quân sự, khiến Trung Quốc không khỏi bị tác động.
Hiện, Trung Quốc mới chỉ mạnh ở khâu kỹ thuật quân sự, nhưng còn yếu ở nhiều mặt khác như huấn luyện và khả năng phối hợp binh chủng, tình báo, kinh nghiệm chiến trường và tinh thần binh sĩ.
Vai trò gìn giữ hòa bình?
Một mặt Trung Quốc luôn tuyên bố sử dụng quân đội để gìn giữ hòa bình thế giới cũng như bảo vệ lãnh thổ quốc gia, không dùng quân sự để xâm lược hay đàn áp nước ngoài, mặt khác một số hành động quân sự gần đây cho thấy điều ngược lại. Tàu của Trung Quốc nhiều lần quấy nhiễu các tàu giám sát của hải quân Mỹ để thu thập thông tin tình báo từ bên ngoài bờ biển Trung Quốc.
Các nước ASEAN ngày càng tỏ thái độ nghi ngờ về ý đồ của Trung Quốc khi nước này liên tiếp có những hoạt động quân sự rầm rộ ở biển Đông. Theo tờ New Delhi của Ấn Độ, ngày 31/7, Trung Quốc đang chuẩn bị tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn nhất trong những năm gần đây vào cuối năm nay nhằm vào vùng biển này. Cuộc tập trận mang mật danh “Kuayue” (bước đột phá) sẽ kéo dài trong 2 tháng với sự tham gia của 60.000 phương tiện cơ giới và bao trùm khu vực có diện tích khoảng 50.000km2, với mục đích “phô trương thanh thế” với những nước đang có tranh chấp trên biển Đông với Trung Quốc.
Đầu năm 2007, Trung Quốc đã bị chỉ trích mạnh mẽ khi phóng tên lửa đạn đạo, phá hủy một vệ tinh. Điều đó khiến dư luận thế giới đặt dấu hỏi về ý đồ của Trung Quốc. Mỹ cũng tố cáo đại lục dính dáng tới nhiều vụ tấn công vào hệ thống máy tính của các bộ Ngoại giao, Thương mại và Quốc phòng nước này. Trung Quốc còn bị cho là có các hoạt động tình báo điện tử nhắm vào các công ty Anh quốc cũng như các cơ quan khác tại Pháp, Đức, Hàn Quốc và Đài Loan.
Trung Quốc đang hiện đại hóa hệ thống vũ khí nguyên tử của họ và tiếp tục nhấn mạnh đến chính sách “không sử dụng trước” vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ông Henry Sokolski, chuyên gia về không phổ biến hạt nhân, khi ra điều trần trước Ủy ban Theo dõi An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung năm 2008, đã nói rằng nếu như Trung Quốc đẩy mạnh triển khai vũ khí hạt nhân, thì Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng sẽ theo đó khởi động các chương trình hạt nhân.
Mối lo ngại của Washington là Trung Quốc quả quyết triển khai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân DF-31 sử dụng nhiên liệu rắn, thay thế loại tên lửa cũ dùng nhiên liệu lỏng. Tên lửa DF-31 giúp cho Trung Quốc có khả năng đánh trả chính xác, đáp lại một cuộc tấn công hạt nhân với sự trả đũa mạnh mẽ bằng vũ khí nguyên tử.
Phương Tây rất tán thành việc Trung Quốc đóng góp vào hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc. Nhưng những đóng góp này không cho thấy khả năng quân sự đặc biệt gì của họ. Trong số 1.600 quân nhân Trung Quốc tham dự vào lực lượng Liên hợp quốc ở một số quốc gia, đa số chỉ làm nhiệm vụ về hậu cần, y tế và vận chuyển.
-
Quang Minh (Tổng hợp)