Có lẽ không ở nơi nào tại châu Á, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Bắc Kinh lại được theo dõi sát sao hơn ở New Delhi. Trước chuyến thăm của Obama, nhiều nhà phân tích Ấn Độ vẫn kêu gọi Obama truyền tải thông điệp thẳng thắn tới Trung Quốc, để ủng hộ lợi ích hợp pháp của Ấn Độ trên trường châu lục.
Từng bước đi của Obama ở Trung Quốc đều khiến New Delhi phải quan tâm. (Ảnh: Reuters/david-kilgour.com) |
Tuy nhiên, theo nhiều báo cáo, Obama có vẻ lại đang theo đuổi quan điểm trung lập về các vấn đề như tranh chấp Ấn-Trung đối với bang Arunachal Pradesh mà Ấn Độ vẫn tuyên bố chủ quyền.
Lẽ tự nhiên, các quan chức Ấn Độ phải lo lắng về những gì họ thấy là sự thụt lùi trong cam kết của Mỹ với liên kết chiến lược Ấn-Mỹ. Thậm chí trong một số trường hợp xấu nhất, có người còn so sánh hoàn cảnh hiện tại với những năm 1970, khi một thay đổi trong chính quyền Mỹ lập tức thể hiện ra ngoài bằng sự quay lại đột ngột về phía Trung Quốc mà "bỏ rơi" Ấn Độ.
Trong suốt nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã trở nên quen với những hỗ trợ kịp thời của Chính phủ Mỹ trong một số vấn đề có tầm quan trọng về địa chính trị. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ và chính quyền Washington mới giờ đây đang khiến New Delhi có cảm giác bị phản bội.
Quan điểm rụt rè của Mỹ đối với Tây Tạng đang làm New Delhi không thể không suy nghĩ. Với Ấn Độ, việc Obama từ chối gặp Dalai Lama ở Washington trước chuyến thăm tới Trung Quốc là cả một nỗi thất vọng cho những người Tây Tạng lưu vong, những người đã luôn trông đợi, dù chỉ là chút mảy may, từ đất nước vẫn được cho hùng mạnh nhất thế giới kia. Ấn Độ sẽ tự nhủ rằng, Mỹ không còn ở vị trí thậm chí chỉ để đưa ra những những động thái mang tính biểu tượng để để ủng hộ New Delhi nữa, huống hồ đây lại là chuyện "làm phiền" Trung Quốc.
Bên cạnh đó là quan điểm trung lập của Obama đối với cuộc tranh chấp biên giới Trung-Ấn... Việc Mỹ từ chối tham gia tập trận chung ở Arunachal Pradesh đã tỏ rõ chính sách mới của Mỹ. Tương tự, cuộc thao diễn hải quân nhiều nước tại châu Á Thái Bình Dương - gồm những nước như Nhật Bản và Singapore cũng như Ấn Độ và Mỹ - giờ đây đã không còn nữa.
Thậm chí, Mỹ còn có thể sẽ có động thái thay đổi chương trình khung đối với hợp tác hạt nhân với Ấn Độ một lần nữa. Có vẻ như Mỹ muốn Ấn Độ "ưng thuận" với điều khoản không phổ biến làm điều kiện tiên quyết đối với các giao dịch hạt nhân với các công ty lớn của Mỹ.
Việc ban hành giấy phép bắt buộc mang tên Part 800, trong đó trao quyền cuối cùng cho Bộ trưởng Năng lượng Mỹ xử lý các công ty Mỹ vì các giao dịch hạt nhân ở nước ngoài, có thể sẽ được tiến hành, tùy thuộc vào việc Ấn Độ có tuân theo phương châm Mỹ trong "học thuyết giải trừ quân bị" mới của chính quyền Obama hay không.
Điều này hiện đang xảy ra, khi có những báo cáo về việc Trung Quốc sẽ đề nghị Obama gây áp lực cho Ấn Độ phải tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện. Điều này đi ngược lại tinh thần của thỏa thuận hạt nhân Ấn-Mỹ, là cơ sở cho cam kết hạt nhân song phương giữa hai nước.
Do đó, chính sách của Ấn Độ cần phải được điều chỉnh để "thích nghi" với sự hay thay đổi của Mỹ cũng như đối với sự thất thường của Trung Quốc. Hai nước này trong bất cứ trường hợp nào cũng đều không thể không liên quan đến nhau.
Hiện tại, "liều thuốc" ngoại giao chủ chốt của Ấn Độ đối với cả hai nước có vẻ chỉ là chính sách "chỉ củ cà rốt" - lôi kéo của Mỹ và Trung Quốc bằng lời hứa về một thị trường Ấn Độ rộng lớn, dù còn nhiều phân đoạn khác nhau. Nhưng đổi lại, Ấn Độ lại đang nhận được rất ít từ cả Trung Quốc và Mỹ. Trong khi Mỹ dưới chính quyền Obama vẫn nỗ lực hạn chế thuê làm ngoài và gây áp lực với các vấn đề khí hậu, thì Trung Quốc lại trở nên hung hăng hơn với các vấn đề biên giới.
Có lẽ, đã đến lúc Ấn Độ gửi tín hiệu tới các nước này rằng, cam kết nhất thiết sẽ có cái giá của nó. Ấn Độ có thể bắt đầu bằng việc nhấn mạnh thực tế rằng chính sách của mình có thể không nhất thiết phải hài hòa với những gì Mỹ và Trung Quốc trông đợi trong vòng cung trải dài từ Afghanistan và Pakistan qua Kashmir và đông Turkestan tới Tây Tạng.
Có quan điểm cho rằng Ấn Độ nên tự thoát khỏi tam giác Ấn-Mỹ-Trung. Ấn Độ nên ngừng bị sử dụng như một "con lắc" trong quan hệ Trung-Mỹ, mối quan hệ rõ ràng quan trọng với mỗi bên hơn với những cam kết riêng rẽ với cá nhân Ấn Độ.
Thập kỷ qua, khi Ấn Độ trở nên có vai trò quốc tế lớn hơn, người ta có cảm giác như các vấn đề quan hệ đối ngoại đáng quan tâm hơn là sức mạnh bên trong của nước này. Thay vì tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển mạnh mẽ quân sự trong nước, sự ổn định của Ấn Độ dường như lại được tạo ra bởi "rạp hát quốc tế" mới.
Thật không may, rạp hát này lại không phải là nơi dễ sinh sống. Thủ tướng Nga, Vladimir Putin, từng khẳng định Ấn Độ là một trong năm nhà nước có chủ quyền thực sự trên thế giới. Đã đến lúc Ấn Độ phải làm gì để không thẹn với danh tiếng đó.
-
Đình Ngân (Theo UPI asia)