Chuyến công du Trung Quốc của ông Obama không giành được mấy sự hợp tác của Trung Quốc trong một loạt những vấn đề Mỹ quan tâm từ vấn đề tiền tệ cho tới hạt nhân Iran.
Tổng thống Obama (trái) gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh. (Ảnh: AP) |
Đó là một tín hiệu cho thấy thay đổi cán cân quyền lực giữa hai nước vốn có một mối quan hệ đầy dè chừng suốt hơn ba thập kỷ qua. “Tôi nhấn mạnh với Tổng thống Obama rằng xét trên những khác biệt giữa hai quốc gia, thì việc chúng ta không nhất trí với nhau trên một vài vấn đề là hoàn toàn bình thường. Điều quan trọng là phải tôn trọng và củng cố những lợi ích và những mối quan tâm chính của nhau”, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nói.
Sau đây là ba bài học chủ chốt rút ra từ chuyến công du của ông Obama.
1. Ngôi sao Trung Quốc đang nổi và ngôi sao Mỹ đang yếu đi, nhưng Mỹ còn “quá mạnh để sụp đổ”
Theo tờ Washington Post, khi Bill Clinton thăm Bắc Kinh cách đây một thập kỷ, Mỹ nợ Tây Ban Nha tiền nhiều hơn Trung Quốc. Nước Mỹ của Tổng thống Obama nợ Trung Quốc khoảng 800 tỉ đô la. Kinh tế của Trung Quốc đang vươn lên lần nữa, trong khi đó nền kinh tế Mỹ vẫn còn uể oải trong nhiều năm. Sự suy thoái kinh tế mạnh mẽ, và sự thất bại của Mỹ trong việc áp đặt ý chí của họ cho hai cuộc chiến tốn kém ở Iraq và Afghanistan, đã khiến lực bẩy toàn cầu của Mỹ chùng lại. Ngày nay, các nước yếu hơn Trung Quốc cũng không chấp nhận vai trò dẫn đầu của Washington. Các trung tâm quyền lực mới của nền kinh tế thế giới đang nổi lên như Brazil, Nga, Ấn Độ và dĩ nhiên là cả Trung Quốc.
Với sức mạnh kinh tế và tầm ảnh hưởng ngày một tăng, Bắc Kinh không chỉ đơn giản có thể từ chối các yêu cầu của Mỹ; mà đang đưa ra yêu cầu riêng của mình cho Mỹ, nước đang có nền kinh tế ràng buộc với Trung Quốc. Ví dụ, các quan chức Mỹ công du cùng ông Obama đã đối mặt với những câu hỏi cụ thể về việc Mỹ dự định lấy tiền đâu ra để chi cho kế hoạch cải tổ y tế, trong khi Trung Quốc bày tỏ lo ngại về sự thâm hụt ngân sách khổng lồ của Mỹ và một diện mạo kinh tế ảm đạm. Điều đáng mừng nhất với Mỹ trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nước nắm giữ khoản nợ 800 tỉ đô la của Mỹ và 2 nghìn tỉ đô la ngoại hối, là đối với Trung Quốc, kinh tế Mỹ còn “quá mạnh để sụp đổ”.
Trong khi hiện tại Mỹ cần Trung Quốc giúp đỡ về kinh tế và những vấn đề địa chính trị, Bắc Kinh ít phụ thuộc vào sự giúp đỡ của Mỹ, mặc dầu họ phản đối các dấu hiệu về chính sách thương mại bảo hộ của Washington. Trong khi đó nhiều ý kiến ở Washington chỉ trích Obama quá tôn kính và để cho Trung Quốc “đạo diễn” chuyến thăm, đó chính là sự thay đổi về cán cân quyền lực buộc Mỹ phải thay đổi cách tiếp cận của mình đối với Trung Quốc.
2. Trung Quốc không muốn điều hành thế giới, nhưng họ có những lợi ích khác Mỹ
Nga có thể bận bịu trong quân cờ địa chính trị với Mỹ nhằm hồi phục vị thế sức mạnh cường quốc đã mất của mình, nhưng Trung Quốc thì khác. Họ chỉ chống lại các hành động của Mỹ mà họ cho là đe doạ đến lợi ích quốc gia của họ. Iran là một điển hình rõ ràng. Sự đầu tư mạnh mẽ và việc Bắc Kinh phải dự vào nguồn năng lượng của Iran khiến Trung Quốc phản đối mạnh mẽ các lệnh trừng phạt mạnh tay hoặc các kế hoạch tạo ra bất ổn chính trị ở Tehran. Trong khi tỏ vẻ đồng ý với với việc hạn chế các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt, Bắc Kinh không tin Iran là mối đe doạ vũ khí hạt nhân. Và sự phản ứng của họ với chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên cho thấy họ sẽ đề xuất rằng có thể chấp nhận hạt nhân của Iran.
Khi tới Trung Quốc, Obama nói rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc mang lại cho họ trọng trách nặng nề hơn, trên vai trò một đối tác của Mỹ, trong việc giúp điều hành thế giới và giải quyết những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và chương trình hạt nhân của Iran. Trên thực tế, các nhà lãnh đạo châu Âu đã “giật mình” trước ý tưởng vai trò lãnh đạo thế giới đang tập trung vào cái gọi là “G2” giữa Washington và Bắc Kinh. Họ không cần phải lo lắng. Câu trả lời của Trung Quốc cho ông Obama có thể hiểu là: “Chi phối Thế giới là chiếc xe độc mã của ngài, chúng tôi tập trung vào việc điều hành đất nước chúng tôi, và cam kết đảm bảo an ninh ở khu vực quanh chúng tôi. Chúng tôi muốn có mối quan hệ hài hoà với ngài, nhưng đừng hy vọng chúng tôi làm bất cứ gì mà chúng tôi cho là phương hại đến lợi ích đất nước chúng tôi”. Điều này có nghĩa là không có lệnh trừng phạt chống Iran, bất chấp những thoả thuận đang vướng mắc giữa Washington và Matxcơva, bởi lợi ích quốc gia Trung Quốc cần đến nguồn năng lượng xuất khẩu của Iran.
3. Quan hệ cá nhân không thể thay đổi thế giới
Sự tin cậy cá nhân giữa Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev là yếu tố không thể thiếu mang lại một kết cục hoà bình cho cuộc chiến tranh lạnh. Tổng thổng Clinton, Tổng thống Bush và bây giờ là Obama, tất cả đều nỗ lực vun đắp mối quan hệ cá nhân với những người đồng cấp phía Trung Quốc của họ với hy vọng bôi trơn cho mối quan hệ đầy trắc trở giữa họ. Nhưng yếu tố quan hệ cá nhân trong việc thương lượng với Trung Quốc là có giới hạn, vì một lý do đơn giản: Trong khi Tổng thống Mỹ, theo như lời của ông Bush, là “người quyết định”. Nhưng cơ cấu lãnh đạo ở Trung Quốc là tập thể gồm 9 uỷ viên Bộ Chính trị, trong đó Chủ tịch Hồ Cẩm Đào là người đứng đầu.
Nhiều nhà quan sát cho rằng đây là lý do tại sao Trung Quốc thường lảng tránh những cuộc gặp tay đôi không chính thức với những người đồng cấp phía Mỹ, mà thích những cuộc trao đổi chính thức với những đề tài bàn luận đã được thông qua Bộ Chính trị. Vấn đề thương thảo với lãnh đạo các nước luôn là một khó khăn với Mỹ. Ví dụ như làm việc với các nhà lãnh đạo Iran sẽ rất khó khăn với truyền thống quyền lực được chia sẻ giữa chính phủ với các lãnh đạo tăng lữ. Sức thu hút và nét quyến rũ riêng của ông Obama có thể là một tài sản quốc gia khi thương thảo với các nước, nhưng Trung Quốc có thể không phải là một trong số đó.
-
Quốc Toản (theo Time)