Sự đối đầu của Trung Quốc và Ấn Độ đang ngày càng gia tăng và đã xuất hiện những dấu hiệu về một cuộc chạy đua kiểu chiến tranh lạnh. Hãy bắt đầu tìm những dấu hiệu này từ một thiên đường miền nhiệt đới của Ấn Độ Dương.
Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại biên giới. (Ảnh: FP) |
Ở phần xa nhất về phía nam của Maldives có một hòn đảo mang tên Gan, một dải đất nhỏ với đầy dừa và những bãi biển cát trắng mịn màng. Chính tại nơi đây người Anh đã thành lập một căn cứ hải quân bí mật năm 1941, xây dựng sân bay và những bình chứa nhiên liệu lớn để hỗ trợ cho phi đoàn của mình ở Ấn Độ Dương trong suốt cuộc chiến tranh thế giới thứ 2.
Giờ đây, 33 năm sau, Ấn Độ lại đang chuẩn bị mở cửa lại căn cứ này làm đồn binh cho máy bay giám sát, trực thăng, và có thể là cả tàu chiến, để kiểm soát hoạt động của tàu thuyền Trung Quốc trên Ấn Độ Dương. Theo một thỏa thuận được ký vào tháng 8, Ấn Độ còn sẽ lắp đặt hệ thống radar dọc theo quần đảo Maldives, được liên kết với chỉ huy trên bờ.
Cả hai nước đều công khai phủ nhận động thái trên là nhằm vào Bắc Kinh, nhưng thực tế, đó có phải là sự đáp trả trực tiếp với việc xây dựng một cảng lớn của Trung Quốc ở Hambantota, Sri Lanka?
Kế hoạch này được coi là động thái mới nhất của cuộc chiến ở mức độ thấp nhưng đang leo thang để giành lấy sự vượt trội về kinh tế và quân sự giữa hai người khổng lồ của châu Á đang trỗi dậy kia. Trong tuần này, điểm nóng nằm chính tại nơi biên giới đang tranh chấp ở Himalaya, khi Trung Quốc phản đối chuyến thăm của Dalai Lama tới một bang ở phía đông bắc Ấn Độ mà nước này vẫn tuyên bố chủ quyền. Bên cạnh đó, hai nước còn đang cạnh tranh giành lấy quyền kiểm soát hải quân ở Ấn Độ Dương, tài nguyên và thị trường ở châu Phi, vị thế chiến lược ở châu Á, và thậm chí là cả trong cuộc đua tới mặt trăng.
Alexander Neill, Giám đốc Chương trình châu Á tại trung tâm nghiên cứu mang tên Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute), nói: "Dĩ nhiên, mức độ của cuộc chạy đua không bằng chiến tranh lạnh. Nhưng, có khả năng tiềm ẩn xung đột sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Đồng minh của cả hai nước đều cần cân nhắc kỹ lưỡng về hậu quả của sự đối đầu này".
Quan hệ giữa hai nước đã ấm lên trong suốt thập niên đầu tiên sau khi Ấn Độ giành độc lập năm 1947 và nhà nước Trung Hoa thành lập năm 1949. Tuy nhiên, sau đó, mối quan hệ xấu đi nhanh chóng khi Dalai Lama thoát khỏi Tây Tạng năm 1959 và được Ấn Độ chấp nhận cho tị nạn. Trung Quốc đã làm "bẽ mặt" Ấn Độ năm 1962, khi quân đội nước này nhanh chóng chiếm đóng bang phía bắc Arunachal Pradesh và kiểm soát khu vực Aksai Chin. Bắc Kinh cũng đã bắt đầu cung cấp viện trợ và vũ khí cho Pakistan - đối thủ của Ấn Độ.
Mười năm trở lại đây, băng giá đã tan dần khi kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ mức 3 tỷ USD năm 2000 lên mức 51 tỷ USD năm ngoái - và thậm chí hai bên còn bắt đầu tập trận quân sự chung.
Tuy nhiên, năm nay, mọi chuyện có vẻ đã đột ngột chuyển hướng xấu hơn khi Trung Quốc đang tiến hành những dự án nhằm làm gia tăng sức mạnh kinh tế và quân sự, còn một Ấn Độ gan góc hơn cũng đang cố đáp lại. Về mặt quân sự, Ấn Độ đã tỏ ra khó chịu với những nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng quanh biên giới của Trung Quốc, ép nước này phải nhượng bộ tại vùng biên giới đang tranh chấp. Ấn Độ cũng quan ngại về những kế hoạch phát triển hải quân viễn dương của Trung Quốc với khả năng bảo vệ các con đường thương mại qua những vùng nước xa, trong đó có Ấn Độ Dương.
Ấn Độ đặc biệt cảm thấy quan ngại với chiến lược "chuỗi ngọc trai" của Trung Quốc - xây dựng cảng ở Myanmar, Srilanka và Pakistan mà hải quân nước này có thể sử dụng. Bắc Kinh lại quan tâm tới một thỏa thuận hạt nhân năm ngoái giữa Ấn Độ và Mỹ, được xây dựng nhằm làm đối trọng với Trung Quốc. Thỏa thuận này không chỉ dỡ bỏ lệnh cấm Ấn Độ mua nhiên liệu hạt nhân từ Mỹ mà còn mở ra cánh cửa cho Ấn Độ tham gia tập trận chung và mua hàng tỷ USD vũ khí Mỹ.
Evan Feigenbaum thuộc hội đồng quan hệ quốc tế, một trung tâm nghiên cứu của Mỹ, nói rằng: "Kể từ năm 1962, tôi nghĩ rằng các nhà chiến lược Trung Quốc về cơ bản đã quyết rằng họ có thể đối phó Ấn Độ theo cách của mình. Nhưng khi xuất hiện Mỹ xen vào giữa, thì sẽ có những bất ổn. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang sắp được chứng kiến giai đoạn căng thẳng trong quan hệ Ấn - Trung".
Về kinh tế, cạnh tranh mạnh mẽ nhất đang diễn ra ở châu Phi, nơi cả Ấn Độ và Trung Quốc đều ganh đua để có được tài nguyên và thị trường.
Trung Quốc bắt đầu "ve vãn" các quốc gia từ một thập kỷ trước, khi đưa ra đề nghị đầu tư và mua bán cùng với những khoản cho vay ưu đãi và viện trợ phát triển mà không cần kèm theo những điều kiện chính trị. Nhưng Ấn Độ cũng đang bám đuổi ngay sau với cam kết cho vay 5 tỷ USD và hàng trăm nghìn USD hỗ trợ tài chính tại một hội nghị thượng đỉnh Ấn - Phi năm ngoái. Ấn Độ không chỉ "đầu tư" để được tiếp cận nguồn nguyên liệu thô cho công nghiệp, mà còn để giành lấy sự ủng hộ cho một ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an mà Trung Quốc phản đối. Ấn Độ cũng đang ra sức lấy lại những phần sân đã mất ở Nam, Đông Nam và Trung Á.
Trung Quốc hiện đang nỗ lực đàm phán một hiệp định hữu nghị với Nepal nhằm "thay thế" hiệp định trói buộc nước này với Ấn Độ kể từ năm 1950. Ấn Độ đã đổ 1 tỷ USD viện trợ cho Afghanistan, trong khi một công ty Trung Quốc lại đầu tư 3 tỷ USD vào một mỏ đồng khổng lồ ở nước này. Về kỹ thuật, hình ảnh về chiến tranh lạnh của thế kỷ 21 còn có thể được thấy ở cuộc chạy đua vào không gian. Trung Quốc đã có taikonaut (phi hành gia, phiên âm tiếng Trung Quốc) đầu tiên vào vũ trụ năm 2003, và dự định sẽ cử người lên làm nhiệm vụ thám hiểm mặt trăng vào năm 2024. Còn với Ấn Độ, cái tên tàu vũ trụ Chandrayaan đã trở nên quá quen với những người đam mê khám phá.
Vậy nếu đúng thế kỷ này là "thế kỷ của châu Á" như nhiều người vẫn đồng tình, thì cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Ấn Độ sẽ nằm ở đâu trong 100 năm ấy. Hãy hy vọng rằng đó sẽ chỉ là một điểm nhỏ, không làm ảnh hưởng tới sự vươn lên mạnh mẽ của châu Á.
-
Đình Ngân (Theo Times Online)