Bộ trưởng Ngoại giao Nga gần như là một con người vô song. Chỉ có một số ít các bộ trưởng ngoại giao mới có thể sánh được với ông về phẩm chất chuyên môn được tôi rèn qua hàng thập kỷ trong nghề ngoại giao. Ông này hiếm khi rời cuộc đàm phán tay trắng.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Pranab Mukherjee (từ trái qua phải) (Ảnh: website Bộ Ngoại giao Trung Quốc) |
Tuy nhiên, cũng có một dịp hiếm hoi, khi ông cùng người tùy tùng lên máy bay tuần trước và bắt đầu hành trình 6.000km từ Nga tới Bangalore, thủ phủ bang miền nam Karnataka, nơi ông tham gia cuộc họp 3 bên Nga-Ấn Độ-Trung Quốc (RIC).
Những tháng gần đây, Moscow đã nỗ lực hết sức để kéo Ấn Độ và Trung Quốc tới gần nhau hơn trong sáng kiến chung của khu vực về Afghanistan. Cuộc họp RIC tại Bangalore diễn ra trong bối cảnh căng thẳng diễn ra trên khắp các vùng biên giới - Causasus và Trung Á, khu vực tự trị Tân Cương của Trung Quốc, tỉnh Sistan-Balochistan của Iran và các khu vực bộ lạc của Pakistan.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Nga đành nhìn một cách bất lực khi những dòng thác trong quan hệ Trung-Ấn bắt đầu làm xấu đi nỗ lực của họ trong việc đưa Moscow và Delhi xích lại gần nhau hơn ở Bangalore về các vấn đề chính của an ninh khu vực.
Nước Nga can đảm
Người Nga, với dự án con cưng RIC, chắc hẳn sẽ thấy không hài lòng với Ấn Độ, nhưng điều đó cũng không có gì là bất ngờ đối với họ. Họ có thể đã lường trước được về sự mất cân bằng trong cơ cấu RIC sẽ ảnh hưởng tới cuộc họp ở Bangalore. Nga và Trung Quốc đang tăng cường hợp tác, còn Ấn Độ lại "bỏ bê" mối quan hệ của mình với Nga trong những năm sau chiến tranh lạnh (mặc dù rất gần đây, nước này có vẻ lại cho thấy đang quan tâm tới việc vực dậy mối quan hệ đang nhạt dần đó); Ấn Độ và Trung Quốc mặt khác cũng tiến gần hơn đáng kể trong thập kỷ qua, nhưng rồi cũng lại mâu thuẫn khá gay gắt trong giai đoạn gần đây.
Bài báo của Vladimir Skosyrev trên tờ báo Nezavisimaya Gazeta nhiều ảnh hưởng đã chỉ ra những vấn đề hiện tại giữa Trung Quốc và Ấn Độ - tranh chấp biên giới, hoạt động của lãnh đạo tinh thần lưu vong của Tây Tạng, Dalai Lama, tại Ấn Độ - sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của RIC.
Sau cuộc họp của RIC, Lavrov lại phản đối dự đoán của Skosyrev. Ông nói: "Không có vấn đề song phương nào giữa Ấn Độ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới cuộc họp RIC hôm nay. Những chủ đề như thế đã không nổi lên". Điều ông nói là đúng, nhưng các bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc và Ấn Độ lại tổ chức một cuộc họp riêng kéo dài 90 phút để thảo luận các vấn đề nóng trong quan hệ song phương.
Ông Lavrov giải thích RIC sẽ "có triển vọng cao", nếu cuộc đối thoại xoay quanh vấn đề nông nghiệp, y tế, và kinh doanh. Ông đã phải "khiêm tốn" về vai trò của RIC trong việc đưa ra bất cứ sáng kiến nào về Afghanistan. Ông nói: "RIC là nhóm nước hoàn toàn cần thiết để huy động các nỗ lực trong khu vực. Nhưng thế là không đủ. Tất cả các nước láng giềng của Afghanistan đều quan trọng. Mỹ, nước cung cấp binh lính chính, cũng cần thiết. Iran cũng thế. Các quốc gia châu Á cũng thế.
RIC là nhóm các quốc gia được tạo ra không phải chỉ vì các vấn đề Afghanistan, mà vì nhiều lý do... Mặc dù Ấn Độ, Nga, và Trung Quốc vẫn có ảnh hưởng tới việc bình thường hóa tình hình tại Afghanistan, nhưng nỗ lực của chúng ta là không đủ. Ba nước có thể và sẵn sàng làm việc với những nước có vai trò lớn khác để phát triển chiến lược mang tính tập thể".
Delhi trước nguy cơ tự cô lập
Sự liên quan của nhóm này là rõ ràng bởi 3 quốc gia cùng có những quan tâm chính ở châu Á trong một mô hình đặc biệt để thảo luận những lợi ích chung về anh ninh khu vực - chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, chủ nghĩa ly khai chính trị... và phối hợp chính sách.
Không có gì phải nghi ngờ khi hợp tác khu vực đã trở thành nét chủ đạo của chính trị quốc tế trong thực tiễn mới của một thế giới đa trung tâm. Chính trị quốc tế đang bắt đầu đi vào một hệ thống phối hợp mới. Các mô hình khu vực cho tới hiện nay chủ yếu vẫn là dạng đối thoại với chương trình nghị sự tương đối khiêm tốn, nhưng tất cả đều hiểu mô hình này tạo ra một tiêu chuẩn nhất định về mối quan hệ công bằng, hợp tác.
Nhu cầu khu vực hóa thường nổi lên khi các nước phải tìm kiếm giải pháp mang tính khu vực đối với các xung đột và tình trạng khủng hoảng. Một lần nữa, chủ nghĩa khu vực lấp đầy bất cứ nơi nào cơ chế toàn cầu không thể hoặc đang thiếu. Rõ ràng, tổ chức khu vực cho phép có thêm nhiều khả năng hình thành chương trình thống nhất.
Nhưng, không giống như Nga và Trung Quốc - đang rất quan tâm tới các mô hình khu vực, ngoại giao Ấn Độ nhìn chung lại không mạnh dạn lắm. Quy mô của Ấn Độ trong khu vực và các mối quan hệ "có vấn đề" của nước này với Trung Quốc và Pakistan phần nào cũng giải thích được sự dè dặt của họ. Nhưng cuộc khủng hoảng gia tăng ở khu vực Pakistan-Afghanistan cho thấy những cái thiếu trong cách tiếp cận đơn lẻ của Ấn Độ. Việc New Delhi thiếu khả năng tham gia vào các sáng kiến khu vực về Afghanistan thực tế lại tách biệt nó khỏi khu vực.
Ấn Độ sẽ thiệt nhiều nhất khi không có một sáng kiến khu vực để giải quyết vấn đề Afghanistan. Delhi vẫn giữ quan điểm từ xa xưa của mình về Taliban. Trong khi có sự công nhận rộng rãi trong khu vực rằng Taliban là một thực tiễn của chính trị Afghanistan, thì Delhi lại không. Ổn định an ninh ở Delhi đặt ra cho ngoại giao Ấn Độ và trong cái nhìn của Ấn Độ rằng, Taliban có nguồn gốc là lực lượng tình báo Pakistan và vì thế, Ấn Độ không thể tán thành vai trò của Taliban trong cơ cấu quyền lực ở Afghanistan.
Nhưng sau đó, cuộc xung đột ở Afghanistan cần một giải pháp lâu dài và phải bao gồm tất cả các bên. Delhi có thể đã có được lợi ích khi hợp tác với các quốc gia có cùng mục đích, chia sẻ rộng rãi mối nghi ngại của Ấn Độ về "thế lực" của các lực lượng cực đoan trong khu vực và cũng phải chấp nhận việc ổn định khu vực xung quanh Afghanistan.
Những nước đứng đầu trong số các nước lớn trong khu vực sẽ là Trung Quốc, Nga, và Iran. Giờ đây, 3 quốc gia này đang đi trước Ấn Độ trong việc xây dựng mạng lưới khu vực giúp họ củng cố lợi ích quốc gia mình. Nga và Trung Quốc đã cùng nhau tham gia Tổ chức hợp tác Thượng Hải. Nga cũng có hệ thống liên minh trong Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể. Iran cũng đã đề ra dạng bộ ba cùng với Pakistan và Afghanistan.
Obama tiếp cận Trung Quốc
Chắc chắn rằng, Washington có thể thở phào nhẹ nhõm khi RIC không thể phát triển. Khoảnh khắc đáng sợ nhất, từ quan điểm của Mỹ, sẽ là nếu và khi RIC bắt đầu đạt kết quả từ những hoạt động trong khu vực. Vì thế, sức mạnh của các nước RIC từ lâu rồi vẫn là mối tò mò rất lớn đối với Washington. Mỹ vẫn theo dõi RIC - giống hệt kiểu đã làm với ý tưởng mới mẻ của Tokyo về một cộng đồng Đông Á.
Moscow sẽ cảm thấy quan ngại. Lavrov thẳng thắn thừa nhận với các nhà báo Nga đi cùng rằng, "Obama tuyên bố một "triết lí" rằng, một hành động tập thể, đòi hỏi phải cùng phân tích, đưa ra quyết định và triển khai hơn là để tất cả các quốc gia khác phải tuân theo quyết định của Washington. Nhưng sự trì trệ cứ đeo bám các cấp triển khai ở Mỹ, những người vẫn theo đuổi lối đi đã mòn... Đây là quá trình sẽ tốn nhiều thời gian trước khi sự nhiệt tình của vị tổng thống được chuyển thành thứ ngôn ngữ của hành động thực tế của những người dưới cấp...
Thất bại của RIC ở Bangalore trong việc đưa ra một sáng kiến khu vực đáng kể cho Afghanistan đảm bảo chắc chắn rằng, Mỹ giờ đây có thể xúc tiến với những cuộc thương lượng riêng biệt với 3 cường quốc lớn của khu vực - Nga, Trung Quốc, và Ấn Độ.
Như thế, Mỹ có thể hy vọng một kết quả khả quan từ chuyến thăm sắp tới của tổng thống Obama tới Bắc Kinh. Thông cáo báo chí của Lầu Năm Góc về cuộc gặp tại Washington giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates và Phó chủ tịch Ủy ban Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc Từ Tài Hậu trong chuyến thăm Mỹ, nói rằng hai bên đã nhất trí về sự cần thiết phải cùng nhau bàn bạc vấn đề Afghanistan và Pakistan.
Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc Geoff Morrell nói rằng: "Điều cần đạt được là sự đồng tình rộng rãi về tầm quan trọng, và phương hướng đối phó với tình hình tại Afghanistan và Pakistan, và sự cần thiết phải bàn bạc để tạo ra môi trường ổn định và an ninh cho cả hai nước này".
Mark Brzezinski, từng làm ở Ủy ban an ninh quốc gia thời chính quyền Bill Clinton, và Mark Fung, giảng viên đại học Havard cho rằng Obama phải lên danh sách mục tiêu khi đi thăm Bắc Kinh. Hai người viết trên New York Times rằng:
"Danh sách ấy phải làm sao để nếu được thực thi sẽ tạo dựng lại đáng kể mối quan hệ Mỹ-Trung và giải quyết các thách thức mà hai nước cùng gặp phải. Trước hết, hình thành một cơ chế giữa các lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc và Pakistan. Trung Quốc là nước ủng hộ quan trọng nhất của Pakistan cả vì gần gũi về mặt địa lí, cả vì việc Trung Quốc coi mình là đối trọng của Ấn Độ...
Mối quan tâm của Mỹ và Trung Quốc là không thay đổi ở Pakistan: loại bỏ hoạt động của trào lưu chính thống cực đoan, ổn định lãnh đạo và kích thích tăng trưởng kinh tế... Mỹ nên làm rõ rằng mình không muốn loại bỏ ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Islamabad, nhưng cách tiếp cận tay ba sẽ làm gia tăng những lợi ích chung... Chuyến thăm của Obama tới Bắc Kinh sẽ tạo cơ hội nâng tầm quan hệ để có thể cùng tham gia mang tính xây dựng tại khu vực các bên cùng có lợi ích - ổn định Pakistan, tăng cường sức mạnh mềm tại Afghanistan, và cộng tác trong các vấn đề an ninh và những thách thức chung ở Đông Á".
Cuộc khủng hoảng Afghanistan chắc chắn sẽ thúc đẩy chuyển đổi trong môi trường địa chính trị. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc cũng có "danh sách Obama" của mình? Bắc Kinh sẽ tự hỏi, làm thể nào Trung Quốc có thể hợp tác trong cơ cấu an ninh với Mỹ và đồng minh phương Tây ở Afghanistan khi mà phương Tây vẫn duy trì 20 năm cấm vận vũ khí với Trung Quốc?
-
Đình Ngân (Theo Asia Times)