Đặc sứ Pháp đi Triều Tiên tìm cách thiết lập quan hệ
Cập nhật lúc 16:59, Thứ Ba, 10/11/2009 (GMT+7)
Đặc sứ của Tổng thống Pháp, hôm nay (10/11), có các cuộc hội đàm với Ngoại trưởng CHDCND Triều Tiên trong một chuyến thăm tới Bình Nhưỡng nhằm thăm dò khả năng thiết lập quan hệ ngoại giao với nước chủ nhà.
Ngoại trưởng CHDCND Triều Tiên Pak Ui Chun (phải) bắt tay đặc sứ Pháp Jack Lang trong cuộc gặp ở Bình Nhưỡng hôm 10/11. (Ảnh: AP) |
Theo những hình ảnh phát trên Đài Truyền hình APTN ở Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng Pak Ui Chun đã đón chào đặc sứ Jack Lang và đoàn đại biểu Pháp bằng những cái bắt tay trước khi hai bên ngồi vào bàn đối thoại.
Theo APTN, đặc sứ Lang gọi việc đón tiếp ông Pak là "giây phút trọng đại".
Ông Lang, nguyên là Bộ trưởng Văn hóa Pháp, được Tổng thống Nicolas Sarkozy bổ nhiệm làm đặc phái viên của ông về Triều Tiên.
"Cả hai bên đã trao đổi quan điểm về quan hệ song phương cùng nhiều vấn đề quan tâm chung", hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin sau đó.
Đặc sứ Lang cho hay, nhiệm vụ của ông trong chuyến thăm 5 ngày tới Bình Nhưỡng kể từ ngày 9/11 là thăm dò khả năng thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa Pháp và CHDCND Triều Tiên. Pháp là một trong hai quốc gia châu Âu duy nhất không có quan hệ bình thường với Triều Tiên.
Trước đó, đặc Lang nói rằng ông cũng sẽ tìm kiếm khả năng thảo luận về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Triều Tiên đang rơi vào thế bế tắc với cộng đồng quốc tế liên quan tới các tham vọng nguyên tử của nước này. Đầu năm nay, Bình Nhưỡng đã bị lên án mạnh mẽ vì nổ thử hạt nhân dưới lòng đất và bắn thử nhiều tên lửa. Đáp trả, chính quyền của Chủ tịch Kim Jong-il rút khỏi tiến trình đàm phán sáu bên về giải trừ hạt nhân.
Tuy nhiên, trong vài tháng trở lại đây, Triều Tiên lại phát đi một số tín hiệu hòa giải, muốn đối thoại tay đôi với Mỹ. Phía Washington tuyên bố sẵn sàng đối thoại nhưng với điều kiện đó là một phần của tiến trình đàm phán sáu bên.
Hai quan chức Mỹ tiết lộ chính quyền Obama đã quyết định chấp nhận đề nghị của Triều Tiên và cử đặc sứ của Tổng thống về vấn đề Triều Tiên, Stephen Bosworth, tới Bình Nhưỡng đàm phán trực tiếp.
Washington hy vọng cuộc gặp của ông Bosworth sẽ là một bước tiến trong nỗ lực thuyết phục Triều Tiên trở lại bàn đối thoại với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
-
Thanh Hảo (Theo AP)
,