Bộ trưởng Tài chính Anh Alistair Darling. (Ảnh: Reuters)
Các bộ trưởng đến từ 20 nước lớn nhất thế giới đang tập trung ở St Andrews, Fife, để thảo luận về phục hồi kinh tế và tránh lặp lại tình trạng đổ vỡ tín dụng. Một số quốc gia G20, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và Đức, muốn thảo luận chấm dứt các biện pháp kích thích nhằm thúc đẩy lòng tin. Tuy nhiên, Anh lại tỏ ra thận trọng hơn.
Khi khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Anh Alistair Darling kêu gọi những người đồng cấp đạt tiến bộ về thay đổi khí hậu.
Hôm 6/11, Bộ trưởng Darling nói ông vẫn chưa tin sự phục hồi toàn cầu có "đủ lực để duy trì và trụ vững".
"Ngay khi chúng ta vượt qua giai đoạn này, chúng ta phải phối hợp các kế hoạch để phục hồi, như chúng ta đã phối hợp hành động đối phó với khủng hoảng. Khi chúng ta lập kế hoạch, chúng ta phải chấp nhận rằng nguy cơ lớn nhất của phục hồi vẫn còn tồn tại trước khi có phục hồi thực sự".
Theo John Hilary, giám đốc điều hành Quỹ chống nghèo War on Want, G20 chưa hành động đủ để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng tài chính và ngăn chặn khủng hoảng lặp lại.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế vừa lên tiếng bày tỏ quan ngại về tài chính chính phủ. Tổ chức này cho hay, nợ chính phủ ở 20 quốc gia phát triển có nguy cơ đạt mức 118% thu nhập quốc dân hàng năm (GDP) vào năm 2014. Và, sẽ phải mất nhiều năm cắt giảm chi tiêu và đánh thuế cao để giảm nợ xuống mức mà IMF gọi là an toàn.
Về vấn đề thay đổi khí hậu, một số nước lo ngại các tín hiệu không có vẻ sáng sủa trước hội nghị thay đổi khí hậu ở Copenhagen vào tháng 12, nơi các bên hy vọng sẽ đạt được một văn bản thay thế hiệp ước Kyoto.
Ông Darling nhấn mạnh rằng cần phải đạt tiến bộ thực sự.
"Các bộ trưởng tài chính cần phải bị ràng buộc bởi vì nếu không có một thỏa thuận về mức đóng góp, thỏa thuận Copenhagen sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều".
Trong tháng 11, chính phủ Anh cho hay, khó mà có thể đạt được một hiệp ước mới về khí hậu có tính ràng buộc pháp luật trong năm nay, và có lẽ phải mất một năm nữa mới có một hiệp ước đầy đủ.
Một số nước dường như đang chờ Mỹ tỏ rõ quan điểm. Tuy nhiên, với chương trình cải tổ y tế đang là một ưu tiên trong nước và các dự luật về thay đổi khí hậu "tiến" rất chậm tại Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner chưa vội vã đưa ra cam kết về những gì chính quyền Obama có thể và không thể làm.
- Thanh Hảo (Theo BBC, Reuters)