221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1247839
Gieo giống tốt, chờ ngày hái quả
1
Article
null
Nhìn lại chuyến thăm châu Á của Obama:
Gieo giống tốt, chờ ngày hái quả
,

 - Nếu như mục đích chuyến công du của Tổng thống Mỹ Obama tới châu Á là nhằm tái khởi động lại mối quan hệ với khu vực châu Á sau một thời gian lãng quên thì những mũi tên ông bắn ra đã trúng đích, cho dù còn rất nhiều việc phải làm phía trước.

Ông Obama cùng các nhà lãnh đạo châu Á tại hội nghị APEC, Singapore (Ảnh: AP)

 

Tám ngày của ông Obama ở châu Á bị công luận và báo chí Mỹ chỉ trích nhiều hơn là khen ngợi. Họ cho rằng chuyến đi không đạt được những thành tựu cụ thể nào mà chỉ là những lời nói chung chung, những cam kết suông, những định hình mang tính cơ bản.... Quả là như vậy nếu như tính đến những vấn đề cụ thể như ông Obama chưa đạt được thoả thuận với Nhật Bản về việc di chuyển căn cứ quân sự tại đây, cũng không có được cam kết nào với Trung Quốc về việc cắt giảm khí thải để chuẩn bị cho hội nghị khí hậu tại Copenhagen tháng 12 tới hay bước tiến nào trong những tranh cãi xung quanh vấn đề định giá đồng nhân dân tệ. Ngay cả với Hàn Quốc, đồng minh dễ thở nhất trong chuyến công du này, ông Obama cũng không tiến thêm bước nào trong hiệp định tự do thương mại Mỹ-Hàn đã bị đình trệ lâu nay.

Thậm chí, công luận Mỹ còn cảm thấy bất bình vì thái độ quá "nhún nhường" của ông Obama trước các vị chủ nhà châu Á. Họ cảm thấy bất thường khi người đứng đầu của một cường quốc hàng đầu thế giới lại cúi mình trước hoàng đế Nhật Bản, hay đã không thể hiện sức mạnh của mình khi không đề cập gì tới những vấn đề "nhạy cảm" với lãnh đạo Trung Quốc như vấn đề nhân quyền giống như cựu Tổng thống Bill Clinton đã từng làm. Không ít nhà bình luận phương Tây đã cho rằng nước Mỹ dưới thời Obama đang "khiếp sợ" trước một Trung Quốc đang nổi lên mạnh mẽ và đóng một vai trò trung tâm ở khu vực.

Song những bước đi như vậy, tuy trước mắt có thể "mất mặt" đôi chút, nhưng nó lại mang lại những lợi ích về lâu dài cho nước Mỹ ở khu vực đang ngày một phát triển và năng động này. Gây hấn với Trung Quốc, Mỹ được gì khi họ đang là "con nợ" khổng lồ của đất nước đông dân nhất thế giới này. Trong khi đó, hợp tác với Trung Quốc, Mỹ sẽ có được sự trợ giúp đáng kể trong các vấn đề gai góc như hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, Iran hay cải thiện tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Đó là chưa kể nếu muốn tìm kiếm lại vị thế của mình ở châu Á, Mỹ không thể không thoả hiệp với Trung Quốc, vốn đang là một nhân tố trỗi dậy mạnh mẽ trong khu vực.

Đối với đồng minh Nhật, nếu Mỹ không muốn để xu thế thân Trung Quốc đi quá xa như những gì Thủ tướng mới của Nhật Yukio Hatoyama thể hiện gần đây thì củng cố niềm tin và tình bằng hữu Mỹ-Nhật là điều tối quan trọng. Người Mỹ có thể thấy khó chịu với việc ông Obama cúi đầu trước Nhật hoàng nhưng với người Nhật nói riêng và châu Á nói chung, đó là tín hiệu của sự tôn trọng lễ nghĩa, biết nhập gia tuỳ tục. Hành động này chính là để khẳng định rằng Mỹ và Nhật là đối tác bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, khác hẳn với cách tiếp cận của các nhà lãnh đạo Mỹ trước đây là áp đặt và ra lệnh đối với những đồng minh yếu hơn mình.

Ông Obama còn tạo dựng được một bước chuyển căn bản trong cảm nhận của Đông Nam Á về chính quyền mới ở Mỹ. Kể từ học thuyết Nixon những năm 1970, Đông Nam Á luôn coi Mỹ là thiếu sự chân thành và gắn kết trong quan hệ với khu vực. Nhưng với việc Mỹ đồng tham gia Hiệp ước hợp tác và thân thiện (TAC) của ASEAN tháng 7 vừa rồi, nó đã chứng tỏ sự nghiêm túc và gắn bó của Mỹ đối với khu vực, và điều đó có nghĩa Mỹ sẽ có tiếng nói và vai trò lớn hơn đối với các vấn đề tại đây. Với cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và Mỹ tại APEC ở Singapore, đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ ngồi cùng các nhà lãnh đạo ASEAN để bàn thảo các vấn đề khu vực. Không những thế, Obama còn ủng hộ việc ASEAN sẽ giữ vị trí trung tâm trong mọi thể chế của khu vực, điều mà trrước đây Washington thường miễn cưỡng phải làm.

Sự khác biệt mà Obama đã tạo ra trong chuyến đi này, đó là thái độ sẵn sàng lắng nghe và tham vấn các đối tác châu Á. Cách tiếp cận cân bằng và thực dụng hơn này sẽ cho thấy một tương lai hợp tác đa phương, chứ không phải đơn phương hay song phương như trước đây. Chính các yếu tố này sẽ tạo được niềm tin vào Mỹ trong khu vực. Niềm tin này không hữu hình nhưng sẽ là nền tảng vững chắc để giải quyết mọi vấn đề, khúc mắc đã tồn tại và sẽ nảy sinh trong tương lai.

Kết thúc cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và Mỹ, tổng thống Obama nói: "Các quốc gia đã từng cạnh tranh nhau để giành giật các khu vực ảnh hưởng. Thời đó đã xa rồi, hiện giờ chúng ta phải tìm kiếm sự hợp tác giữa các quốc gia". Đây là một lựa chọn khôn ngoan bởi không có sự hợp tác, Mỹ khó lòng mà giải quyết được các vấn đề của thế giới và khu vực. Sự hợp tác, gắn bó và chân thành sẽ không chỉ mang lại cho Mỹ vị thế và tiếng nói ở châu Á mà còn khiến đa số các nước châu Á trở nên an tâm hơn trước những thế lực mới, không thuận ở khu vực.

Tại châu Á, ông Obama đã gieo những hạt giống tốt, giờ sẽ là những bước đi vun xới và chăm sóc để chờ ngày hái quả ngọt.

  • Hạnh Khuê

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,