Bộ Ngoại giao Iran, hôm 24/11 cho biết, nước này có thể xem xét chuyển uranium đã làm giàu cấp độ thấp của mình ra nước ngoài làm giàu thêm.
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad phát biểu tại một buổi lễ ở cơ sở hạt nhân Natanz, phía nam Tehran, ngày 9/4/2007. (Ảnh: Reuters) |
Tuần trước, Ngoại trưởng Manouchehr Mottaki đã phản đối một đề xuất do Liên Hợp Quốc soạn thảo với nội dung chuyển uranium làm giàu cấp độ thấp (LEU) từ Iran ra nước ngoài tái chế lấy uranium làm giàu ở cấp độ cao hơn. Iran khẳng định sự trao đổi này chỉ có thể được thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa Hồi giáo.
Tuy nhiên, ngày 24/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast lại nói rằng, Iran không phản đối chuyển LEU ra nước ngoài chừng nào nước này được "đảm bảo 100%" là sẽ nhận được nhiên liệu đã tinh chế để sử dụng cho lò phản ứng nghiên cứu y học.
Bất cứ một sự trao đổi nhiên liệu nào trên đất Iran đều được cho là không được phương Tây nhất trí. Mỹ và các đồng minh muốn trì hoãn năng lực chế tạo bom hạt nhân của Tehran bằng cách giảm lượng LEU dự trữ của nước này. Iran khẳng định chương trình hạt nhân của mình là vì mục đích hòa bình.
Quan chức hạt nhân cấp cao của Iran cho hay, việc tìm kiếm một sự đảm bảo sao cho Iran thỏa mãn là tuỳ thuộc vào các cường quốc thế giới.
"Cách duy nhất là phương Tây nên trao cho chúng tôi một sự đảm bảo 100% để thỏa thuận này chấp nhận được. Lời đảm bảo này phải được Iran đồng ý", trích lời ông Ali Akbar Salehi, Giám đốc Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran.
Sáu cường quốc trên thế giới, hôm 20/11, kêu gọi Iran chấp nhận đề xuất của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA). Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo sẽ áp dụng thêm các đòn cấm vận nhằm vào Iran, nhà sản xuất đầu lửa lớn thứ 5 thế giới.
Giới ngoại giao cho hay, các cường quốc đã soạn thảo một nghị quyết về Iran để thảo luận tại cuộc họp của IAEA vào cuối tuần này. Văn bản kêu gọi Iran công khai toàn bộ hoạt động hạt nhân cho các nhà điều tra và thanh sát viên Liên Hợp Quốc, minh bạch nguồn gốc và mục đích của cơ sở làm giàu bí mật, đồng thời khẳng định không còn kế hoạch hạt nhân nào chưa công bố.
Với sự tán thành của Nga và Trung Quốc, biện pháp này có cơ hội nhận được sự ủng hộ đa số, trong đó có các quốc gia đang phát triển trong Hội đồng IAEA gồm 35 nước, tại một cuộc bỏ phiếu ở Vienna ngày 26 hoặc 27/11.
Nếu được thông qua, đây sẽ là nghị quyết đầu tiên của IAEA nhằm vào Iran kể từ tháng 2/2006.
Dự thảo đề xuất hạt nhân của IAEA yêu cầu Iran gửi 75% lượng LEU của mình sang Nga và Pháp để tái chế thành nhiên liệu trước khi chuyển về Iran phục vụ cho lò phản ứng nghiên cứu.
-
Thanh Hảo (Theo Reuters)