Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm Tokyo trong chặng dừng chân mở màn chuyến công du đầu tiên tới châu Á, ông có thể vô tình lâm vào một cuộc khủng hoảng ngày càng tăng trong liên minh với Nhật.
Phần lớn lối bình luận trên các phương tiện truyền thông khiến chúng ta tin rằng quan hệ Nhật - Mỹ đang trên bờ vực rạn nứt vì địa điểm lưu trú cho 60 trực thăng của lính thủy đánh bộ Mỹ. Tuy nhiên, liên minh bền lâu dựa trên các lợi ích chung, không đơn giản là những bất đồng về hình thức thể hiện.
Dẫu vậy, ngoài cái khó trong vấn đề tái sắp xếp vị trí cho Sân bay lính thủy đánh bộ Futenma, câu hỏi chính là liệu hoạt động kỉ niệm nửa thế kỉ Hiệp ước An ninh chung 1960 vào năm tới sẽ đánh dấu sự kết thúc của liên minh như chúng ta đã biết hay sự bắt đầu của một liên minh cần thiết cho thế kỉ 21.
Liên minh và hiệp ước không tương ứng nhau ngay từ đầu. Dẫu vậy, tình hình có thể đã như thế nào xét về bối cảnh nước Nhật thời hậu chiến? Lịch sử không thể bị xóa nhòa nhưng các vết thương tâm lý về sự chiếm đóng và vai trò của Mỹ trong việc soạn thảo hiến pháp hậu chiến của Nhật cuối cùng rồi cũng phải hết. Các chính quyền Truman và Eisenhower của Mỹ đã nhìn nhận nền kinh tế tái trỗi dậy của Nhật như một động lực phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cung cấp một hàng không mẫu hạm không chìm để đổi lấy sự phục hồi kinh tế của Nhật là một lựa chọn chính trị thận trọng của Washington và Tokyo dựa trên lợi ích thiết yếu của họ vào thời điểm hiệp ước thuở ban đầu năm 1951.
Mỹ đã thành công hơn cả những tưởng tượng ngông cuồng nhất. Khi Tổng thống Mỹ Obama công du châu Á, nhiều vị lãnh đạo có thể xem ông không chỉ là đại diện của một siêu cường khổng lồ mà còn là một đối tác bình đẳng đối với cộng đồng Đông Á đang trỗi dậy. Các nền kinh tế châu Á đã chứng minh sự phục hồi mau lẹ nhất trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Việc cho rằng quyền lực đang lên của châu Á làm lu mờ quyền lực của Mỹ và phương Tây có thể vượt xa thực tế, nhưng vấn đề là các mối quan hệ đồng minh của Mỹ vốn được xây dựng nhờ các ràng buộc không đối xứng sẽ cần phải được tôi luyện một lần nữa trong cuộc thử thách về sự công bằng - thậm chí nếu người Mỹ có xu hướng định nghĩa công bằng như sự chia sẻ trách nhiệm và người Nhật có xu hướng định nghĩa sự công bằng như quyền được ra quyết định.
Có điều thuận lợi là, sự công bằng là một trong những tôn chỉ của chính phủ mới tại Tokyo, do Thủ tướng Hatoyama thuộc đảng Dân chủ Nhật đứng đầu. Giá mà sự đoàn kết là một cái khác. Chỉ mình sự lộn xộn trong tiếng nói từ nội các của ông Hatoyama về vấn đề nhạy cảm quanh các căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa đã buộc Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates phải nói thật lòng mình hồi tháng trước và ngắt lời người Nhật trước công chúng. Ông Gates bối rối khi nhận thấy đồng minh chủ chốt của Mỹ đã đánh mất tiếng nói đơn nhất và đang đồng thời theo đuổi việc áp dụng một thỏa thuận tái tổ chức các căn cứ quân sự Mỹ năm 2006 giữa hai chính phủ cũng như tái đàm phán về thỏa thuận đó - tất cả phụ thuộc vào việc bạn đã lắng nghe Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Kitazawa hay Ngoại trưởng Nhật Okada.
Sự công bằng là một tôn chỉ cho việc kiểm soát liên minh, không phải một chiến lược. Tổng thống Obama và Thủ tướng Hatoyama cần phải nâng tầm nhìn về liên minh vượt trên sự lộn xộn vào thời điểm này, và cho phép công luận phản ánh những thập kỉ vừa qua trong đó người Mỹ và người Nhật đã được hưởng sự thịnh vượng và những cơ hội chưa từng có.
Nếu liên minh của ngày mai là nhằm bảo đảm sự thịnh vượng cho tương lai thì nó sẽ phải được tái kiểm tra quy mô, tái định nghĩa các giới hạn liên minh, thông qua các cách thức liên minh và đảm bảo rằng tầm quan trọng của quyền lực không bị hiểu nhầm.
Sự tái định nghĩa về an ninh liên quan tới môi trường an ninh đang thay đổi, ngày càng nổi bật nhờ tính đa dạng, phức tạp và nguy hiểm của nó. Những thách thức từ việc bình ổn các quốc gia dễ sụp đổ như Afghanistan, làm thối lui các tham vọng hạt nhân của những nước như Iran và CHDCND Triều Tiên cũng như hình thành các phản ứng hữu hiệu đối với sự thay đổi khí hậu và các bệnh dịch sẽ đòi hỏi nhiều chiến lược toàn diện hơn cũng như nhiều đối tác hơn.
Vì cả Mỹ và Nhật đều đã siết chặt quan hệ kinh tế với Trung Quốc trong những năm gần đây nên cả hai chính phủ cần phải hài lòng với sự cộng tác ngày càng tăng với Trung Quốc - nước được cho là có khả năng hỗ trợ đáng kể trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp này hay các vấn đề phức tạp khác.
Chấp nhận các cách thức liên minh sẽ đồng nghĩa với việc tránh chủ nghĩa "đôi khi độc đoán" của Mỹ và sự "thỉnh thoảng hờ hững" của Nhật, để công nhận các lợi ích của liên minh đối với người Nhật. Hoặc liên minh có lợi cho cả hai hoặc nó sẽ chấm dứt để làm lợi cho mỗi bên. Ông Obama và ông Hatoyama cần phải loại bỏ sự lùm xùm quanh vấn đề các căn cứ quân sự Mỹ và tái áp đặt quá trình kiểm soát liên minh một cách ổn định, rõ ràng do các bộ quốc phòng và ngoại giao hoạt động theo cùng một kịch bản.
Người Okinawa đã phải trả giá đắt cho an ninh của Nhật nhưng không có một cách thức dễ dàng để sắp xếp vị trí cho các căn cứ quân sự ở nước Nhật dân chủ và phát triển của ngày hôm nay. Giới quan chức đã sục sạo các bản đồ để tìm giải pháp, trong cả hai qua trình xét duyệt lại vào năm 1996 và tái tổ chức các căn cứ vào năm 2006, vốn dẫn tới quyết định chuyển các trực thăng của lính thủy đánh bộ Mỹ tới vùng đất khai hoang ở trại Schwab cũng như di chuyển nhiều lính thủy đánh bộ cùng gia đình của họ tới Guam. Giải quyết vấn đề này cũng đồng nghĩa với thực hiện tốt việc kết hợp gần hơn giữa quá trình lập kế hoạch và đánh giá, đào tạo và hành động.
Cuối cùng, cả ông Obama và ông Hatoyama cần để mắt tới tính tự phụ. Mặc dù họ có lý khi đặt trọng tâm lớn hơn vào quyền lực mềm, tìm cách gây ảnh hưởng với những người khác mà không ép buộc, cả hai không nên sao lãng vai trò căn bản của của quyền lực cứng trong liên minh. Nguy cơ trong sự tái bảo đảm chiến lược của ông Obama đối với Trung Quốc là nước này có thể chẳng làm gì để làm chậm lại quá trình hiện đại hóa quân đội.
Vấn đề nảy sinh từ việc ông Hatoyama từ chối cho phép sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Nhật cũng như quyết định cắt giảm vai trò an ninh của Nhật ở Ấn Độ Dương là, chúng dường như bác bỏ vai trò không ngừng của quyền lực cứng trên thế giới. Sự bù đắp của Nhật về việc tăng trợ giúp phát triển cho Afghanistan và Pakistan (lần lượt là 5 tỉ USD và 2 tỉ USD trong 5 năm tới) dường như quay ngược chiếc đồng hồ liên minh trở về cuộc chiến Vùng Vịnh lần thứ nhất khi Nhật bị buộc phải làm ATM của thế giới.
Mỹ và Nhật vẫn còn chút thời gian. Cả hai nước đều có các quan chức tài năng, có thể dẫn dắt một cuộc đối thoại chiến lược hướng tới một kết cục tốt đẹp vào dịp kỉ niệm Hiệp ước An ninh chung vào tháng 9/2010.
Cuộc khủng hoảng đang tích tụ trong liên minh Mỹ - Nhật không phải là tình trạng đáng lo lắng ngắn hạn, bắt nguồn một cách tự nhiên từ lễ nhậm chức mới đây của hai chính phủ tự do. Dẫu vậy, đe dọa thực sự nằm trong đường hướng chính trị dài hạn của hai quốc gia dân chủ thịnh vượng và vững chắc nhưng có thể đã quên họ tới được vị trí ngày hôm nay như thế nào.
-
Thanh Bình (Theo FEER)