Theo phân tích của giới học giả, trong chuyến công du châu Á, Tổng thống Mỹ sẽ phát đi những thông điệp quan trọng.
Theo phân tích của giới học giả, một số vấn đề chính sau đây sẽ được Obama đưa ra bàn luận trong chuyến đi này:
Giáo sư Chu Phong - Viện Quan hệ quốc tế Đại học Bắc Kinh cho rằng, chuyến thăm Trung Quốc của Obama lần này có hai mục đích chính. Một là, tiếp tục đối thoại trên bình diện chiến lược với các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, xây dựng khung lâu dài cho quan hệ Trung - Mỹ; tiếp đến, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận về một số vấn đề quan trọng cụ thể mà hai bên cùng quan tâm như hợp tác tài chính và thương mại, vấn đề tranh chấp thương mại, biến đổi khí hậu và hợp tác năng lượng, kinh tế thế giới và vấn đề vũ khí hạt nhân…
Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ có chấm dứt?
Cùng với sức mạnh của Trung Quốc không ngừng tăng cường, vị thế trên trường quốc tế tăng lên đáng kể, Mỹ cũng từng bước điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc. Đặc biệt, sau khi Tổng thống Obama lên cầm quyền, chính sách đối với Trung Quốc đã được điều chỉnh từ “phức tạp” dưới thời người tiền nhiệm Bush sang “toàn diện”. Tuy nhiên, điều này chưa làm thay đổi hoàn toàn bản chất hợp tác và cạnh tranh vốn có trước đây trong quan hệ giữa hai nước.
Từ giữa năm 2009, tranh chấp thương mại Trung - Mỹ đã bùng nổ, bắt đầu từ việc chính phủ Obama quyết định áp mức thuế phạt cao đối với lốp xe ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc trong vòng 3 năm. Đầu tháng 10, Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục khởi động điều trần chống bán phá giá và trợ giá đối với sản phẩm ống thép đặc xuất xứ từ Trung Quốc. Ngày 7/11 Bộ Thương mại Trung Quốc đã thẳng tay áp dụng biện pháp đáp trả tương ứng, phát động điều trần chống phá giá và trợ giá đối với xe ô tô con và xe việt dã với lượng khí thải trên mức 2.0 có xuất xứ từ Mỹ. Cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ được đánh giá là “đã lên tới đỉnh điểm trong quan hệ hai nước”. Điều này tác động không nhỏ tới quan hệ Trung - Mỹ và gây ảnh hưởng xấu tới hai nền kinh tế vốn đang chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.
Bên cạnh đó, việc đồng nhân dân tệ tăng giá trong thời gian vừa qua đã gây sức ép lớn đối với nền kinh tế Mỹ. Hậu quả là hâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc không ngừng tăng, đồng thời người Mỹ cũng mất nhiều công ăn việc làm, 10 tháng đầu năm tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng lên 10,2%, mức cao nhất trong vòng 26 năm qua. Kinh tế Mỹ trượt dốc, đồng đô-la suy yếu, khiến Trung Quốc muốn tìm kiếm một sự thay thế vị trí thống lĩnh nền kinh tế thế giới của đồng đô-la.
Theo một số học giả Trung Quốc, Obama vẫn sẽ giữ thái độ hợp tác, duy trì xu hướng lớn hợp tác giữa hai bên. Phó viện trưởng Học viện Quan hệ quốc tế Đại học Nhân dân Trung Quốc Kim Sán Vinh cho rằng, trong chuyến thăm Trung Quốc lần này, Obama có thể sẽ thỏa hiệp về hai vấn đề chuyển giao kỹ thuật và thừa nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường, nhằm hình thành sự trao đổi lợi ích giữa hai bên.
Trung - Mỹ: G2 về giảm lượng khí thải
Vòng đàm phán về biến đổi khí hậu lần thứ 5 năm 2009 của Liên Hợp Quốc diễn ra tại Bacerlona kết thúc mà không đạt được kết quả như mong muốn. Một số quốc gia bày tỏ thái độ bi quan về vòng đàm phán Copenhagen sắp tới. Chủ nhiệm Chương trình ứng phó với sự biến đổi khí hậu toàn cầu Dương Phúc Cường cho biết, chuyến công du của Obama tới Trung Quốc sẽ có ý nghĩa thực chất đối với vòng đàm phán Copenhagen vào cuối năm nay. Ông cho biết: “Hai nước Trung - Mỹ chiếm tới 40% lượng khí thải CO2, nếu hai nước có thái độ tích cực hơn, sẽ có ý nghĩa lớn đối với việc đạt được hiệp định về giảm lượng khí thải”. Trung Quốc và Mỹ thuộc nhóm “G2” trên phương diện giảm lượng khí thải, do vậy Dương Phúc Cường hy vọng chuyến thăm lần này, Trung - Mỹ sẽ đạt được kết quả tốt. Đàm phán về triển vọng hợp tác phát triển lĩnh vực năng lượng sạch cũng là một trong những nội dung được phía Mỹ coi trọng.
Yêu cầu Trung Quốc “Tái bảo đảm về mặt chiến lược”
Giáo sư Thời Ân Hoằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ - Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng, hiện nay Mỹ đang rất cần sự ủng hộ và phối hợp của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân ở Iran và Triều Tiên. Mỹ và châu Âu áp đặt biện pháp trừng phạt mới đối với Iran, nhưng Trung Quốc phản đối do Trung Quốc có quan hệ ngoại giao và hợp tác năng lượng với Iran.
Về vấn đề Triều Tiên, hai bên Trung - Mỹ vẫn còn tồn tại nhiều nghi ngại. Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên rơi vào bế tắc trong 2 năm cuối của chính quyền Bush, tháng 7 năm nay Triều Tiên lại thách thức cả cộng đồng quốc tế khi phóng thử hàng loạt tên lửa đạn đạo. Việc Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thăm Triều Tiên, tăng viện trợ cho nước này khiến Mỹ và Hàn Quốc nghi ngờ. Trong bối cảnh đó, chính phủ Mỹ sẽ yêu cầu Trung Quốc cần phải có sự “tái bảo đảm về mặt chiến lược”. Vì vậy, đây sẽ là vấn đề không thể thiếu trong chuyến viếng thăm của Obama tới Trung Quốc.
Con bài để Mỹ thương lượng với Trung Quốc
Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng cho hay, Mỹ sẽ tiếp kiến với Lạt-ma sau chuyến thăm Trung Quốc. Mỹ luôn dùng con bài nhân quyền ở vùng Tân Cương và Tây Tạng để thỏa hiệp với Trung Quốc. Mỹ đòi hỏi Trung Quốc phải minh bạch, công khai hơn nữa trong việc xét xử các tội phạm trong vụ bạo loạn Tân Cương hồi tháng 7 vừa qua.
Bên cạnh đó, một số học giả còn cho rằng, chuyến thăm này của Obama đến Trung Quốc nhằm đặt nền móng cho việc hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ với Trung Quốc trong vòng 3 năm tới. Về mặt chính trị, ngoài việc hải quân Trung - Mỹ đụng độ trên biển Đông, còn có thông tin Obama sẽ hội kiến với Lạt-ma sau khi thăm Trung Quốc. Điều đó gián tiếp chứng tỏ lập trường của Mỹ trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc vẫn chưa vững chắc. Sự dao động lập trường của Mỹ chứng tỏ các tập đoàn lợi ích của Mỹ vẫn chưa hình thành được một nhận thức chung trong các vấn đề đối với Trung Quốc. Do đó, ý nghĩa của chuyến thăm này không phải là đạt được bao nhiêu hiệp định song phương, có chấm dứt được tranh chấp thương mại song phương hay không, mà ở chỗ thông qua chuyến thăm này, chính phủ Obama hoạch định chính sách đối với Trung Quốc trong vòng 3 năm tới, từ đó nhằm cố gắng tránh những sóng gió gây căng thẳng trong quan hệ giữa hai thực thể lớn này.