Bộ chỉ huy châu Phi của Mỹ (AFRICOM) được thành lập trong tranh cãi cách đây hơn hai năm và kể từ đó phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích. Vì bản thân AFRICOM không thể giải thích rõ ràng về sứ mệnh của mình nên những nghi hoặc về sự tồn tại của tổ chức vẫn không ngừng tăng lên.
Cứ như không còn đủ bận rộn ở Iraq và Afghanistan, quân đội Mỹ hiện đang phát triển một dự án khác: xây dựng một Bộ chỉ huy châu Phi hoàn toàn mới từ chính nơi này. Trong nhiều năm, Bộ Quốc phòng Mỹ chia Bộ Tư lệnh thành ba bộ chỉ huy hiện có: Trung tâm, châu Âu và Thái Bình Dương. Tuy nhiên, vào ngày 6/2/2007, chính quyền George W. Bush tuyên bố rằng châu Phi cuối cùng sẽ nhận được sự quan tâm một cách riêng rẽ.
Dẫu vậy, nếu động thái trên biểu thị cho tầm quan trọng thiết yếu của châu Phi đối với Mỹ thì cách người ta đón nhận nó lại không tương xứng. Từ giây phút mà Bộ chỉ huy châu Phi của Mỹ (AFRICOM) được đề cập tới, những lời đồn đại bắt đầu lan xa. Những người chỉ trích cho rằng, Bộ chỉ huy chắc chắn đang tìm kiếm một ngôi nhà lâu dài ở lục địa châu Phi và tổ chức quân sự mới sẽ dẫn tới sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Mỹ trong khu vực. Một số khác, bao gồm phần lớn các chính phủ ở tiểu vùng Sahara của châu Phi, lại e sợ một kiểu thực dân kiểu mới của Mỹ.
Trong khi đó, AFRICOM đã không thể (và vẫn không thể) giải thích được một cách rõ ràng nhiệm vụ của họ. Điều này càng tạo điều kiện nuôi dưỡng những nghi hoặc. Sau hai năm, các cơn sốt đã hạ nhiệt nhưng AFRICOM vẫn là một vấn đề gây tranh cãi.
"AFRICOM được lập ra để chống khủng bố"
Chỉ một phần. Để hiểu rõ hơn,cần xét đến những câu hỏi trông có vẻ đơn giản nhất nhưng thực chất hóc búa nhất về bộ chỉ huy: AFRICOM thực chất làm việc gì? Sau khi bộ chỉ huy này được thành lập cách đây hai năm rưỡi, ngay cả chính quyền Mỹ cũng vật lộn tìm ra điều đó. Các cơ quan dân sự đồng nghiệp của AFRICOM trong Bộ Ngoại giao châu Phi đã cảm thấy vừa bối rối vừa bị đe doạ. Họ sẽ phải thích ứng như thế nào khi AFRICOM bắt đầu điều khiển cuộc chơi?
Tuyên bố sứ mệnh mập mờ và khó hiểu của bộ chỉ huy không giúp giải quyết vấn đề. Theo tuyên bố của AFRICOM, tổ chức này "tham gia duy trì an ninh thông qua các chương trình giao lưu quân đội, các hoạt động được quân đội tài trợ và các hoạt động quân sự khác theo chỉ thị nhằm xúc tiến một môi trường an toàn và ổn định ở châu Phi, ủng hộ chính sách ngoại giao của Mỹ".
Sự thiếu định hướng từ bên trong này là một lý do khiến AFRICOM dễ bị chỉ trích đến như vậy. Có một điều rõ ràng là, nhiệm vụ chính của AFRICOM là tìm hiểu về các quân đội của châu Phi - nhằm giúp huấn luyện, tăng cường tính chuyên nghiệp của các lực lượng này và nhìn chung là đóng vai trò như một ví dụ tốt cho các quốc gia mà rất nhiều trong số đó chưa từng có quân đội phụ thuộc một chính quyền dân sự. Điều này sẽ khiến các nước châu Phi cung cấp nhân lực cho các sứ mệnh gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc, một dự án đã khởi động theo Sáng kiến hoạt động hoà bình toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tuy nhiên, sau đó, mọi việc trở nên mờ nhạt hơn. Chuyên gia phân tích J. Peter Pham, giám đốc Dự án châu Phi tại Uỷ ban Đối ngoại quốc gia Mỹ, đề cập tới an ninh năng lượng như một mục tiêu hàng đầu. "Tầm quan trọng của châu Phi đối với an ninh năng lượng của Mỹ không thể bị đánh giá thấp", ông viết trên tờ The Brown Journal of World Affairs vào mùa thu/đông năm 2008. Những nơi như Nigeria đáng trở thành các nguồn cung cấp năng lượng lớn khi các nhà hoạch định chính sách Mỹ từ bỏ sự phụ thuộc vào Trung Đông.
Và chủ nghĩa khủng bố cũng không kém phần quan trọng bởi vì nó có thể là mối quan tâm cấp bách nhất từ bối cảnh của Mỹ. Một dấu hiệu tốt về cách Mỹ bắt đầu nhìn nhận châu Phi như thế nào sau các cuộc tấn công 11/9, là sáng kiến Pan-Sahel, một nỗ lực nhằm tăng cường khả năng của binh lính địa phương ở Chad, Mali, Mauritania và Niger để tìm kiếm và loại bỏ tận gốc bọn khủng bố địa phương. Nỗ lực thứ hai, Sáng kiến chống khủng bố xuyên Sahara, tiếp theo 2 năm sau đó, đã đưa thêm 5 nước vào danh sách trên. Những chương trình như vậy phản ánh sự thay đổi trong quan điểm về an ninh, vốn đã bắt đầu nhìn nhận nghèo đói, sự bất mãn và quản lý kém như những nỗi thống khổ căn bản liên quan đến khủng bố. Và chúng sẽ chắc chắn tiếp tục dưới ảnh hưởng của AFRICOM.
Vì vậy, đối với những ai lo lắng về một sự hiện diện quân sự mang tính áp đặt của Mỹ ở châu Phi, câu hỏi có thể sẽ không còn tập trung vào việc binh sĩ Mỹ đang làm gì mà là họ đang huấn luyện binh lính châu Phi thực thi các nhiệm vụ nào. Và ở đây, thật là thiển cận khi nhìn nhận châu Phi hoàn toàn về khía cạnh khủng bố, dầu mỏ và gìn giữ hoà bình. Cả ba lợi ích chính này mặc dù mang tính then chốt đối với Mỹ nhưng ít có khả năng là những nỗi muộn phiền thường trực của người dân châu Phi. Bất cứ cư dân nào ở Johannesburg hay Lagos khi được hỏi cũng nói với bạn rằng, cảnh sát tốt còn cần thiết hơn nhiều so với các đội chống khủng bố. Tuy nhiên, những kẻ móc túi và cướp có vũ trang không chiếm vị trí cao trong danh sách các đe doạ chiến lược mà Mỹ đặt ra.
Đối với một số nước châu Phi, một quân đội mạnh có thể thậm chí phản tác dụng, đặc biệt nếu các mặt khác của chính phủ không được cải thiện đồng thời. Như một chuyên gia phân tích đã nói khi đề cập tới AFRICOM gần đây, biến quân đội trở nên chuyên nghiệp hơn chính phủ nghe giống như một công thức cho đảo chính. Chỉ cần nhìn vào Guinea để lấy dẫn chứng: Việc tiếp quản của quân đội vào tháng 11/2008 ban đầu đã được chào đón bằng các cuộc tuần hành ăn mừng trên các đường phố của một đất nước bị từng nhấn chìm hàng thập kỉ dưới sự lãnh đạo của chính quyền dân sự tham nhũng và thờ ơ. Nếu quân đội đó được huấn luyện theo các thủ thuật chống khủng bố, người ta có thể tưởng tượng được việc họ có thể dễ dàng đàn áp bất kỳ sự chống đối nào.
"AFRICOM muốn tìm kiếm một căn cứ tại lục địa đen"
Không, ít nhất vào thời điểm hiện tại. Trong số tất cả những lời đồn thổi bao quanh việc thành lập AFRICOM hơn hai năm trước đây, không có cái nào tồn tại lâu hơn quan điểm rằng AFRICOM đang tìm kiếm một căn cứ ở châu Phi. Việc nhiều chính phủ châu Phi đơn phương lên án AFRICOM và từ chối chào đón binh sĩ Mỹ (Liberia là quốc gia duy nhất đưa ra đề nghị đón nhận AFRICOM) cũng không giúp xoá bỏ những tiếng xì xào bàn tán.
Tuy nhiên, AFRICOM hiện không tìm kiếm một căn cứ, ngay cả nếu họ đã từng làm điều đó trước khi bị hắt hủi nghiêm trọng đến vậy. Từ trụ sở hiện thời ở Stuttgart, Đức, AFRICOM có vị trí thuận lợi cho việc thực thi các nhiệm vụ và không có mong muốn di chuyển. Bộ chỉ huy không có binh sĩ trực thuộc lâu dài để điều động nên sẽ phải yêu cầu quân thông qua Bộ Quốc phòng khi có nhiệm vụ. Và đối với 1.300 nhân viên của AFRICOM, bao gồm 300 nhân viên thuộc bộ phận Các chiến dịch đặc biệt, 250 nhân viên tình báo và các nhân viên dân sự còn lại thì việc đi quanh châu Phi từ Stuttgart thực sự dễ dàng hơn từ Monrovia (thủ đô của Liberia). Để bay từ phương Tây sang Đông Phi, bạn dẫu sao cũng phải bay qua châu Âu.
Liệu AFRICOM có thể thực sự hiện diện ở châu Phi một ngày nào đó? Nhiều người tin rằng Lực lượng công tác phối kết hợp - Sừng châu Phi (CJTF-HOA), được thành lập riêng rẽ vào năm 2002 và hiện giờ đang nằm dưới sự giám sát của AFRICOM, có thể là một biểu hiện của những gì sẽ tới. Đóng đô tại Djibouti, phái đoàn gồm 1.500 binh sĩ và nhân viên dân sự này, đã hoạt động tích cực trong các chương trình huấn luyện, chống khủng bố, hoạt động tình báo và hỗ trợ nhân đạo trong khu vực. Liệu có thể gọi đây là một bước thử hoạt động của AFRICOM?
"AFRICOM sẽ quân sự hoá viện trợ nước ngoài"
Có thể. Phản đối chính đối với AFRICOM xuất phát từ e ngại rằng bộ chỉ huy mới sẽ quân sự hoá viện trợ nước ngoài và binh lính sẽ tiếp quản các nhiệm vụ theo truyền thống vẫn mang tính dân sự. Nguy cơ này sẽ tăng gấp đôi: Quân đội không chỉ kém hiệu quả hơn trong việc thực thi các công việc nhân đạo mà còn làm tổn hại sự trung lập của các nhân viên cứu trợ độc lập khi ranh giới giữa quân sự và dân sự trở nên không rõ ràng. Bộ Ngoại giao là một trong số những cơ quan đã đề cập tới lo ngại này. Như giải thích của một báo cáo mới được công bố của Văn phòng tổng thanh tra, hiện có "sự tranh luận nội bộ rất lớn [bên trong Vụ châu Phi] về tính đúng đắn của việc tài trợ quân sự trong các hoạt động ngoại giao công chúng và phát triển của Mỹ ở châu Phi".
Nỗi e ngại bắt nguồn từ sự thống trị của AFRICOM và Bộ Quốc phòng nói chung, vượt qua cả Bộ Ngoại giao xét về nhân sự, ngân quỹ và tính linh hoạt. Việc chú trọng của AFRICOM vào sự phát triển như một trong những phương tiện chính để "ngăn chặn xung đột" cũng dấy lên các nghi ngại về việc quân đội sẽ hành động ra sao. Thêm vào đó, so với các cơ quan dân sự, các bộ phận trực thuộc quân đội thường ít bị bó buộc với thủ tục giấy tờ và những giới hạn mua sắm, đặc biệt từ Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) vốn nổi tiếng là quan liêu.
Trong tình trạng thiếu chính sách rõ ràng về vấn đề trên, một giải pháp thực tế đã xuất hiện, được tổng kết một cách ngắn gọn trong cuốn chỉ dẫn chuyên môn về Các hoạt động bình ổn của Bộ Quốc phòng: "Nhiều nhiệm vụ về các hoạt động bình ổn được các chuyên gia bản xứ, ngoại quốc và dân sự Mỹ thực hiện tốt nhất. Tuy nhiên, các lực lượng quân đội Mỹ nên sẵn sàng thực hiện tất cả các nhiệm vụ cần thiết để thiết lập hoặc duy trì kỉ cương khi các nhân viên dân sự không thể làm được điều đó". Nói một cách khác, nếu Bộ Ngoại giao không thể làm được việc gì đó, Bộ Quốc phòng sẽ đứng ra gánh vác chừng nào họ còn quỹ và thẩm quyền.
Vẫn chưa có kết luận về việc liệu sự chuyển dịch trách nhiệm này có phải là điều tốt. Đôi khi, quân đội thực sự phù hợp cho công việc, ví dụ, khi nhiệm vụ thực sự là huấn luyện quân sự nhưng các nguồn quỹ cho hoạt động này hiện vẫn phân bổ cho Bộ Ngoại giao. Cũng có những tình huống phi quân sự mà binh sĩ có thể hữu dụng: khi chính phủ dân sự ở Nam Phi vẫn còn phủ nhận đại dịch HIV/AIDS, quân đội Mỹ đã giúp đào tạo binh sĩ Nam Phi về cách phòng ngừa - một biện pháp y tế cộng đồng kiểu "cửa hậu". Các nhân viên quân sự của AFRICOM tốt nhất không nên trở thành các chuyên viên thiết kế. Bản thân họ sẵn sàng thừa nhận đó không phải và không nên trở thành vai trò của mình. Tuy nhiên, nếu phía dân sự thiếu khả năng lấp chỗ trống, họ có thể phải thích ứng.
"Cuộc chiến giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng ở châu Phi đã chấm dứt"
Nếu điều đó là thật, Quốc hội vẫn chưa nhận được bản thông báo. Suốt hai năm qua, căng thẳng giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng về sự phân chia nhiệm vụ ở châu Phi đã suy giảm. Tuy nhiên, trong khi hai cơ quan này hiện gần như nhất trí rằng châu Phi cần được tăng cường theo hướng dân sự (Bộ trưởng Quốc phòng Gates từng có lần phàn nàn rằng đội ngũ nhân viên quân sự trên một chiếc hàng không mẫu hạm vượt quá tổng số nhân viên thuộc Cục Đối ngoại Mỹ) nhưng Quốc hội vẫn không nắm bắt được. Cam kết của Ngoại trưởng Mỹ đương nhiệm Hillary Clinton về việc đổi mới Bộ Ngoại giao thông qua việc tăng đáng kể nhân sự, ngân quỹ và phạm vi quyền lực hiện vẫn chỉ là một giấc mơ hão huyền.
Tại sao lại khó xin ngân sách cho Bộ Ngoại giao? Theo nhiều cách, sự suy giảm ưu đãi cho Bộ Ngoại giao là một vòng quay khắc nghiệt: Quốc hội tin rằng Bộ Ngoại giao thiếu khả năng thực hiện các dự án nên trao chúng cho những cơ quan khác, thường là Bộ Quốc phòng, cơ quan gần như được trang bị đầy đủ hơn. Mỗi lần điều này xảy ra, Bộ Ngoại giao lại mất cơ hội phát triển cơ quan và vì vậy ấn tượng của Quốc hội càng được củng cố.
Công bằng mà nói, một số nghị sĩ trong Quốc hội có thể bắt đầu hiểu ra vấn đề. Sự xôn xao mới đây về các hoạt động thông tin (IO) - một thuật ngữ mà theo từ điển của Bộ Quốc phòng, hàm chỉ các chương trình quân sự nhằm "gây ảnh hưởng, phá vỡ, mua chuộc hoặc gây sức ép với người đối lập và thâu tóm quyền quyết định trong khi bảo vệ lợi ích của mình" - cho thấy rằng Quốc hội bắt đầu ngờ vực liệu Bộ Quốc phòng có nên luôn luôn thắng thế Bộ Ngoại giao. Hoạt động IO hiện chồng chéo với hoạt động ngoại giao công chúng, một nhiệm vụ theo truyền thống thuộc về Bộ Ngoại giao nhưng ngày càng được Bộ Quốc phòng tiến hành.
Uỷ ban Chuẩn chi của Hạ viện mới đây đã cắt giảm một nửa ngân sách của Bộ Quốc phòng dành cho IO và giải thích rằng: "Uỷ ban quan ngại sâu sắc không chỉ đối với lượng ngân sách đáng kể được chi dùng vào những chương trình này, mà quan trọng hơn, là đối với sự đảm đương của Bộ Quốc phòng trong phạm vi các vai trò và trách nhiệm của cơ quan".
Dẫu vậy, không có thay đổi lớn nào trước mắt về sự cân bằng quyền lực giữa quân đội và các bên dân sự. Hiện tại, AFRICOM sẽ phải tiếp tục tiến bước trong lộn xộn.
"AFRICOM sẽ là một bộ chỉ huy không giống những bộ chỉ huy khác"
Cơ quan này sẽ phải trở thành như vậy. AFRICOM cam kết trở thành "một kiểu bộ chỉ huy khác biệt" với đội ngũ nhân viên từ nhiều cơ quan khác nhau của Mỹ và một sứ mệnh khác về căn bản so với các tổ chức quân sự khác. AFRICOM thậm chí rút ra một học thuyết quân sự mới mang tính cách mạng, làm tăng thêm các bước cho quá trình can thiệp quân sự, vốn theo truyền thống được định nghĩa gồm 4 giai đoạn: cản trở/giao chiến, nắm thế chủ động, chế ngự và chuyển giao. AFRICOM rơi vào "giai đoạn 0" mới, trước bất kỳ một giai đoạn nào trong 4 giai đoạn kể trên: ngăn chặn xung đột.
Theo một nhân vật tham gia một hội nghị gần đây của AFRICOM, điều đó có nghĩa, làm mọi thứ có thể nhằm tránh phải dính líu tới "một kế hoạch Colombia 25 năm" mới để xoá sạch tình trạng rối loạn kéo dài - ám chỉ tới việc Mỹ đã phải chi ra hơn 5 tỉ USD để hỗ trợ giải quyết các vấn đề ma tuý và bạo loạn tại Colombia.
Những gì cần phải xem xét là nhiệm vụ này có thể tiến triển tốt tới mức nào. AFRICOM có một nhiệm vụ rất giống các lực lượng ở Afghanistan - những người đang hy vọng sẽ tái xây dựng quân đội đã suy sụp, khuyến khích phát triển kinh tế và đồng thời tăng cường an ninh thường nhật. Các tổ chức chống bạo loạn và an ninh châu Phi bắt đầu sáp nhập hoặc ít nhất kết hợp trong một thế giới ý tưởng ở Washington. Hai nhóm có thể chia sẻ tốt thành công cũng như thất bại của họ.
-
Thanh Bình (Theo FP)