Một chiếc tàu chiến độc đáo của Pháp đã tới St. Petersburg hôm thứ 2 (23/11) để chào hàng và trình diễn những khả năng với khách hàng tiềm năng là Hải quân Nga. Tham vọng Hải quân của Nga ngay lập tức làm một số nước láng giềng phải e ngại.
Tàu chiến Mistral của Pháp đậu trên sông Neva tại St. Petersburg (Ảnh: Reuters) |
Lực lượng Hải quân Nga hùng mạnh một thời đã xuống cấp nghiêm trọng kể từ khi Liên bang Xô-Viết sụp đổ, và hiện Nga đang không có con tàu lớn nào có sức mạnh neo đậu ở trên biển và triển khai quân đội vào đất liền.Các quan chức Nga nói rằng, họ dự định năm nay sẽ tiến hành thương vụ quân sự đầu tiên với thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương khi mua một tàu chiến pháp Mistral, loại tàu tấn công có khả năng vận chuyển 16 máy bay trực thăng, 4 xuồng đổ bộ, cùng với 70 xe tăng và xe bọc thép và 450 binh lính. Chiến hạm này được trang bị 1 bệnh viện 69 giường và có thể được sử dụng như một tàu chỉ huy đổ bộ.
Người đứng đầu Hải quân Nga đã nói rằng tàu hạng Mistral có thể chuyển cùng số quân tới Gruzia chỉ trong 40 phút so với lần đáp xuống của phi đội Biển Đen trong 26 tiếng tại cuộc chiến tháng 8/2008. Moscow tuyên bố rằng lãnh thổ ly khai từ Gruzia - Abkhazia - là quốc gia độc lập sau cuộc chiến và gửi hàng nghìn lính tới đó.
Cả Nga, Gruzia và Ukraine đều có đường bờ biển tại biển Đen như Abkhazia.
Con tàu Mistral cập bến hôm 23/11 trên sông Neva, nơi cách bảo tàng Hermitage khoảng 1km.
Nika Laliashvili, thành viên ủy ban các vấn đề quốc phòng nghị viện Gruzia phản ứng: "Chúng tôi phản đối mạnh mẽ việc Nga mua những con tàu như thế. Nó sẽ gây nên mối đe dọa đối với Gruzia".
Tàu Mistral, được ra khơi năm 2006 trong lần hoạt động đầu tiên là vận chuyển người tị nạn Li Băng, là một trong hai tàu hạng này của Hải quân Pháp.
Các quan chức NATO tại Brussels từ chối bình luận về cuộc mua bán sắp xảy ra này.
Điện Kremlin trong những năm gần đây ngày càng nỗ lực tăng cường thúc đẩy vị thế của mình trong các vấn đề quốc tế. Nước này đã cử tàu chiến tới giám sát vùng biển thường xuyên bị cướp biển quấy phá ngoài khơi Somali và triển khai một liên đội tàu tới Caribe, nơi nước này tham gia tập trận chung với Hải quân Venezuela và có một số lần ghé thăm vào năm 2008.
Nhiệm vụ ở Caribe, nhằm phô diễn sức mạnh quân sự ngay cạnh Mỹ trong những tháng sau cuộc chiến Nga-Gruzia, là một trong những lần triển khai Hải quân Nga gần đây nhất kể từ thời Liên bang Xô-Viết.
Dù tham vọng lớn nhưng sự chậm chạp của nền kinh tế hậu Xô-Viết đã dẫn tới hậu quả Hải quân Nga chỉ có một vài tàu lớn còn trong tình trạng tốt và một ngành công nghiệp đóng tàu ì ạch.
Nga chỉ có một tàu sân bay do Xô-Viết xây dựng, Admiral Kuznetsov, nhỏ hơn các tàu sân bay của Mỹ và đã bị mất ổn định do những vấn đề kỹ thuật và tai nạn gặp phải.
Các nhà đóng tàu Nga phản đối thương vụ Mistral, với lý do chính phủ nên đầu tư vào sản xuất trong nước. Các quan chức Hải quân lập luận rằng việc cho phép sản xuất tàu hạng Mistral sẽ giúp hiện đại hóa ngành công nghiệp đang lỗi thời của Nga.
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Pháp, xuất khẩu quân sự Pháp đã tăng 15% năm 2008 lên mức 6,4 tỷ euro (9,52 tỷ USD), một phần nhờ vào việc bán tàu khu trục nhỏ đa chức năng FREMM do Pháp-Ý sản xuất cho Ma rốc và máy bay vận chuyển chiến lược EC725 cho Brazil.
Xuất khẩu quân sự của Pháp ước đoán sẽ tăng lên mức 6,7 tỷ euro trong năm nay.
Các thương vụ lớn gần đây của Pháp là lần Brazil mua 5 tàu ngầm Scorpene, một trong số chúng có khả năng phóng hạt nhân và 50 trực thăng Cougar, với tổng trị giá khoảng 12 tỷ USD.
-
Đình Ngân (Theo WSJ)