Nhiều người Nga vẫn có tư tưởng chống NATO nhưng đã đến lúc họ cần loại bỏ cái nhìn định kiến đối với liên minh quân sự này.
Nếu bạn lắng nghe các chính trị gia, các nhà báo bảo thủ và chuyên gia phân tích hàng đầu của Nga, bạn sẽ nghĩ quỷ đang nằm trong NATO. Bất chấp sự thật rằng NATO đang chuyển đổi căn bản cấu trúc quân sự của liên minh và phi quân sự nhiều kể từ sự sụp đổ của Liên Xô, Nga vẫn tiếp tục biến NATO thành quỷ dữ.
Tất cả chúng ta đều nhớ những cụm từ được phóng đại của Tổng thống Putin khi đó: "Đồng chí chó sói, ai biết được anh ta sắp ăn thịt ai", hoặc, sau bi kịch bắt cóc con tin Beslan năm 2004, ông nhắc tới kẻ thù là "kẻ muốn nắm giữ những phần giàu có nhất" của nước Nga. Mặc dù những tuyên bố này chỉ úp mở, nhưng xuất phát từ bối cảnh thì rõ ràng chúng nhằm vào NATO hoặc Mỹ.
Ảnh The Moscow Times
Trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ George W. Bush, những phát biểu kích động chống NATO và Mỹ có thể đươc coi như một phản ứng cảm xúc thái quá cho những gì được coi là hiện tượng chống chủ nghĩa Bush toàn cầu. Tuy nhiên, điều đang gây khó chịu là cách hùng biện tiêu cực này vẫn tiếp tục diễn ra thậm chí sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề xuất với thế giới một chính sách ngoại giao mới dựa trên việc đề cao các hoạt động ngoại giao, các tổ chức quốc tế và việc đa phương hóa vốn bao gồm cả việc thừa nhận một cách rõ ràng vai trò quan trọng của Nga như một cường quốc toàn cầu.
Trong một ví dụ mới đây, Tổng thống Dmitry Medvedev có nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 20/9 với kênh CNN rằng, "Đừng quên việc NATO là một khối quân sự và các tên lửa của khối đang chĩa vào Nga" (Sau khi nghe điều này, tôi có thể tưởng tượng có bao nhiêu người Nga đang tranh giành tìm kiếm nơi tránh bom gần nhất nằm ở đâu).
Đâu là những tên lửa mà ông Medvedev đang nói tới? Sau khi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung, hay INF, giữa Mỹ và Liên Xô được kí kết năm 1987, tất cả các tên lửa hạt nhân và thông thường đặt trên mặt đất với tầm bắn xa từ 500km tới 5.500km đã bị phá hủy vào tháng 6/1991, bao gồm cả các cơ sở phóng chúng.
Chắc chắn, ông Medvedev không muốn ám chỉ rằng các thành viên châu Âu của NATO vì một lí do nào đó đã khôi phục các tên lửa tầm trung Pershing, lén lút đưa chúng trở lại các căn cứ quân sự ở châu Âu và nhằm chúng vào Nga? Những tên lửa này, với chiều cao hơn 10m và nặng hơn 4.600kg thực sự không dễ dàng có thể che giấu khỏi tầm giám sát của vệ tinh. Nếu chúng đã thực sự được tái triển khai ở châu Âu, chúng ta chắc chắn sẽ nghe thấy điều gì đó về vấn đề này từ giới quân nhân Nga rất lâu trước cuộc phỏng vấn của ông Medvedev trên CNN.
Trong thực tế, tất nhiên, không có bất kỳ tên lửa mặt đất, tầm trung nào được triển khai trên lãnh thổ của NATO - trừ phi bạn tính tới một vài tên lửa Pershing trống rỗng đang được trưng bày trong các viện bảo tàng (hoặc những phần tách rời của một tên lửa Pershing đã được ráp lại trong tác phẩm điêu khắc "Cái thiện chống quỷ dữ" của Zurab Tsereteli).
Tuy nhiên, quả là đáng hồ nghi rằng Medvedev đã nghĩ tới những tên lửa này khi ông trò chuyện với CNN. (Mặc dù INF chỉ áp dụng đối với hai nước - Mỹ và Liên Xô/Nga - các thành viên châu Âu của NATO đã tuân thủ nghiêm ngặt những giới hạn của hiệp ước, vốn có nội dung cấm sản xuất, thử nghiệm và triển khai những loại tên lửa này vì những lí do cụ thể: tránh trực tiếp đi ngược lại chính sách của Mỹ và khơi dậy một cuộc chạy đua vũ trang kiểu Chiến tranh Lạnh với Nga).
Ông Medvedev có thể ám chỉ rằng các tên lửa của NATO không tuân thủ INF - ví dụ, các tên lửa triển khai trên biển hoặc các tên lửa đặt ở Mỹ có tầm xa hơn 5.500km - nhưng những tên lửa này không nhằm vào Nga.
Tuy nhiên, lời giải thích khả dĩ hơn là ông vẫn còn bám chặt với hình tượng cũ của NATO từ cuối những năm 1970 và đầu 1980 khi các thành viên châu Âu của liên minh được vũ trang tận răng bằng những tên lửa tầm trung nhằm vào Liên Xô.
Thậm chí tới ngày nay, âm thanh của từ NATO luôn khơi dậy phản ứng tiêu cực đối với rất nhiều người Nga, thậm chí đối với cả tầng lớp trí thức, những người luôn hiểu một cách sâu sắc rằng khả năng quân sự của NATO cũng như mối quan hệ của liên minh đối với Nga hiện giờ hoàn toàn khác so với thời Chiến tranh Lạnh.
Xét về mức độ giải trừ quân bị của NATO ở châu Âu trong 18 năm qua, có nên phát biểu một cách nghiêm trọng về một mối đe dọa quân sự của NATO đối với Nga? "Mối đe dọa chính trị" của liên minh đối với Nga không nên bị nhầm lẫn với một mối đe dọa quân sự. Điều khiến Điện Kremlin quan tâm nhất là mô hình chính trị và an ninh mà NATO đề xuất có thể trở nên hấp dẫn hơn đối với các nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô hơn là mô hình mà Moscow đang nêu ra.
Dẫu vậy, thay vì tập trung vào các biện pháp cải thiện mô hình của Nga (hoặc gia tăng sự hợp tác đối với NATO nhằm chống các kẻ thù chung), những người bảo thủ tại đất nước này đang rút các bộ khung cũ từ chiếc tủ Chiến tranh Lạnh, tái tạo hình ảnh quá khứ của một "ông ba bị" NATO đầy khủng khiếp - điều được cho là đe dọa Nga về mặt quân sự và hủy hoại các quan hệ của Điện Kremlin với những đồng minh trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS).
Một người dẫn chương trình phát thanh và truyền hình nổi tiếng mới đây đã miêu tả NATO trên đài phát thanh Moskvy như "tên thủy quái sắt đang chà đạp lên toàn nhân loại". Tất nhiên, nhiều người Nga cho tới tận ngày hôm nay vẫn cảm thấy khó tha thứ cho NATO về chiến dịch quân sự của liên minh ở Nam Tư cũ. Tuy nhiên, "tên thủy quái sắt đang chà đạp lên toàn nhân loại" không phải là một tuyên bố quá phóng đại để miêu tả NATO hay sao?
Các cuộc thăm dò dư luận, kể cả các cuộc mới nhất, khẳng định rằng tư tưởng chống NATO và chống Mỹ vẫn còn nguyên mức độ như trong thời kỳ Bush, bất chấp cách tiếp cận rõ ràng là mới của ông Obama đối với Nga. Một số cuộc thăm dò chỉ ra rằng cảm xúc tiêu cực đối với NATO và Mỹ thực sự đã tăng lên kể từ khi Obama trở thành tổng thống. Điều này dẫn tới một vòng luẩn quẩn, nghiệt ngã: tư tưởng chống NATO càng tăng thì càng có nhiều nhà báo và chính trị gia hùa theo nó, làm tư tưởng chống NATO càng tăng hơn nữa. Điều này khó mà giúp "cài đặt lại" mối quan hệ Nga - Mỹ.
Cách hùng biện chống NATO có vẻ đặc biệt thô sơ và lỗi thời sau khi Nga đã nhất trí cung cấp cho Mỹ và các nước NATO khác một hành lang không phận để vận chuyển quân sự hồi tháng 7 vừa qua. Thêm vào đó, tân Tổng thư kí NATO Anders Fogh Rasmussen đã cam kết sẽ cải thiện quan hệ NATO - Nga và điều này mang tới rất nhiều hứa hẹn.
Vì vậy, thật dễ chịu khi Mikhail Margelov, người đứng đầu Ủy ban các vấn đề quốc tế của Hội đồng liên bang Nga và là một thành viên của đảng Nước Nga thống nhất, có quan điểm trái ngược nhiều tuần trước đây. Trong một cuộc tranh luận trong chương trình tọa đàm "Sudite Sami" được ưa chuộng trên Kênh 1, ông nói: "Hãy nhớ rằng NATO đang bảo vệ đường biên giới phía nam của Nga! Tôi nhận ra rằng điều này có thể không phải là một quan điểm phổ biến đối với các khán giả của đài". Những tiếng nói bổ sung như Margelov cần phải được nghe thấy thường xuyên hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo ra một cuộc thảo luận và tranh luận cân bằng hơn bên trong nước Nga về vấn đề NATO cũng như mối quan hệ mới của liên minh với nước này.
Nga có một câu ngạn ngữ tuyệt vời với đại ý "Quỷ dữ cũng không tồi tệ như bề ngoài". Trên thế giới này đã có đủ những con qủy thực sự mà không cần dựng lên các con quỷ ảo.
-
Thanh Trà (Theo The Moscow Times)