Công tác chuẩn bị phòng thủ đã diễn ra ở một số thị trấn biên giới của Thái, nơi chỉ cách biên giới Thái Lan-Campuchia vài kilomet. Trong vài tháng gần đây, các boongke đã được dựng lên như một phần chiến lược phòng thủ của dân Thái.
Boongke bằng bê tông và bao cát (ảnh CNA) |
Quan hệ giữa hai nước xuống tới mức thấp nhất vì nhiều lý do. Thứ nhất, mảnh đất gần ngôi đền cổ Preah Vihear hiện vẫn là thứ mà hai nước giằng co. Tiếp đó, mới đây, Thủ tướng Campuchia Hun Sen lại chào đón và mời cựu Thủ tướng Thaksin làm cố vấn chính phủ. Ngoài ra, việc Phnom Penh bắt giữ một công dân Thái với cáo buộc là gián điệp cũng dẫn tới bế tắc ngoại giao giữa hai nước.
Tuy vậy, phần đông các nhà phân tích đều cho rằng đó chỉ là bất đồng nhỏ, khó biến thành bạo lực.
"Xung đột nảy sinh vào thời điểm này không phải là giữa những người dân. Người Thái và người Campuchia vẫn là bạn bè tốt của nhau và hai bên vẫn giữ quan hệ tốt đẹp, ngay cả các binh sĩ cũng vậy. Không ai muốn giao đấu, nhưng trong trường hợp cần phải làm như vậy, chúng tôi sẵn sàng chiến thắng", Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan Pirapan Salirathavibhaga tuyên bố.
Ngoài kế hoạch sơ tán, chính quyền ở các thị trấn biên giới của Thái đã dựng boongke bằng bê tông và 340 túi cát với chi phí hơn 2 triệu USD. Theo quan chức chính quyền, mọi người cảm thấy yên tâm hơn với các boongke ở quanh.
Và mặc dù chính phủ Thái khẳng định, tình hình ở biên giới vẫn bình thường nhưng giới truyền thông lại không được phép tới khu vực này và được thông báo, đó là vì an toàn của chính họ.
Một số nhà phân tích nhận định, người Thái sẽ gạt chia rẽ chính trị sang một bên để đoàn kết chống lại mối đe doạ từ bên ngoài. Tuy nhiên, ở góc này của Thái Lan, cựu Thủ tướng Thaksin vẫn đang được ủng hộ.
"Người dân địa phương thích Thaksin. Chúng tôi tự hào rằng một người Thái lại trở thành cố vấn cho một nước khác", Nirandon Lumthaisong, và Sao Thongchai quan chức địa phương nói.
Trong trường hợp, bất đồng leo thang, biên giới hai nước sẽ bị phong toả.
-
Hoài Linh (Theo CNA)