Mặc dù các tín hiệu gần đây cho thấy Mỹ đã vượt qua khỏi giai đoạn suy thoái và đang dần hồi phục; song người Mỹ vẫn tỏ ra lo ngại rằng nền kinh tế nước này và cả hướng đi trong mấy tháng qua dường như vẫn chưa rõ ràng.
Hiện đã có các dấu hiệu người dân tỏ ra nản lòng các quan chức Mỹ, kể cả ông Obama. Ảnh AP
Trong một điều tra của Bloomberg tiến hành với 1000 người Mỹ đại diện, có đến một nửa số người được hỏi cảm thấy không vững tâm về tình hình tài chính từ khi Tổng thống Obama lên nhậm chức vào 20/1.
Mối lo ngại này đẩy người tiêu dùng đang trong tình trạng phải “tính toán so đo”, nhất là khi kỳ nghỉ Noel đang đến gần. Có tới 82% nói họ có kế hoạch mua quà Giáng sinh từ khoản tiền mặt ngoại tệ hoặc tiền tiết kiệm. Chỉ 27% nói sẽ đặt quà qua Internet năm nay; trong khi 42% cho hay sẽ mua ít hơn. 22% không có ý định mua quà tặng trong dịp Giáng sinh năm nay.
Việc người dân bớt chi tiêu luôn là một khó khăn cho tăng trưởng kinh tế Mỹ.
“Giai đoạn suy thoái có thể đã đi qua song chính phủ Obama dường như cũng đang thua cuộc trong cuộc chiến vô hình này, rằng chính phủ sẽ thuyết phục và dành lại được con tim, khối óc của tất cả người dân Mỹ. Điều này thật quan trọng vì chi tiêu dùng của người dân Mỹ là nhân tố then chốt đẩy khả năng hồi sinh nền kinh tế bước sang một trang bình ổn, vững chãi”, một chuyên gia Phố Wall nhận định.
Hôm 8/12, chính Tổng thống Obama cũng đã bày tỏ lo lắng của ông về nền kinh tế. Nỗi lo trước nhất là tỷ lệ thất nghiệp cao. Quá nhiều người rơi vào tình trạng không có công ăn việc làm, gây nguy hại cho nền kinh tế trong vòng 2 năm tới. Điều này còn nghiêm trọng hơn so với tình trạng thâm hụt thương mại.
Quay trở lại với điều tra trên, cứ 3 người thì chỉ 1 người lạc quan đưa ra nhận xét nền kinh tế sẽ cải thiện trong khoảng 6 tháng tới.
Nhìn chung, người dân tỏ ra khá bi quan về khả năng chính phủ sẽ giảm quyết thành công tình trạng thất nghiệp hoặc thâm hụt ngân sách.
Chỉ có 32% số người cho rằng Mỹ sẽ đi đúng hướng, so với 40% trong tháng 9.
Đặc biệt phải đề cập tới thái độ của các thành viên trong Đảng Dân chủ đã chuyển biến một cách khá sâu sắc: trong khi hầu hết vẫn giữ thái độ khá tích cực, thì số thành viên cho rằng nền kinh tế Mỹ đang đi đúng hướng giảm từ 71% xuống còn 58%.
Nghiêm trọng hơn, đã có các dấu hiệu người dân tỏ ra nản lòng các quan chức tài chính Mỹ.
33% số người không tán thành quan điểm của Bộ trưởng Tài chính Timothy Geither so với con số 26% ủng hộ.
Một kênh tiếp cận các chính sách kinh tế của công chúng là Chủ tịch cục Dự trữ Liên bang (Fed), Ben S. Bernanke. Mặc dù khá độc lập với Nhà Trắng, song hiện tại hình ảnh của ông trong người dân Mỹ cũng giảm xuống: chỉ có 1/3 người dân ủng hộ ông, so với 41% trong tháng 9.
Theo nhận định của J. Ann Selzer, chủ tịch tập đoàn Selzer & Co., sự lo lắng còn đến từ bộ phận thuộc tầng lớp trung lưu trong xã hội. Có 9/10 người được hỏi nói họ tin số người Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu trong xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa trong cuộc sống.
Khi được hỏi về tác động của các biện pháp hỗ trợ cho các mặt đời sống, cụ thể: thu nhập hộ gia đình, chất lượng y tế, tiết kiệm hưu trí, khả năng duy trì công việc và khả năng thế chấp nhà, các câu trả lời là các mặt kể trên ít cải thiện. Cứ 3 người Mỹ thì có 1 người xác nhận có sự cải thiện một trong số mặt kể trên.
- Nhật Vy (Theo Reuters, Financial Times, Bloomberg)