- Năm mới 2010 đã đến trên khắp toàn cầu với những màn trình diễn pháo hoa ngoạn mục và những lễ hội lớn tại thủ đô các nước trong cảnh an ninh được siết chặt.
Năm mới 2010 đã đến đất nước Việt Nam.
Hãy gác lại những phiền muộn của năm cũ và cùng VietNamNet chờ đợi những niềm vui của năm mới.
Dù bạn đang ở Mỹ, châu Âu, hay bất kỳ đâu trên trái đất này, vào thời khắc giao thừa thiêng liêng tiễn năm cũ và đón năm mới, hãy chia sẻ với độc giả VietNamNet những cảm xúc, hình ảnh, không khí và hình thức đón năm mới riêng của mình.
VietNamNet xin cảm ơn các bạn đọc khắp nơi trên thế giới đã chia sẻ những khoảnh khắc năm mới với tất cả bạn đọc của báo. Chúc quý độc giả một năm mới an khang, thịnh vượng.
12h30 giờ Việt Nam, 1 triệu người Mỹ tụ tập ở quảng trường Thời đại, New York Mỹ, vừa chào đón năm mới với một màn pháo hoa, hoa giấy, những tiếng reo hò, rượu sâm panh và những nụ hôn.
Mọi người đều hô vang "Chúc mừng năm mới" (Ảnh AP) |
Quả cầu pha lê đã rơi xuống, hoa giấy từ trên cao rơi xuống như mưa, nhấn chìm đám đông hàng trăm nghìn người có mặt ở Quảng trường thời đại, vốn đang chào năm mới 2010 bằng tiếng hò reo.
Ôm, hôn nhau, những người tham gia lễ hội nhìn về một thập niên tràn ngập hy vọng sau 10 năm bị nhuốm màu chiến tranh, khủng bố và kinh tế bất ổn.
Joao Lacerda, 58 tuổi người Brazil, có mặt tại Quảng trường thời đại đã ước "thật nhiều hạnh phúc và hòa bình cho thế giới" khi quả cầu được thả xuống.
Các nhà tổ chức đón năm mới ở quảng trường đã trộn lẫn những mẩu giấy ước viết tay với hàng trăm kg hoa giấy để thả từ trên các tòa nhà cao xuống. Những câu chúc, ước nguyện gồm, cầu cho các binh sĩ đang chiến đấu ở nước ngoài về nước an toàn, vẫn có việc làm và có cách chữa bệnh tiểu đường.
Diễu hành mừng năm mới tại Boston (Ảnh Boston.com) |
10h sáng giờ Việt Nam, nước Mỹ chuẩn bị đón chào giờ khắc trọng đại chuyển giao năm mới. Bạn Tuyết Thanh, một người Việt đang sống ở California, Mỹ , chia sẻ việc chuẩn bị đón giao thừa tại đây.
Cũng giống như những tiểu bang khác tại Mỹ, người dân California đang dồn hết những công việc cuối cùng để chào đón năm mới. Mọi người ai cũng cố gắng đi mua sắm, tìm cho người thân những món quà ý nghĩa. Là một người dân Việt Nam trên đất khách quê người, gia đình tôi năm nay vẫn đón tết như mọi năm, mẹ chồng tôi nấu những món ăn truyền thống để đón tết. Ở California thì không có tuyết nhưng thời tiết ở đây rất lạnh, lạnh hơn Hà Nội. Tuy vậy chồng tôi vẫn chịu khó đưa hai mẹ con tôi đi tới San Francisco để đón giao thừa, xem bắn pháo hoa và hòa cùng dòng người, đếm ngược thời gian, reo hò và chờ giây phút năm mới đến.
Mâm cơm truyền thống đón năm mới. Ảnh: Tuyết Thanh |
Trong khi đó, tại thành phố New York, hàng trăm ngàn người tụ họp trong thời tiết giá lạnh ở Quảng trường Thời đại để chờ đón năm mới. Rất nhiều người đội những chiếc mũ chóp sặc sỡ và diện kính hình năm 2010 nhấp nháy.
Trong đám đông, một số người nhảy cò cò để giữ ấm. Theo dự báo của cơ quan khí tượng thuỷ văn quốc gia Mỹ, nhiệt độ sẽ xuống rất thấp và trời sẽ có tuyết vào thời khắc chuyển giao năm cũ - năm mới.
Các nhà tổ chức đã chuẩn bị 1.360 kg hoa giấy để thả xuống khi quả cầu pha lê trứ danh tại Quảng trường Thời đại rơi xuống đúng vào đúng nửa đêm. Các màn pháo hoa rực rỡ đã được bắn từ lúc khoảng 6 giờ tối (6 giờ sáng giờ Việt Nam). Quả cầu pha lê khổng lồ cũng đã được hạ thấp xuống vị trí chờ đếm ngược thời gian.
9h: sáng giờ Việt Nam, Brazil đón chào năm mới 2010
Những thành phố tuyệt nhất để vui chơi đón chào năm mới ở Brazil được cho là Sao Paulo và Rio de Janeiro nhưng hai nơi này rất khác nhau. Sao Paulo là một thành phố rộng lớn, sôi động kiểu như New York nhưng Rio de Janeiro lại thiên về văn hóa biển. Các lễ hội thường bắt đầu diễn ra tại bờ biển khi mặt trời lặn và kéo dài hết đêm.
Người Brazil gọi đêm Giao thừa là Véspera de Ano Novo. Một giao thừa đúng nghĩa mà mỗi người dân Brazil đều mong đợi là ít nhất một lần trong đời họ được tiễn năm cũ và đón năm mới tại Rio de Janeiro. Khoảng 2 triệu người mặc đồ trắng lao xuống bãi biển Copacabana và Ipanema trước lúc nửa đêm. Những người tham gia lễ hội thắp nến, đặt chúng trong những chiếc thuyền nhỏ và đẩy ra khơi như một tặng phẩm dành cho Iemanja - vị thần của biển cả, để họ có được một năm mới tốt lành.
Vào nửa đêm, bầu trời sáng rực với màn trình diễn pháo hoa và các bữa tiệc đường phố kéo dài tới lúc bình minh.
7h sáng ngày 1/1/2010, năm mới đã về đến Thủ đô London của nước Anh, theo thông lệ, người dân đổ ra đường, chiêm ngưỡng màn pháo hoa hoành tráng từ London Eye.
Cộng tác viên VietNamNet từ London báo về, tiếng chuông đồng hồ Big Ben đã điểm để đón chào năm mới 2010.
Tiếp theo là màn pháo hoa được bắn lên từ London Eye. Người dân thành phố tập trung đông nghẹt ở hai bên bờ bắc và bờ nam của sông Thames, đoạn từ cầu Westminster tới cầu Waterloo, để thưởng thức màn pháo hoa hoành tráng này, bất chấp ngoài trời lạnh âm độ.
Trong khi đó, bạn Thùy Linh từ Newcastle cho biết, trái với không khí náo nhiệt ở London, lúc này ở Newcastle tuyết rơi rất dày, và lạnh. Nhiều người dân ở đây đang ở trong nhà chiêm ngưỡng màn bắn pháo hoa tuyệt đẹp ở London và nâng li chúc mừng năm mới.
Pháo hoa tại Newcastle. Ảnh Thùy Linh |
Theo Thùy Linh, thời tiết năm nay ở miền Bắc nước Anh khắc nghiệt hơn so với mọi năm, nhiệt độ trước thời khắc giao thừa đã rơi xuồng – 5 độ C. Tuyết rơi mạnh, nhưng người dân nơi đây vẫn nườm nượp đổ về khu vực Grey’s Monument, Northumberland street, John Dobson Street để tham gia lễ hộ Carnival mùa đông và xem trình diễn pháo hoa tại Civic Centre.
Năm nay, l ễ hội đan xen giữa văn hóa của miền Đông Bắc nước Anh, Nam Mỹ và khu vực Đông Nam Á. Lễ hội diễn ra từ lúc 2h chiều (9h tối 31/12 giờ VN) và kết thúc bằng màn bắn pháo hoa tại trung tâm thành phố lúc 6h tối (1h sáng 1/1/2010 giờ Việt Nam)
Trẻ em được bố kiệu lên vai để xem pháo hoa và các nghệ sĩ trình diễn trong lễ hội. Vài nhóm người còn đem cả champagne, nâng ly chúc mừng năm mới. Cũng rất nhiều người từ những nơi khác đến Newcastle trong dịp này. Không khí thật sự ấm cúng dù vào lúc bắn pháo hoa, mưa tuyết rơi khá mạnh.
6h sáng ngày 1/1/2010 theo giờ Việt Nam, năm mới trải đều trên các thành phố lớn tại châu Âu: Paris, Berlin...
Trên đất Pháp, năm nay người dân đón giao thừa không quá ồn ào. Không chỉ bởi nước Pháp không bắn pháo hoa đêm giao thừa mà còn bởi lệnh cấm đốt pháo hoa có hiệu lực vào sáng 31/12/2009. Theo lệnh cấm, bất cứ vụ đốt pháo nào không được phép của chính quyền sẽ bị phạt 1.500 euros. Những năm trước, mặc dù chính quyền thành phố ít khi tổ chức bắn pháo hoa đón năm mới vào đêm giao thừa nhưng người dân vẫn có dịp chứng kiến những màn pháo hoa đơn lẻ tự phát.
Những chiếc đèn được dùng làm vật trang trí chính trên đường phố Rouen trong dịp Noel và năm mới |
Anh Khánh Duy, kiến trúc sư có vợ người Pháp, sống và làm việc tại Paris suốt thời gian dài cho biết, Noel và năm mới là dịp nghỉ ngơi nên nhiều người dân Paris thường đi nghỉ ở nơi khác. Noel là lễ dành cho gia đình còn năm mới là cho bạn bè, vì thế, giới trẻ Paris thường tụ tập bạn bè vào đêm giao thừa.
Cách Paris không xa tại thành phố Rouen nhỏ xinh, anh Hải, một lưu học sinh VN tại đây gọi điện cho biết mọi hoạt động diễn ra rất sôi nổi từ lúc 7h tối ngày 31 (1h sáng 1/1/2010 giờ Hà Nội). Người người đổ ra đường, tranh thủ làm nốt những việc còn lại của năm cũ như mua nốt những món quà cho người thân, mua thêm đồ trang trí, sắm những bộ cánh mới để diện vào ngày lễ, rồi mua thực phẩm cho mấy ngày nghỉ tới…. Tuy nhiên từ 7h tối trở đi, cả thành phố chìm dần vào yên tĩnh, đường sá vắng xe cộ và người qua lại.
Vào lúc giao thừa (6h sáng giờ VN), nhiệt độ mà anh Hải đo được là 1 độ C. Anh Hải cho biết, do năm nay thời tiết khá lạnh, nên người dân nơi đây thường ở nhà hoặc đến nhà người thân, bạn bè, một số ít đi bar, chứ không đổ ra đường. Vì thế, trên đường phố Rouen lúc này khá vắng vẻ, chỉ lẻ tẻ bóng dáng người đang vội vã trở về nhà.
Thu trang, đang học thạc sỹ tại Nantes thông tin cho biết, dòng người tranh thủ mua sắm cuối năm ở đây đông nghịt. Một vài shop mỹ phẩm Sephora còn mở thêm dịch vụ trang điểm cho các chị em. Năm nay, người dân nơi đây có xu hướng ăn tất niên ở nhà hàng, bởi vậy, hầu như các nhà hàng kín chỗ vào tối 31. Bữa ăn của người Pháp thường kéo dài 3-4 tiếng đồng hồ nên ăn tối xong thì thời khắc giao thừa cũng đến gần và mọi người thường về nhà.
Giống như những nơi khác, ở Grenoble, thanh niên là những người hưởng ứng không khí giao thừa nhiệt tình hơn cả. Bạn bè tụ tập tại nhà nhau hoặc quán bar để đón năm mới.
Năm mới, mọi người điều hướng tới những điều tốt đẹp mới và những cơ hội mới. “Năm nay, tôi chủ yếu hướng về gia đình. Tôi mong chờ sự ra đời của đứa con đầu lòng”, anh Khánh Duy chia sẻ.
Còn cô sinh viên Marion 23 tuổi thì bảy tỏ: “Tôi mong rằng trong năm mới này, may mắn sẽ đến với tôi trong mọi việc”.
Anh Đoàn Văn Huy - tù Thụy Điển - chia sẻ, lúc này đây, năm mới sắp đến tôi thấy nhớ quê hương vô cùng mặc dù xa quê nhưng tôi vẫn online để xem tin tức đón năm mới của người dân Việt Nam.
Tôi xin chúc cho Việt Nam một năm mới 2010 với nhiều điều đổi thay, và chúc cho gia đình và bạn bè người thân của tôi ở Hải Phòng một năm mới sức khỏe, hạnh phúc, chúc VietNamNet một năm mới với nhiều tin tức mới để cho chúng tôi ở xa quê luôn luôn gần gũi với Việt Nam.
04h00 ngày 1/1/2010 (giờ Việt Nam), năm mới về đến Moscow, Một số nước tổ chức đón mừng năm mới thật long trọng vào đêm 31/12 và ngày 1/1 thật long trọng, sau đó lại lập tức quay trở lại với cuộc sống thường ngày, nhưng ở Nga, người dân có tới 2 tuần để tổ chức các bữa tiệc, cho tới ngày 14/1. Ngay cả các trường học cũng đóng cửa cho tới ngày đó.
Pháo hoa rực sáng Quảng trường Đỏ. Ảnh Reuters |
Lễ mừng năm mới ở Nga là một trong những sự kiện lớn nhất đất nước, khi hàng chục triệu bữa tiệc được tổ chức trên khắp nước Nga, hầu hết trong số đó là các bữa ăn mừng năm mới theo kiểu truyền thống.
Người Nga thường có câu, khi bạn tổ chức mừng năm mới thế nào thì cả năm của bạn sẽ diễn ra như thế.
Bên cạnh màn bắn pháo hoa tại Quảng trường Đỏ và tiếng chuông báo năm mới tại tháp Spasskaya ở Kremlin, thì không có gì đánh dấu kỳ nghỉ lớn nhất nước này là các bữa tiệc kéo dài rất Nga.
Có một nét trong phong tục tập quán của người Nga khiến anh chị em lưu học sinh ta phải thán phục là những lời chúc. Cả một văn hóa chúc - chúc rượu, chúc sinh nhật, chúc Năm Mới… vô vàn kiểu chúc, rất ý nhị, rất hay và chẳng mấy khi trùng lặp. Trong những lời chúc Năm Mới, mấy năm nay đã thấy thấp thoáng bóng dáng kinh tế thị trường chen vào. Các đồng nghiệp người Nga tâm đắc mấy câu như “Chúc sức khỏe và nhiều tiền hơn. Những thứ còn lại chúng ta sẽ mua!” “Chúc nhiều tiền hơn, ít vấn đề hơn!”.
Điện thoại di động lại báo có tin nhắn. Chị bạn người Gruzia là Tiến sĩ Sử học viết: “Chúc cậu sang Năm Mới không biết đến bận tâm, tiền bạc không đo đếm, hãy yêu, hy vọng và tin tưởng!” (Vẫn tiền bạc).
Người Việt ở Matxcơva đón Năm Mới theo nhiều kiểu. Cánh sinh viên-nghiên cứu sinh tụ tập nấu nướng liên hoan xong rồi kéo ra Quảng trường Đỏ xem ca nhạc hoặc lên đồi Chim Sẻ ngóng pháo hoa.
Mấy cô em quen biết người Hà Nội chia sẻ: “Trong những ngày lễ này dân Nga ít mua hàng nên bọn em cũng đành nghỉ. Mà trước thì buôn bán cũng đã kém rồi…”.
0h ngày 01/01/2010, Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Huế..., người dân đã nô nức ra đường chào thời khắc bước sang năm 2010.
Không khí tưng bừng, háo hức đón năm mới 2010 rộn ràng khắp nơi nơi.
Hà Nội: "Nóng" ở phố hoa
Phố xá được trang hoàng lộng lẫy từ mấy hôm trước. Đêm cuối năm, từng góc phố ở Hà Nội, TP.HCM rực sáng bởi đèn, bởi hoa và bởi bước chân người dân ra đường sớm để chờ đón giây phút chuyển giao năm mới và năm cũ.
Áo dài kết từ 1000 đóa hoa được trưng bày tại phố hoa Hà Nội - Ảnh: Phạm Hải |
Tại Thủ đô Hà Nội, nơi thu hút đông nhất người dân đi chơi đêm giao thừa có lẽ là khu vực hồ Hoàn Kiếm. Từ đêm qua 30/12, phố hoa đã được khai mạc. Những ký ức về Hà Nội, những nét văn hoá đặc trưng của Thủ đô cùng với các loài hoa khoe sắc đã tạo nên một không gian văn hoá đặc sắc nhất khi chuẩn bị bước sang năm mới.
Từ khi chuẩn bị khai mạc, phố hoa Hà Nội đã thu hút hàng ngàn người dân đến tham quan, chụp ảnh. Trong dịp này, Hà Nội cũng chào mừng nhiều du khách quốc tế đến thành phố vì hoà bình để đón Tết.
TP.HCM:
(Ảnh Thái Phương) |
Thừa Thiên - Huế: Nóng cùng Tết Dương lịchNgười dân và du khách Huế năm nay đón Tết Dương lịch trong không khí ấm áp. Từ chiều tối, ở khắp các nẻo đường, khu phố đã tưng bừng tổ chức các lễ hội.
Lượng khách du lịch tại Huế có tăng hơn so với các năm với khoảng hơn 10.000 người.
Ca nhạc chào năm mới tại trung tâm văn hóa thông tin tỉnh. |
Tại Trung tâm thông tin tỉnh, chương trình “Ca nhạc chào năm mới – năm Canh Dần” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đã thu hút hàng ngàn khán giả.
Khu phố Tây với nhiều hoạt động sôi nổi. Các khách sạn như Camellia, Asia… đã trang trí cây thông, hoa đào giấy; tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hấp dẫn: múa lân, hóa trang ông Phúc, Lộc, Thọ; ca nhạc chào xuân… Trước đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các khách sạn, nhà nghỉ, doanh nghiệp… tổ chức nhiều hoạt động đón Tết Dương lịch với tinh thần thân thiện, an toàn. Hầu hết các khách sạn sẽ tổ chức đêm dạ tiệc vào lúc giao thừa.
Nhiều khách tây xem múa lân tại khách sạn Camellia. |
“Mùa lễ” tại khách sạn Hùng Vương đã thu hút rất nhiều người, làm các tuyến đường gần đó trở nên quá tải.
Hoạt động sôi nổi và thu hút nhiều người nhất là “Đêm dạ hội thanh niên” tại Trung tâm hoạt động Thanh Thiếu Nhi tỉnh với các chương trình: ca nhạc, hài kịch, hóa trang bằng vật liệu “thừa”… được tổ chức dành cho thanh niên, học sinh sinh viên các trường trên địa bàn tỉnh....
23h, năm mới về tới hàng loạt quốc gia như Trung Quốc, Philippines, Singaprore, vùng lãnh thổ Đài Loan, Hồng Kông...
Tại Trung Quốc, không có nhiều hoạt động đặc biệt nào trong dịp không phải là tết cổ truyền của họ. Tuy vậy người dân cũng ra đường, đến các tụ điểm vui chơi.
Ở vùng lãnh thổ Hồng Kông có bắn pháo hoa đón chào cùng với những tiết mục như nhạc nước ở một số địa điểm.
Chú Hổ tượng trưng cho năm mới Canh Dần đã được trưng ra ngay từ năm mới dương lịch tại Côn Minh. |
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc trước đó đã hoàn thành xong bài phát biểu cuối năm dương lịch gửi tới người dân thông qua truyền hình quốc gia.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc thưởng thức đêm nhạc đón chào Năm Mới tại Bắc Kinh. |
Ở Thượng Hải, một số người đã móc túi 518 nhân dân tệ (75 USD) để rung chuông tại Chùa cổ Long Hoa vào giữa đêm với cầu chúc may mắn trong năm mới. Theo tiếng Trung Quốc, nói số “518” đồng âm với cụm từ “Tôi ước phát đạt”.
Trong khi đó từng dòng người lên tới hàng chục ngàn đã tập trung ở khu tượng đài quốc gia của Indonesia để chờ đếm ngược từng khoảnh khắc cho tới năm mới.
Tại Philippines, người dân đã nhiệt tình sôi nổi có những hoạt động đón chào năm mới ngay từ lúc này một cách tự phát. Nhiều người đã đốt pháo hoa và thậm chí chĩa pháo vào các đám đông, gây hoảng sợ và một số thương tích cho người dân.
Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque cho hay, hàng trăm người bị thương do đốt pháo mỗi năm trong những dịp đón chào năm mới.
Người dân Philippines nhiệt tình đổ ra đường phố có những hoạt động đón chào năm mới ở thủ đô Manila |
Rất nhiều người Philippines tin rằng, những tiếng động trong lễ đón năm mới sẽ xua đi ma quỷ và rủi ro. Họ đã cố đốt pháo lớn hay bắn súng để chào mừng bất chấp cảnh báo bị bắt giữ.
Các bữa tiệc hào nhoáng được tổ chức tại Singapore. Là đất nước đa văn hóa và truyền thống, Singapore thường tổ chức lễ giao thừa theo kiểu truyền thống Trung Quốc.
Nhưng Singapore là nước hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nên giờ đây, ngày tết dương lịch cũng đang trở nên hết sức quan trọng với người dân nước này.
Người Singapore có cách đón Năm Mới riêng của mình: họ thả những quả cầu có ghi lời cầu nguyện trên vịnh Marina. |
Các khu chợ, nhà cửa được trang hoàng lộng lẫy, những người thân cùng nhau chuẩn bị các bữa ăn thịnh soạn. Người Singapore đã tổ chức đêm giao thừa theo kiểu gần như tết truyền thống (Chun lian)
22h theo giờ Hà Nội, năm mới đã về đến Hàn Quốc, Nhật Bản. Cũng giống như nhiều nước châu Á khắc đón Năm Mới theo lịch riêng của mình, khác với công lịch.
Tuy vậy, không vì thế mà người dân các nước khu vực này bỏ lỡ dịp vui toàn cầu này.
Các ngôi đền lớn như đền Sensoji ở Tokyo được trang hoàng bằng cách dán các tấm biển đầy sắc màu với những lời cầu chúc và chúc mừng năm mới bằng tiếng Nhật |
Tại thủ đô Nhật Bản là Tokyo, vào lúc này người dân đã đón Năm Mới theo cách truyền thống của người Nhật.
CTV Trung Thành tại Nhật Bản cho biết,từ 23h, quán đã ngừng tiếp khách. Năm nay chủ quán quyết định làm việc tới ngày cuối cùng của năm, sau đó cùng mọi người làm tiệc đón năm mới tại quán.
Tham dự gồm có gia đình chủ quán, anh chị em họ hàng, người làm cùng một số khách mời thân quen người Việt Nam và cả người Nhật, tổng số lên tới gần bốn chục người.
Các món ăn đều mang hương vị Việt Nam như bánh chưng, giờ thủ, nem, gà, canh măng cùng một số món đặc biệt khác như cua bể, ba ba.
Mọi người cùng đếm ngược vào giờ phút giao thừa, sau đó ăn uống, ôn lại một năm đã qua, cùng nhau tiễn đưa năm cũ, xóa bỏ những chuyện không vui để hướng tới một năm mới tốt đẹp hơn.
Sau khi tiệc tàn, một số ra về hay tiếp tục đi chùa, một số ở lại hát hò, chơi bài tới sáng.
Theo Trung Thành, Ở đền thời MeijiJingu (Minh Trị Thần cung). Như mọi năm, đây là địa điểm đón nhiều người đi lễ năm mới nhất trên nước Nhật.
Có nhiều người cất công đến từ những vùng xa xôi cách hàng ngàn cây số.
Vào lúc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mọi người cùng nhau đếm ngược.
Vào đúng 0 giờ, tiếng hò reo vang lên hòa cùng với tiếng trống báo hiệu năm mới của đền. Năm nay kinh tế suy thoái, việc làm bị giảm dẫn đến nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Nhiều người đều có chung tâm niệm với hình ảnh mạnh mẽ của năm hổ, nền kinh tế sẽ có sự hồi phục mạnh mẽ.
Đa số hướng về các ngôi đền để chờ tiếng chuông vang lên vào lúc giữa đêm.
Các ngôi đền lớn như đền Sensoji ở Tokyo được trang hoàng bằng cách dán các tấm biển đầy sắc màu với những lời cầu chúc và chúc mừng năm mới bằng tiếng Nhật.
Tại Seoul, Hàn Quốc, anh Vương Quốc Kiên, kĩ sư điện tử của tập đoàn Samsung thông tin cho biết, lúc 0h (22h Việt Nam), 33 tiếng chuông đã vang lên ở Bosingak, trung tâm thủ đô Seoul, 1 năm mới đã bắt đầu. Đây là tục lệ đã được duy trì từ năm 1953, con số 33 tượng trưng cho 33 thiên đường trong đạo Phật.
Quán Ocean Buffet ở Seoul đông khách từ tối. Ảnh Quốc Kiên |
Năm nay, có 16 gương mặt quan trọng được chính quyền tổ chức bình chọn để đánh chuông đón năm mới. Ngoài thị trưởng thành phố và 4 quan chức thì 11 người còn lại được bình chọn qua thăm dò, trong đó có một số người nước ngoài. Điều này cho thấy, cộng đồng hơn 1 triệu người nước ngoài đang sinh sống tại Hàn quốc đang ngày càng có vai trò quan trọng ở đất nước này.
Anh Kiên cũng chia sẻ thêm, có lẽ giao thừa năm nay là một trong những ngày lạnh nhất trong năm, nhiệt độ đã xuống dưới -12 độ, giao thông tương đối khó khăn. Phong tục của người Hàn quốc là đón tết âm lịch. Vì vậy, tuy dòng người đổ đến vui chơi tại các khu trung tâm khá tập nập nhưng không đông đúc như năm ngoái.
Màn bắn pháo bông tự phát tại Seoul. |
Các hoạt động vui chơi, triển lãm, đèn lồng và khu trượt băng ngay ở trung tâm Gwanghwamun... đã đông đúc từ trước lúc giao thừa. Tại khu trung tâm này cũng đang có một số tiết mục ca nhạc được biểu diễn tự phát.
Đặc biệt, các quán ăn, nhất là các quán buffet rất đông khách.
Theo anh Kiên, đi ra đường hôm nay không quá khó để gặp người Việt. Nhiều SV VN tổ chức ăn uống hoặc kéo nhau đi xem phim.
Tại Dubai, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, việc đón năm mới của người Hồi giáo cũng diễn ra rất ấn tượng.
20h (theo giờ Việt Nam), Australia đón năm mới 2010 với màn pháo hoa rực rỡ. Ở Sydney, đám đông đón năm mới tại một số thành phố khác như Melbourne và Adelaide, giao thừa diễn ra trong thời tiết nóng tới 38 độ C.
Trước khi chuông đồng hồ điểm 12h đêm, hàng nghìn người đã tập trung tại cảng Sydney để cố tìm chỗ tốt nhất chứng kiến màn pháo hoa huy hoàng hàng năm trên cầu cảng.
Hơn 5.000 kg đạn pháo được kích hoạt trong màn trình diễn pháo hoa Sydney năm nay với chủ đề "Đánh thức tinh thần”.
Video - Pháo hoa rực trời Sydney
Bất chấp thời tiết có mưa và nhiều mây, nhà tổ chức ước tính có khoảng 1,5 triệu người đổ về trung tâm thành phố và các khu vực gần cầu cảng.
Khách du lịch người Anh Lisa Carey, 23 tuổi đã thuyết phục các bạn là Lauren Nagy và George Andrews rằng, họ cần có một chỗ ngồi tốt để chứng kiến màn bắn pháo hoa bằng tới một công viên gần đó vào lúc 6h sáng. Ba người quyết định tổ chức tiệc thâu đêm.
“Tất cả mọi người nói với chúng tôi là phải có mặt ở đây từ 7 hoặc 8h sáng, nên chúng tôi tới luôn từ lúc 6h”. Carey nói.
Pháo hoa chào năm mới trên cầu cảng Sydney. Ảnh Reuters |
Trong khi đó, bạn Nguyễn Văn Thương ở Queensland chia sẻ: "Tôi đang chuẩn bị tiễn năm 2009 và đón thời khắc đầu năm 2010. Như các bạn biết đấy, Australia đón năm mới vào nhiều thời điểm khác nhau từng vùng. Còn hơn 20 phút nữa mới Queensland mới đón năm mới. Không biết không khí ở quê hương bây giờ thế nào? Chứ kể cả năm mới nhưng xa quê nên thật buồn và nhớ quê da diết, đặc biệt vào tết âm lịch. Các bạn ạ, chẳng có đâu bằng quê mình vào cái Tết cổ truyền. Nhớ Việt Nam quá".
Ngoài các hoạt động tưng bừng diễn ra khắp thế giới, giao thừa năm nay chứng kiến hai hiện tượng khác thường.
Đó là “trăng xanh” - trăng tròn thứ hai trong một tháng hay kỳ trăng tròn thứ 13 của năm.
Tại Quảng trường Thời đại của New York, người dân chào đón năm mới sẽ chứng kiến vầng trăng tròn vằng vặc xuất hiện đúng lúc giao thừa.
Tại Mỹ, Canada, châu Âu, Nam Mỹ và châu Phi sẽ được chứng kiến khoảnh khắc trăng xanh vào giao thừa. Với những người dân ở Australia và châu Á, sẽ không thấy trăng tròn cho tới ngày đầu Năm mới.
Tuy nhiên, Đông Bán cầu có thể được chiêm ngưỡng hiện tượng nguyệt thực bán phần vào đêm giao thừa khi một phần mặt trăng tiến vào bóng của Trái đất. Hiện tượng này không thấy được ở châu Mỹ.
18h (giờ Việt Nam), Trong lúc này, những nơi khác trên thế giới vẫn còn đang tận hưởng những giây phút cuối cùng của năm 2009, thì năm mới 2010 đã về đến các hòn đảo trên Thái Bình Dương. Những hoạt động tưng bừng đánh dấu thời khắc khởi đầu của 2010 đã diễn ra tại Kiribati sớm nhất, tiếp theo là quần đảo Chatham, Fiji, Tonga, New Zealand và Australia.
Tại Suva, Thủ đô Fiji, hàng trăm người đếm ngược 10 giây cuối cùng năm 2009 tại Công viên Albert trong Tiệc đường phố đón giao thừa Năm mới. Chị Hoa từ Auckland chia sẻ, năm nào cùng vậy bầu không khí ngoài trời nóng, nhưng người dân đã đổ ra các đường phố từ rất sớm, đặc biệt là quảng trường trung tâm để đón chào những thời khắc đầu tiên của năm mới.
Auckland, thành phố lớn nhất của New Zealand. Auckland trải dài trên một eo đất hẹp. Thành phố này hình thành vào khoảng năm 1840. Nếu gọi nơi đây là trung tâm núi lửa cũng không sai, bởi Aukland có rất nhiều ngọn núi lửa. Auckland vừa có vẻ đẹp hiện đại với kiến trúc châu Âu, vừa có nét hoang sơ với đồi núi, rừng thẳm và vô khối bãi biển thơ mộng.
Ở Auckland, chính quyền ước tính có hàng nghìn người đổ ra đường phố đón chào năm mới 2010. Cảnh sát đã cảnh báo mọi người “có thể vui vẻ bằng mọi cách nhưng phải tuân thủ pháp luật và tất cả sẽ có thời khắc tuyệt vời”.
Các thành phố của New Zealand chào năm mới với những bữa tiệc đường phố, các ban nhạc biểu diễn và bắn pháo hoa. Thành phố phía nam Dunedin bắt đầu tiệc năm mới tại Octagon, trung tâm thành phố.
Pháo hoa rực sáng quảng trường trung tâm thành phố Auckland. |
Ước tính có hơn 15.000 người tập trung tại Quảng trường Cathedral và năm mới ở Wellington có màn trình diễn xe đạp theo phong cách tự do.
Thành phố lớn nhất của New Zealand - Auckland có màn pháo hoa lớn. Các buổi hoà nhạc miễn phí đều được tổ chức tại khu vực bến cảng của Queenstown và Wanaka trong đêm giao thừa.
Tuy nhiên, Cảnh sát New Zealand tại các trung tâm chính thông báo, đêm giao thừa năm nay yên ắng hơn mọi khi.
Theo thông tin từ cảnh sát ở miền bắc, khu vực này vẫn không hề ồn ào trong 2 giờ cuối cùng của năm 2009, dù họ vẫn đang bận rộn giải quyết những vụ mất trật tự nhỏ.
Ở miền nam, cảnh sát cho hay, tình trạng mất trật tự đã diễn ra tại khu cắm trại ở đường Maitai Valley, gần Nelson.
Còn tại Christchurch, thành phố vẫn khá yên tĩnh và không có nhiều vấn đề rắc rối nào.
- VietNamNet